(QNg)- Hơn 2.500 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham nằm trên thượng nguồn sông Xà Lò thuộc địa phận huyện Sơn Hà và Sơn Tây đang phải đối mặt với nạn lâm tặc hoành hành. Gác cửa rừng phòng hộ bây giờ đã trở nên quá đỗi gian nan…
Chúng tôi đã có chuyến xuyên rừng cùng tổ đội giữ rừng do dân tự nguyện lập ra để hiểu hơn về câu chuyện giữ màu xanh rừng phòng hộ. Chúng tôi nhận ra rằng, chỉ những cán bộ ăn lương giữ rừng thôi chưa đủ, sự chung sức đồng lòng của người dân sống dưới chân rừng ấy mới là yếu tố quyết định đến sự tồn tại của rừng. Hôm nay là phiên tuần rừng của tổ bảo vệ rừng làng Mô Níc – Sơn Kỳ (Sơn Hà). 7 giờ sáng sương tan dần, cuộc hành trình bắt đầu. Tổ trưởng Đinh Văn Chinh dẫn đầu đoàn gồm 10 người đàn ông lực lưỡng xuyên rừng. Vai mang rựa, nồi xoong, gạo, mắm, muối, mì tôm, đèn pin, đoàn người lặng lẽ nối đuôi nhau vào rừng xanh… Già làng Đinh Văn Sang – người cao tuổi nhất đoàn nhưng sức khỏe chẳng thua kém gì cánh trẻ, vừa đi vừa vịn tay vào cây rừng, trầm trồ mỗi khi trông thấy một cây gỗ lớn.
Cây rừng lâu năm bị lâm tặc đốn hạ. |
Rừng Mô Níc nhìn từ xa cứ ngỡ chỉ một màu xanh thẳm chẳng có lối vào. Ấy vậy mà càng vào sâu trong rừng, những con đường mòn chằng chịt hiện ra. Già Sang bảo: Có lối do tổ tuần rừng đi hoài thành đường nhưng cũng có lối là do lâm tặc mở. Men theo con đường đất mùn đen kịt có nhiều vết trượt còn mới nguyên. Không ai bảo ai, nhưng trong bụng thầm nghĩ "có kẻ trộm rừng”.
Đi tiếp độ vài trăm mét, mọi người phát hiện một cây gõ đường kính cả mét vừa bị đốn hạ. Thân cây đã bị mang đi. Gốc cây trần trụi. Mặt đất quanh đó phủ dày một lớp mùn cưa. Cành lá vương vãi, gãy nát. Già Sang đưa ra quyết định: “Mình bổ xuống sông Xà Lò ngay. Cây mới đốn hạ, chúng chưa thể đưa gỗ đi xa được”…
Rất nhanh, đoàn chúng tôi lần theo “đường đi của gỗ”. Đi được một đoạn, già Sang quyết định cắt rừng tìm lối ra ngã ba sông Xà Lò. Quyết định mở đường này khiến cuộc hành trình chậm lại bởi gặp phải nhiều dây leo đan chằng chịt, phải vừa đi vừa phát dọn. Vượt ra khỏi âm u sâu thẳm của rừng già, cuối cùng đoàn cũng ra đến bến sông. Thế nhưng chẳng thấy gỗ cũng không thấy kẻ trộm gỗ đâu. Mệt và đói, nhưng không ai muốn dừng cuộc rượt đổi này.
Với kinh nghiệm của người từng sống, gắn gó với công việc giữ rừng bao năm nay, già Sang quyết định cử vài người trong tổ tuần rừng theo lối mòn đi tắt ra đường Giá Gối – Mô Níc về làng xin chi viện thêm người đón lõng trên ngã ba sông. “Bọn chúng chưa thể mang gỗ ra khỏi khu vực này được. Chắc chắn những khúc gỗ vẫn đang còn nằm dưới đáy sông kia” – già Sang nói mà ánh mắt nhìn xoáy xuống dòng sông Xà Lò đang cuồn cuộn chảy như thể tìm kiếm một điều gì bí ẩn dưới lòng sông.
6 giờ chiều bữa cơm tối được dọn ra ngay trong rẫy keo. Mọi người đều tranh thủ “đánh nhanh” để vào vị trí. Mưa giông bắt đầu dội xuống. Già Sang nhìn mọi người bảo: “Mưa là thuận lợi. Tối nay nước sông lớn chắc chắn bọn chúng sẽ cho gỗ xuôi sông đây!”. Mỗi người một chiếc đèn pin lặng lẽ nghe ngóng. “Ai thèm thuốc lá phải cố kiềm chế. Nghe hơi thuốc lá bọn chúng sẽ lặn mất, uổng công!” – già Sang ra lệnh.
