(QNg)- Thường thì một năm “mùa giáp hạt” chỉ đến đôi lần khi mà lúa cũ đã hết, lúa mới thì chưa gặt. Thế nhưng, ở thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ (Tây Trà) vì ruộng rẫy đã nhường hết cho dự án, cuộc sống của người dân rơi vào cảnh giáp hạt triền miền…
Đã 5 năm kể từ khi dự án thủy lợi kết hợp thủy điện Hồ chứa nước Nước Trong triển khai trên địa bàn xã Trà Thọ (Tây Trà), thế mà 37 hộ dân thôn Nước Biếc vẫn chưa được cấp nhà tái định cư, đất tái định canh. Nhà tạm bợ, không có đất để làm ra hạt thóc, củ mì trong khi tiền bồi thường thì người dân đã tiêu sạch từ lâu…
Nồi trống !
Đường lên thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ chẳng khác nào đường dành cho cuộc đua xe địa hình. Cầu treo, sông sâu, đá, dốc, bùn lầy, quanh quẹo liên hồi. Đoạn đường từ ngã ba Trà Trung đi Trà Thọ chỉ vỏn vẹn 20km nhưng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được thôn Nước Biếc. Nước Biếc nằm vắt vẻo bên vạt núi tựa vào thành hồ hồ chứa nước Nước Trong. Trưa nắng, cái mệt càng “thấm” hơn khi chứng kiến bữa trưa của nhiều gia đình ở đây chỉ rau rừng, muối và củ mì. Ở cái làng 37 nóc nhà này hôm nay không còn gạo. Phụ nữ lên rừng kiếm củ mì, hái rau. Còn đàn ông ra con suối dưới chân núi bắt thêm con cua, con ốc để sống qua ngày.
Những căn nhà “tạm” gần 3 tuổi của người dân thôn Nước Biếc |
Ví như gia đình trưởng thôn Đinh Văn Lập dù thuộc diện “người có uy tín, cán bộ thôn” nhưng cả nhà 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào hơn 1 triệu đồng tiền hỗ trợ hàng tháng suất “thôn trưởng” cũng đang lay lắt. “Lãnh tiền ra, tôi mua 50 kí gạo, số còn lại để mua mắm, muối. Cố lắm nhưng cuối tháng vẫn thiếu gạo, phải ăn củ mì” - trưởng thôn Lập cho biết. Cả làng ai cũng muốn tìm việc làm nhưng non cao núi thẳm chẳng có ai thuê cả.
Từ đầu năm đến nay có nhiều đoàn cán bộ của tỉnh, huyện và cả đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri Trà Thọ. Người dân thôn Nước Biếc đã kiến nghị vấn đề hỗ trợ gạo cứu đói cho hộ dân trong vùng dự án chưa được cấp đất tái định canh. Thế nhưng, mọi kiến nghị đến nay vẫn chưa có hồi âm. Mới đây, ông Hồ Tấn Vũ - Chủ tịch UBND xã Trà Thọ đã ký văn bản gửi 3 cơ quan: UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Quản lý hợp phần di dân TĐC hồ chứa nước Nước Trong. Nội dung đề nghị xin cấp trên hỗ trợ lương thực cho 37 hộ dân thôn Nước Biếc thuộc diện tái định cư tập trung trong thời gian chờ Ban Quản lý dự án hồ chứa nước Nước Trong cấp đất sản xuất cho dân. Thế nhưng sau 3 ngày gửi đến UBND tỉnh, thì UBND xã Trà Thọ nhận được công văn chuyển trả vì gửi vượt cấp!
Nhà rách !
Về Nước Biếc những ngày giáp hạt thật xót xa khi bữa ăn thiếu cơm, nhà cửa thì tuềnh toàng, tạm bợ. Phó Chủ tịch HĐND xã Trà Thọ Hồ Văn Lế đưa cho chúng tôi xem bản tổng hợp ý kiến của cử tri qua các lần tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Trong đó, cử tri thôn Nước Biếc kiến nghị Ban Quản lý dự án Hồ chứa nước Nước Trong sớm xây dựng nhà tái định cư tập trung cho các hộ dân đã nhường nhà đất cho dự án. Hiện tại bà con vẫn phải ở nhà tạm bợ làm bằng bạt, cây lồ ô. Tình trạng này đã kéo dài từ đầu năm 2011 đến nay. Hai năm qua, mặc dù cơ quan liên quan và ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực xây dựng nhà tái định cư cho người dân nhưng đến nay mới chỉ xây dựng được 82 nhà trong tổng số 156 nhà phải xây cho hộ tái định cư, nhưng vẫn chưa bàn giao cho dân vào ở. Hầu hết các hộ dân dự án đều phải sống trong nhà tạm bợ, không đảm bảo an toàn mỗi khi mưa bão.
Thấu hiểu để chia sẻ…
Đã nhiều lần chúng tôi về Trà Thọ, đến tận các thôn Bắc Nguyên, Bờ Y, Suối Lác, thôn Tre, Nước Biếc. Hôm nay trở lại nơi này phải thừa nhận rằng việc chăm lo tái định cư cho dân vùng dự án đã có nhiều chuyển biến, nhưng theo kế hoạch thì vẫn còn chậm và nhiều bất cập.
Số nhà đã xây dựng thì chỉ có cái nhà. Việc san ủi mặt nền nhiều nơi không chắc chắn, mưa lớn gây sạt lở tứ bề. Hầu hết các khu tái định cư đều chưa có điện. Buồn lòng hơn cả là các hộ dân thôn Nước Biếc, đến giờ này họ vẫn chưa biết khu tái định cư của họ nằm ở đâu, nhà tái định cư quy mô thế nào. Đại diện chính quyền xã Trà Thọ bảo rằng: Hiện nay cơ quan chịu trách nhiệm lo tái định cư vẫn chưa tìm ra nơi để san ủi mặt bằng làm nhà cho dân!.
Nhà tái định cư chưa được cấp. Đất tái định canh chưa được bố trí. Cuộc sống người dân thôn Nước Biếc đang rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Những khó khăn này cần được những người có trách nhiệm hiểu và sẻ chia. Bởi lẽ đó không chỉ là cái nghĩa, cái tình mà xét về mặt lý đấy còn là trách nhiệm của Ban quản lý dự án, chính quyền địa phương. Theo quy định hiện hành và cũng là thực tiễn đã diễn ra ở Quảng Ngãi: Khi chưa bố trí được nơi tái định cư cho dân, phải hỗ trợ tiền cho dân dự án tìm chỗ “ổn cư”. Nếu chưa bố trí tái định canh được, phải hỗ trợ gạo, tiền cho những người bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định.
Bài, ảnh: Thanh Nhị