(QNg)- Những ngày này, người dân Sơn Tây đang ngập tràn không khí hân hoan kỷ niệm 56 năm ngày thành lập và phát triển của huyện nhà (20.7.1957 - 20.7.2013). 56 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc ở Sơn Tây đã giành được những thắng lợi rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khu 7 xưa...
Trước năm 1945, huyện Sơn Tây được gọi là "Tổng Ca Dong" nằm trong "Châu Sơn Hà". Đây là nơi sinh sống của đồng bào Ca Dong. Sau năm 1945, các làng thuộc Tổng Ca Dong được ghép lại thành xã Sơn Tinh thuộc huyện Sơn Hà. Năm 1952, xã Sơn Tinh được tách làm các xã: Sơn Tinh, Sơn Liên, Sơn Dung, Sơn Mầu, Sơn Long. Cũng trong những năm 50, tỉnh Kon Tum giao một số làng, xã Sơn Bua cho huyện Sơn Hà để thành lập các xã mới,...
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhằm tạo hệ thống căn cứ cách mạng liên hoàn của tỉnh, ngày 20.7.1957 Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã quyết định thành lập Khu 7, gồm các xã vùng cao huyện Sơn Hà. Năm 1965, Khu 7 chính thức được gọi là huyện Sơn Tây. Quyết định này đã tạo dấu ấn cho nhân dân các xã vùng cao Sơn Tây có điều kiện phát huy truyền thống cách mạng của mình, ra sức đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến. Với niềm tự hào đó, Đảng bộ Sơn Tây đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch, sản xuất ổn định đời sống,...
Một góc trung tâm huyện Sơn Tây |
Khi cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nổ ra, nhân dân Sơn Tây dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng đã vùng lên giải phóng huyện nhà và trở thành một trong những huyện được giải phóng sớm ở Khu V. Điều quan trọng là, vùng giải phóng này được giữ vững và trở thành căn cứ, bàn đạp vững chắc của Tỉnh ủy Quảng Ngãi và của Khu V cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
"56 năm, so với chiều dài lịch sử của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng chưa phải là nhiều, nhưng đối với nhân dân Ca Dong và các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện năm xưa thì việc Tỉnh ủy quyết định thành lập Khu 7 sau này là huyện Sơn Tây là một dấu ấn mà Đảng bộ và nhân dân chúng tôi rất tự hào", đồng chí Đinh Kà Để - Bí thư Huyện ủy Sơn Tây vui mừng cho biết.
Sơn Tây hôm nay
Sau giải phóng đất nước, Sơn Tây nhập vào huyện Sơn Hà (năm 1976). Đây là thời kỳ đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, đất sản xuất lúa nước không có, trong khi đó nạn khai thác khoáng sản, đào đãi vàng, tìm trầm,... xảy ra nhiều; tỷ lệ đói nghèo chiếm 85%. Đặc biệt là, cả huyện chỉ có 5 người học hết lớp 9, còn lại trên 92% là mù chữ. Cơ sở vật chất chưa có gì đáng kể.
Đường sá, nhà cửa ở xã Sơn Bua ngày một khang trang. |
Ngày 6.8.1994, Chính phủ có Nghị định 83/CP cho Sơn Tây tái thành lập huyện đã mở ra chương mới cho sự phát triển đi lên của Sơn Tây. Từ đó đến nay, nhờ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự giúp đỡ của các ngành, địa phương trong tỉnh, Sơn Tây đã từng bước phát triển. Thông qua nguồn vốn các Chương trình 135, 134, 30a,... huyện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng điện- đường- trường- trạm; nước sinh hoạt, trụ sở làm việc,... đã tạo diện mạo mới cho vùng cao Sơn Tây, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ngày mai (16.8), Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Tây tổ chức Hội thảo 56 năm Ngày thành lập huyện nhằm làm sáng tỏ thêm các nội dung: Truyền thống đấu tranh cách mạng của vùng cao Sơn Hà, nhất là sau cách mạng Tháng Tám năm 1945; những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân huyện Sơn Tây; thành tựu và triển vọng phát triển của huyện Sơn Tây trong thời kỳ đổi mới... |
Đến nay, 100% xã có đường nhựa đến trung tâm xã, đường từ xã đến thôn đều được bê tông hóa; tất cả các xã đều có trường THCS, huyện có trường nội trú và trường bổ túc văn hóa, trường cấp 3. Đặc biệt là, trên địa bàn huyện có 2 trường mầm non đạt trường chuẩn quốc gia. Toàn huyện đã có 5 thạc sĩ, 200 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng.
Đồng chí Đinh Kà Để - Bí thư Huyện ủy Sơn Tây cho biết: Ngày đầu thành lập, điểm xuất phát nền kinh tế của huyện rất thấp, tỷ lệ đói, nghèo khá cao. Tuy nhiên, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đã đề ra chủ trương nhằm tạo bước chuyển tích cực, từ nền kinh tế tự cung, tự cấp chuyển dần sang kinh tế hàng hóa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng đạt 16,6%/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. An ninh lương thực được đảm bảo, bình quân lương thực đầu người 352kg/năm.
Đặc biệt, từ chỗ có 85% hộ đói nghèo thì nay số này giảm xuống còn 51,4%; thu nhập bình quân xấp xỉ 6 triệu đồng/người/năm. An ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự xã hội luôn ổn định. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được chú trọng. Đến nay toàn huyện có 1.000 đảng viên, sinh hoạt trong 66 tổ chức cơ sở đảng. Đảng bộ huyện đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh,...
Bài, ảnh: Bá Sơn