(QNg)- Dù vết thương đau buốt mỗi khi trái gió trở trời, nhưng thương binh Phan Hiển ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) vẫn tự nguyện đảm nhận nhiều công việc để giúp đỡ ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản.
Mỗi khi gặp nạn trên biển, nhiều chủ tàu cá ở xã Phổ Thạnh lại “Alô… cho ông Hiển thương binh” để báo cáo thiệt hại. Ông còn là “đường dây nóng” cung cấp thông tin ngư dân bị nạn trên biển cho nhiều phóng viên báo chí.
14 tuổi, ông Hiển tham gia cách mạng với nhiệm vụ theo dõi địch tình rồi báo cáo cho đội du kích xã. 16 tuổi, ông chính thức gia nhập vào đội du kích xã Phổ Thạnh. Vào tháng 4/1972, trong một trận đánh với quân địch ông bị thương, máu ra nhiều đến bất tỉnh. Địch bắt ông chuyển đến nhà lao Đức Phổ rồi nhà lao Quảng Ngãi. Dù bị tra tấn dã man, nhưng ông chỉ nhất quyết khai “còn nhỏ, không biết gì hết, đi chăn bò thì bị đạn bắn trọng thương”. Sau hơn 1 năm giam cầm, chúng đành thả ông về quê và ông tiếp tục tham gia chiến đấu đến ngày thống nhất đất nước với tỷ lệ thương tật 26%.
Sau ngày quê hương giải phóng, ông đảm nhận chức vụ Thôn đội trưởng và Bí thư chi đoàn thanh niên. Năm 1983, ông xin tham gia đánh bắt trên tàu cá của HTX khai thác hải sản xã Phổ Thạnh. Cuộc sống gia đình hết sức khó khăn nên ông vay vốn buôn bán máy móc trang bị cho tàu cá. Vì “nhớ” biển nên chỉ sau thời gian ngắn ông lại vay vốn để đóng mới tàu cá của riêng mình với công suất 52CV hành nghề lưới cản. Sau nhiều năm lênh đênh trên sóng nước, ông hoán đổi, đóng mới 2 chiếc tàu cá với tổng công suất 800CV. Biển cả cũng “ban tặng” cho ông cơm áo để nuôi 7 người con trưởng thành, trong đó có 4 người học đại học, cao đẳng. Và dù rất yêu biển, nhưng ông phải giao 2 tàu cá cho người con trai để lên bờ chăm sóc người vợ bị bạo bệnh cho đến khi bà qua đời.
Rời biển, ông được ngư dân cùng với chính quyền địa phương cử giữ chức Chi Hội trưởng nghề cá xã Phổ Thạnh và Chủ nhiệm HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ. Dù không nhận lương và phải bỏ tiền của gia đình chi phí cho công việc, nhưng ông vẫn luôn dõi theo những chiếc tàu cá vươn khơi xa. Ông luôn theo dõi bản tin thời tiết trên các kênh thông tin để hướng dẫn ngư dân tìm nơi trú ẩn mỗi khi xảy ra bão tố trên biển qua máy Icom. Đây còn là kênh liên lạc để ông chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành chức năng đến các ngư dân đánh bắt trên biển.
Thông tin ngư dân bị nạn luôn được ông cập nhật và báo cáo kịp thời đến các đơn vị liên quan. Ông còn tận tình giúp đỡ ngư dân hoàn tất hồ sơ gửi lên cấp trên để nhận khoản hỗ trợ khi bị thiệt hại trên biển và các khoản ưu đãi của Nhà nước. “Ổng bỏ công sức viết giùm hồ sơ rồi chạy vạy khắp nơi lo cho tôi nhận hỗ trợ 90 triệu đồng. Vợ chồng tôi liền mang sang biếu ít tiền xăng xe, nhưng ổng nhất quyết từ chối” – ngư dân Phan Văn Nông, chủ tàu cá QNg – 98225 TS bị chìm trên vùng biển Đà Nẵng vào cuối năm 2011, nói.
Những lần đến Phổ Thạnh lấy tư liệu viết bài về nghề biển, nhiều người cứ bảo tôi: “Anh đi hỏi ông Hiển thương binh nói cho mà nghe!”. Và lần này tôi viết về ông, người thương binh nặng lòng với biển.
TRANG THY