Nước sông ồng ộc chảy. Tiếng ếch nhái kêu rão cả tai. Khuya muỗi rừng bay vù vù. Vốn không quen cảnh đêm nơi âm u sơn cước, tôi cảm giác như có luồng gió lạnh vờn ở sau lưng. Trong đầu tôi thoáng nghĩ mọi người đang làm một việc khó như thể “mò kim đáy bể!”. Bỗng từ phía đầu nguồn có tiếng va đập đùng đùng vào đá. Già làng Sang nói nhỏ với anh em trong đoàn: “Gỗ về! Mọi người chuẩn bị tư thế sẵn sàng đột kích”.
Khoảng gần một giờ đồng hồ sau khi phát hiện có “gỗ trôi sông” thì bè gỗ đã về đến ngã ba sông Xà Lò nơi tổ tuần rừng đang đón lõng. Trời tối đen ngòm. Già Sang và tổ trưởng Đinh Văn Chinh ra hiệu cho mọi người pha đèn pin dội vào bè gỗ. Hai bóng đen ngồi trên bè gỗ nhanh như chớp nhảy xuống sông bơi vào bờ chạy thục mạng vào rừng sâu. Bè gỗ với hai chiếc phao to cột chặt “không người lái” từ từ trôi đến nơi tổ tuần rừng chốt chặn. 5 tấm gỗ chừng vài khối được đưa lên bờ. Già Sang móc điện thoại báo tin cho Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham về “chiến lợi phẩm” sau một ngày đêm tuần rừng.
“Hốt” được gỗ, tổ tuần rừng ngồi lại đốt lửa bên ngã ba sông. Ánh lửa bập bùng phản chiếu tia sáng lên trên mặt nước. Vẻ trầm ngâm, đăm chiêu, già Sang bảo: “Gỗ thì tìm được, nhưng rừng đã vĩnh viễn mất đi một cây nữa rồi. Giữ rừng bây giờ khó thật!”.
Tổ tuần rừng làng Mô Níc (Sơn Kỳ - Sơn Hà) vận chuyển số gỗ truy quét về làng. |
Sau khi nhận điện thoại báo tin “bắt” được gỗ của tổ tuần rừng làng Mô Níc, khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau anh Đào Thanh Hòa– cán bộ phụ trách địa bàn của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham đã có mặt. Xác nhận số gỗ thu được, động viên anh em trong tổ đội khiêng gỗ về làng. Gỗ tươi lại “ngậm” nước sông nên nặng như đá! 6 người lực lưỡng khiêng một tấm. Hơn 9 giờ tối gỗ đã được đưa hết về làng.
Trở về làng Mô Níc, câu chuyện gian nan nghề giữ rừng được anh Hoà kể cho chúng tôi nghe thật nặng lòng. Anh chẳng than về tiền lương ít hay làm việc cơ cực mà chỉ một nỗi bảo rằng: Nạn phá rừng bây giờ dữ lắm. Mình canh rừng, lâm tặc lại canh mình. Lặng lẽ, bí mật, quyết tâm là vậy mà cây vẫn bị đốn xuôi sông về phố. Nhất là khi nghe tỉnh triển khai thủy điện Sơn Trà 1 vào cuối tháng 5/2013 thì mức độ phá rừng gia tăng rõ rệt. Anh Hoàng nói: “Dòng sông Xà Lò bây giờ trở thành dòng sông gỗ rồi. Gỗ đốn đưa xuống sông cột đá cho chìm.
Tối đến thừa lúc mình sơ hở, lâm tặc cột phao bơm hơi cho gỗ nổi trên mặt nước trôi sông. Giữ rừng mà để "rừng chảy máu" thì đau như chính mình bị chảy máu vậy!”
Tình trạng đốn trộm gỗ rừng gia tăng đã khiến Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham và cơ quan kiểm lâm địa bàn mệt nhoài. Nghe báo "rừng có tiếng cưa” là họ vô rừng ngay. Giữ rừng phòng hộ bây giờ không còn kể ngày hay đêm, mưa hay nắng; của cán bộ hay của dân nữa. Xiết chặt là vậy mà rừng vẫn bị lâm tặc “tỉa” suốt. Canh giữ rừng vẫn mãi là chuyện gian nan!
Bài, ảnh: Thanh Nhị