Tây Trà: Nghi kỵ cầm đồ thuốc độc vẫn còn dai dẳng?

02:08, 27/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, vấn đề nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tây Trà vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy trong xã hội. Thậm chí, lúc đỉnh điểm mạng sống của con người cũng bị đe dọa. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc nghi kỵ cầm đồ độc đều bắt đầu từ mâu thuẫn cá nhân và nhận thức còn hạn chế.

TIN LIÊN QUAN

Ghét nhau tung tin cầm đồ độc

Ngày 10.2.2013, tại nhà bà Hồ Thị Hà ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh (Tây Trà) có tổ chức ăn nhậu. Sau khi có men rượu, chị Hồ Thị Quý (người ở cùng địa phương) nhắc nhở em ruột mình là chị Hồ Thị Kiều dừng quan hệ bất chính với ông H.V.T ở thôn Trà Veo, xã Trà Xinh, vì ông T. đã có vợ, làm như vậy sẽ phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác và vi phạm Luật Hôn nhân gia đình. Sự thật chưa rõ như thế nào, nhưng bị “nhắc” trước thiên hạ, Kiều bực tức, đánh chị mình 3 tát vào mặt... Được bà con can ngăn, cả hai chị em ra về.

Sau khi về nhà được một thời gian, mối quan hệ giữa hai chị em “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, rồi Kiều tung tin đồn chị ruột mình có cầm đồ độc. Lời đồn thổi lan truyền ra khắp thôn, thậm chí ngay cả cha ruột của Quý cũng bị “cuốn hút” bởi tin đồn vô căn cứ này.

 

Công an huyện thường xuyên xuống cơ sở họp dân giải quyết nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
Công an huyện thường xuyên xuống cơ sở họp dân giải quyết nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.


Để đuổi “con ma đồ độc” ra khỏi dân làng, cuối tháng 2.2013, ông Tiến lập dàn cúng, nhưng Quý không đến. Cho rằng Quý có đồ độc không dám đến nên ông Tiến vác cây đánh Quý. Sau đó, ông Tiến cùng một người dân trong làng bị đau bệnh đường ruột, mệt mỏi trong người, người dân địa phương cho rằng đó là dấu hiệu bị trúng đồ độc. Từ suy nghĩ lệch lạc đó, người dân lo sợ không cho con, cháu đi học trong 2 tuần liền.  Nghe tin mọi người nghi mình có đồ độc, chị Quý và chồng là Hồ Văn Nho đã đến tận nhà của người dân để kêu oan.

Hay như vụ vào năm 2006, chỉ vì mâu thuẫn với mẹ chồng nên con dâu là Hồ Thị Lệ đã đồn thổi những lời lẽ mê tín dị đoan, cho rằng mẹ chồng mình là bà Hồ Thị Út ở thôn Trà Niêu, xã Trà Phong có cầm đồ độc. Lệ cho rằng mỗi lần bị sốt hay mệt mỏi trong người là những lúc mẹ mình đều đi khỏi nhà vào ban đêm đến sáng mới về. Lệ bị sốt, mệt mỏi, nghĩ là do mẹ mình bỏ đồ độc nên đi “nhắc nhở” nhiều người cẩn thận kẻo bị bà Út bỏ đồ độc.

Vào tháng 5.2013, ông Hồ Duy Khánh (ở cùng địa phương) có gặp gỡ và bà Út có chạm vào người ông Khánh 2 lần. Sau đó vài ngày, ông Khánh bị đau nên cho rằng, bà Út gây ra bệnh. Dù cho bà Út đã nhiều lần kêu oan, nhưng do xuất phát từ phong tục tập quán còn lạc hậu, bà Út đã bị dân làng Trà Niêu hắt hủi, xa lánh. Lúc đỉnh điểm, dân làng Trà Niêu còn hăm dọa đòi giết bà để trừ con ma đồ độc”.

Nhận thức còn hạn chế

Cuộc sống đơn độc cứ đeo bám bà Út mãi từ 2006 đến tháng 5.2013, con dâu bà lại tiếp tục thổi phồng tin đồn thất thiệt về mẹ mình có đồ độc. Trước sự việc có diễn biến phức tạp, Công an huyện Tây Trà đã xuống cơ sở phối hợp với già làng người có uy tín tổ chức tuyên truyền, giải thích cho bà con Trà Niêu chuyện đồ độc là không có thật. Đồng thời, Công an huyện còn phổ biến kiến thức về pháp luật để cho bà con nắm bắt, thực hiện.

Qua đó, các cán bộ Công an huyện cũng đã trích ngang lý lịch của bà Hồ Thị Út để nhân dân biết. Bà Út xuất thân trong một gia đình có công cách mạng, chồng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là thương binh nặng, sau đó lâm bệnh qua đời. Còn bà Út cũng là một trong những cô gái xung phong cõng gạo cho bộ đội ngày ấy. Từ nhỏ đến lớn ở vùng miền núi Tây Trà, bà Út và chồng chỉ biết theo cách mạng, chẳng biết gì về đồ độc, thế nhưng bỗng nhiên bà bị gán với cái tội bởi mê tín dị đoan.

Ngay sau buổi tuyên truyền, bà Út đã được giải oan, bà tiếp tục sống bình yên, vui vẻ với bà con làng Trà Niêu. Tuy nhiên, qua vụ việc cho thấy do công tác tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương còn quá yếu. Sự việc bé đã bị xé thành to và âm ỉ kéo dài đến 7 năm trời, đến khi lực lượng Công an vào cuộc thì vụ việc mới được giải quyết ổn thỏa.

Trao đổi vấn đề này, thiếu tá Huỳnh Tấn Vũ – Phó trưởng Công an huyện Tây Trà cho biết: Nghi kỵ cầm đồ thuốc độc là một hủ tục lạc hậu từ xưa do bọn thực dân đế quốc bịa ra nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ người này với người kia, giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa những người trong gia đình, thôn xóm với nhau, từ đó người dân trong thôn xóm sẽ tự triệt tiêu lẫn nhau.

Cầm đồ thuốc độc là hoàn toàn sai sự thật, là phản khoa học, chỉ là mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và cuộc sống của chính người dân. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã giải quyết 2 vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trên địa bàn 2 xã Trà Xinh và Trà Phong. Tuy nhiên, qua vụ việc cho thấy công tác tuyên truyền của chính quyền xã còn quá yếu. Nhiều người bị đau ốm lo cúng bái, tự tạo thuốc uống nhưng chẳng ai tổ chức tuyên truyền, vận động họ đến bệnh viện để điều trị. Chính từ đó mà bệnh không bớt, nghi kỵ lại kéo dài…”, thiếu tá Vũ nói.


 

Bài, ảnh: Văn Nam
 


.