(QNg)- Đảo Lý Sơn có 5 ngọn núi, gồm: Thới Lới, giếng Tiền, hòn Vung, hòn Sỏi và hòn Tai. Việc đầu tư trồng cây xanh trên đảo rất khó khăn nên việc giữ rừng càng trở nên quan trọng hơn. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn trên đảo liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng, khiến những vạt rừng là vốn quý của đảo đang bị teo tóp dần.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hỏa hoạn liên tiếp xảy ra
Mới đây, vào trưa ngày 4/7, “bà hỏa” lại gây cháy trên đỉnh núi Giếng Tiền. Hơn 200 chiến sĩ cùng người dân địa phương đã nhanh chóng dùng mọi biện pháp để ngăn chặn đám cháy đang cháy lan ra các vạt rừng lân cận. Hơn 1 giờ đồng hồ, đám cơ bản mới được dập tắt. Hậu quả của vụ cháy làm hơn 2 ha rừng, chủ yếu là cây dương liễu, bồ đề, sanh... được trồng từ 2 -3 năm tuổi bị lửa thiêu rụi. Trong năm 2011, ngọn núi này cũng bị hỏa hoạn thiêu rụi hơn 2 ha rừng bạch đàn, dương liễu.
Một góc rừng trên núi hòn Sỏi bị hỏa hoạn thiêu rụi. |
Hơn 1 tuần trước, lửa cũng bùng cháy dữ dội và thiêu rụi hơn 2ha rừng dương hơn 2 năm tuổi trên đỉnh núi hòn Sỏi, khiến cho hòn núi này trở thành “núi chết” khi giờ đây đứng từ cầu cảng Lý Sơn nhìn lên chỉ thấy một ngọn đồi trọc nham nhở. Đó là hai trong số những vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng nề trên đảo Lý Sơn trong thời gian qua.
Ông Phạm Văn Trung, xã An Vĩnh- người tham gia ít nhất 2 vụ dập lửa cứu rừng trên đảo, cho biết. “Hỏa hoạn liên tục kiểu này sợ mấy vạt rừng dương mới trồng trên đảo sẽ bị xóa sổ mất”.
Nguy cơ “trọc hóa” rừng trên đảo
Đảo Lý Sơn, hiện có gần 180 ha rừng, trong đó rừng trồng mới gần 60 ha và chủ yếu là cây dương, bồ đề, sanh... Còn lại đa phần là rừng nghèo, đồi núi trọc. Do đó, từ nhiều năm qua tỉnh luôn cố gắng phủ xanh đảo bằng nhiều dự án trồng rừng khác nhau, dù gặp rất nhiều khó khăn và phải mất thời gian khá lâu các loại cây được trồng mới lớn được. Trong khi đó, chỉ cần bất cẩn là hỏa hoạn trong chốc lát đã “đốt” biết bao công sức và tiền bạc của dân.
Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: Hiện nay, huyện Lý Sơn đã thành lập Ban PCCR nhưng hoạt động chưa thật sự hiệu quả. “Con người thì có, nhưng phương tiện chữa cháy rừng thì không có, chủ yếu là chữa cháy bằng phương pháp thủ công nên việc dập tắt đám cháy là rất khó khăn và mất thời gian khá lâu. Bình chữa cháy cũng có nhưng chỉ là loại bình chữa cháy cá nhân thì làm sao dập được cháy rừng. Còn nguồn nước thì càng khó khăn hơn. Trước mắt huyện chỉ còn biết tổ chức tuyên truyền, vận động người dân cần nâng cao và cảnh giác hơn nữa để hạn chế tối đa các vụ cháy rừng xảy ra”– ông Nguyên nói.
Từ năm 2008 đến nay trên địa bàn huyện đã triển khai 3 dự án trồng rừng có quy mô lớn. Theo đó, có hai dự án trồng rừng của Chính phủ gồm: Dự án trồng rừng cảnh quan môi trường huyện đảo Lý Sơn vào tháng 4/2008; Chương trình dự án 661 của Bộ NN&PTNT và dự án trồng rừng phòng hộ và cảnh quan môi trường huyện đảo Lý Sơn do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện. Dù có nhiều dự án quy mô nhưng đến nay việc phủ xanh đất trống đồi trọc trên đảo vẫn chỉ là ước mơ của người dân và chính quyền sở tại. Trong khi đó, nguy cơ cháy rừng trên đảo ngày càng cao.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC