(QNg)- Nhà tái định cư xây theo kiến trúc mới giá khoảng 400 triệu đồng. Nội thất trong nhà là hàng xịn. Xe máy và thậm chí cả xe ô tô chính hãng... Cuộc sống của người dân tái định cư (TĐC) xóm Nghèo, xã Sơn Liên có thể nói là niềm mơ ước của hàng vạn người dân miền núi Quảng Ngãi. Thế nhưng, đằng sau sự lộng lẫy ấy ẩn chứa không ít nỗi lo…
Thóc lúa ở đâu, bồ câu theo đó !
Chúng tôi có mặt tại khu TĐC xóm Nghèo mà bây giờ nhiều người ở đây quen gọi là “xóm biệt thự” bởi nhà TĐC mà Dự án thủy điện Đắkdrinh xây cho dân rất giống biệt thự mini ở phố thị. Những ngày này là đợt chi trả cuối cùng tiền đền bù giải tỏa, tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho 73 hộ dân nơi đây. Tổng số tiền họ nhận lên đến hơn 41 tỷ đồng. Trời tắt nắng. Nhận tiền rồi nhưng nhiều người chẳng về nhà. Họ rủ nhau tìm quán lai rai. Trung tâm xã nghèo Sơn Liên thật nhộn nhịp. Đèn điện sáng rực. Tiếng nhạc inh ỏi. Tiếng cụng ly chan chát hệt như chợ đêm ở phố. Đám thanh niên choai choai thì sau chầu nhậu là chầu bi da, bi lắc, karaoke...
Khu TĐC của người dân xóm Nghèo – Sơn Liên. Ảnh: T.NHỊ |
Già làng xóm Nghèo Đinh Văn Huyết bảo với chúng tôi rằng, lần nào cũng vậy, cứ nhận tiền bồi thường là dân làng lại tổ chức vui chơi. Đây là lần nhận tiền cuối cùng nên có lẽ cuộc chơi sẽ kéo dài hơn mọi khi. Theo lời “bắn tin” này, sáng sớm hôm sau, chúng tôi quay trở lại khu TĐC xóm Nghèo…
Nắng vừa trải xuống, hàng trăm người bán đủ các mặt hàng đã đổ lên trung tâm xã Sơn Liên. “Mình lên hốt hụi chót mà ! Dân hết được nhận tiền dự án nữa rồi !” – người đàn ông trung niên chở nệm Kimdan lên đây bán nói với chúng tôi. Trời càng trưa, những cái “chợ di động” tiến về đây càng nhiều. Quán xá, nhiều nhất là đại lý bia, quán nhậu, quán bida, bi lắc mọc lên ngày càng nhiều. Tại một đoạn đường ngắn trước khu TĐC, chúng tôi đã đếm được 3 đại lý bia, 5 quán nhậu, 3 quán bida mà quán nào cũng đông khách.
Xóm Nghèo xài sang...
Mỗi hộ dân xóm Nghèo nằm trong Dự án thủy điện Đắkdrinh được bồi thường bình quân tiền tỷ. Nhưng thực tế, hiện nay, tiền còn nằm lại túi dân không nhiều. Hầu như khi có tiền, nhà nào cũng mua tivi xịn chính hãng màn hình rộng với đủ các loại thiết bị kèm theo. Những chiếc xe máy cà tàng đã biến mất. Cả làng toàn xe máy xịn, nhiều nhất là Exiter côn tay giá 40 – 50 triệu đồng. Sau dự án, ở xã nghèo mới chia tách Sơn Liên đã có ô tô Innova 7 chỗ láng coóng hơn nửa tỷ bạc. Nói chung, người dân xóm Nghèo khi có tiền đền bù, hỗ trợ họ mạnh tay chi tiền mua nhiều thứ đắt tiền ngoại trừ mua đất, mua trâu bò để lo cho cuộc sống ngày sau.
Ô tô nửa tỷ bạc của “đại gia” xóm Nghèo. |
Ông Trần Đông Phong – Chủ tịch UBND xã Sơn Liên cho rằng: Dân có tiền tỷ thì việc chi trăm triệu mua sắm xe máy, ti vi là chuyện bình thường. Còn việc dân làng mua ô tô có lẽ là để phục vụ cuộc sống thôi !. Họ có tiền mua gì là quyền của họ !
Ở xóm Nghèo, có tiền dự án về, đến đồ chơi của bọn trẻ trong làng cũng được “thay” tất. Lũ trẻ được bố mẹ sắm cho xe điều khiển từ xa, thiết bị chơi điện tử bạc triệu. Cách ăn quà vặt của chúng cũng trở nên sành điệu vì được bố mẹ cho tiền nhiều.
... chính quyền lo lắng !
Phải khẳng định một điều là việc chăm lo cho dân trong vùng Dự án thủy điện Đắkdrinh của huyện Sơn Tây rất tích cực. Trước khi chi trả tiền bồi thường Huyện ủy, UBND huyện có cả chục cuộc họp để bàn cách giữ lại tiền cho dân. Thế nhưng chủ yếu vẫn là vận động để nhân dân tự nguyện là chính. Riêng tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, Huyện ủy và UBND huyện mới có biện pháp can thiệp mạnh bằng cách yêu cầu dân gửi ngân hàng ngay khi tiến hành chi trả. Khi nào có kế hoạch mua sắm máy móc thiết bị được sự xác nhận của chính quyền sở tại thì mới cho rút tiền về chi dùng. Thế nhưng số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp này không phải là lớn so với tiền bồi thường đất, vật kiến trúc, hoa màu.
Hiện tại, tổng số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của dân xã Sơn Liên gửi tiết kiệm khoảng 19 tỷ đồng, xã Sơn Dung khoảng 10 tỷ. Trong khi đó tổng số tiền dự án đã chi trả cho dân lên đến hàng trăm tỷ đồng. “Số tiền chi trả đến tay dân nhưng người dân không gửi ngân hàng có lẽ đã chi tiêu hết rồi. Còn số tiền ngân hàng đang giữ hộ cho dân cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Huyện đang nghĩ cách giúp dân sử dụng đồng tiền còn lại sao cho hiệu quả mà vẫn chưa tìm ra” - ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết.
Sau thủy điện Đắkdrinh thì nhiều người không còn đất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn hộ dân Sơn Tây không còn phải ra ruộng, lên rẫy như xưa nữa. Không có việc làm ắt sẽ kéo theo bao hệ lụy và “nhàn cư vi bất thiện” sẽ là tất yếu. Rồi tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nếu cứ để “nằm im” trong ngân hàng thì chẳng thể mang lại cho người dân việc làm, tinh thần yêu lao động. Một điều đáng lo ngại ! Bài toán giữ lại tiền cho dân khó một thì tìm việc làm cho dân sau dự án có lẽ khó gấp trăm ngàn lần. Và ngặt nỗi đến nay vẫn chưa có lời giải.
Bài, ảnh: THANH NHỊ