“Cao thủ” 18 tuổi giết người cướp của - Kỳ 2: Cú điện thoại của kẻ trốn chạy

12:07, 27/07/2013
.

(QNg)- Sáng 31/3/2001, một cuộc họp khẩn cấp của Ban chuyên án được tiến hành, nhận định về khả năng Nguyễn Văn Như đang trốn ở đâu và ở chỗ nào? Trong lúc không khí đang căng thẳng, bất ngờ trực ban Công an huyện Mộ Đức gọi điện báo: Nguyễn Văn Như vừa điện thoại về Công an huyện, nói rằng “cháu Như đã vào đến Sài Gòn, nhắn lại với các chú đừng đi tìm cháu nữa”…

TIN LIÊN QUAN

Vào Bình Định tìm bắt kẻ sát nhân

Nhận thông tin cuộc gọi trên, Ban chuyên án đã phân tích:  Nguyễn Văn Như chạy trốn trong đêm 30/3, thì không thể nào sáng 31/3 đã vào được TP Hồ Chí Minh. Sau hơn 12 năm, đánh giá việc nhận định này là một bước ngoặt đưa đến việc phá án thành công mà vào thời điểm đó là hoàn toàn chính xác: Vì đường Quốc lộ 1 năm 2001 chưa được nâng cấp sửa chữa, chưa có xe khách chất lượng cao như bây giờ, thì từ Quảng Ngãi trong vòng một ngày không thể đi đến TP Hồ Chí Minh. Lúc này, kết quả điều tra các thông tin từ bạn bè của Nguyễn Văn Như được đề cập đến.

Đó là Nguyễn Văn Như trong một lần đi chơi vào tỉnh Bình Định có quen với một cô gái ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Như vậy với khoảng thời gian từ ngày 30/3 đến sáng 31/3 thì Nguyễn Văn Như chỉ có thể đi đến địa chỉ trên. Ngay lập tức, Ban chuyên án cử một tổ công tác đi Bình Định truy bắt Nguyễn Văn Như; đồng thời lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi điện trực tiếp cho Giám đốc Công an tỉnh Bình Định đề nghị phối hợp.

Ăn cơm trưa xong khoảng 12h, tổ truy bắt lên đường ngay. Đến Công an huyện Hoài Ân lúc 15h30, tổ truy bắt đề nghị họp triển khai ngay. Sau khi nghe tả về đặc điểm nhận dạng đối tượng Nguyễn Văn Như, một công an viên xã Ân Đức xác nhận có một đối tượng như vậy đang có mặt tại nhà cô gái Nguyễn Thị Bích Vân ở thôn Gia Trị. Không thể diễn tả hết niềm vui của tổ truy bắt lúc đó.
 
“Đúng nó rồi!”

Sau khi nắm chắc tất cả các cửa ra vào của ngôi nhà và địa hình xung quanh, tổ truy bắt cùng 5 anh em công an địa phương đến thẳng nhà Nguyễn Văn Như đang ở. Bước lên bậc tam cấp thứ hai của nhà Nguyễn Thị Bích Vân, đại úy Nguyễn Anh Tuấn (nay là thượng tá, phó trưởng Công an TPQN) thấy một thanh niên đang nằm trên tấm phản giữa nhà, mặc quần jeans, áo thun ba lỗ, mắt thì đang nhắm. “Đúng nó rồi!”, rất nhanh anh lao đến, chân phải đặt trên tấm phản, chân trái đạp ngay vào bờ vai Nguyễn Văn Như; đồng thời đại úy Phạm Trung Thu (điều tra viên Phòng Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh) gập cánh tay phải của Như ra phía sau, cùng lúc trung úy Dũng (Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Mộ Đức) lấy còng số 8 bập vào hai tay của Như.

 Đưa Như ra phía ngoài hè để khám xét. Lúc này, Như ngước nhìn lên thấy đại úy Tuấn, đại úy Thu và trung úy Dũng, nên mặt tái mét, run rẩy (bởi trong quá trình làm việc, Như đã quen mặt các điều tra viên này). Trong chiếc quần jeans Như đang mặc có số tiền 4.146.000đ. “Như! Tiền này là của ai”, “Dạ! Tiền cướp được của gia đình anh Linh, chị Đính”, “Làm sao có được?”, “Dạ, cháu giết bà Lường và em Trường”.

Như vậy, sau 11 ngày vụ án xảy ra, đối tượng gây án đã bị bắt. Nguyễn Văn Như khai nhận: Khoảng 13h30 ngày 20/3/2001, sau khi xem phim ở nhà ông Tuyến ở gần bên, trên đường về đi ngang qua nhà anh Linh, chị Đính thấy bà Lường ở ngoài vườn, cửa không khóa Như nảy sinh ý định trộm cắp, liền lẻn vào. Trong khi đang lục tìm nơi cất giấu tiền thì bà Lường vào phát hiện, Như kẹp cổ bà, lôi vào trong phòng ngủ, xô xuống nền nhà. Thấy bà Lường bất tỉnh, y tiếp tục lục lọi. Lúc này cháu Trường đi chơi về, y lôi cháu vào buồng, dùng mùng siết cổ làm Trường ngất xỉu. Nghi ngờ có thể bà Lường, cháu Trường còn sống, thấy sẵn chiếc búa để trong thùng đồ nghề, y liền dùng giẻ quấn cán búa đánh vào đầu họ. Thấy cả hai đã chết, y đi lại chiếc tủ.

Tay trái đè lên cánh tủ, tay phải giật cánh tủ còn lại, tìm lấy được 4.900.000đ. Về nhà, Như cất tiền dưới chân giường, sau đó cởi quần áo dính máu ngâm giặt, rồi vội vã bước ra khỏi nhà. Để công khai cho mọi người thấy, Như dắt bò đi chăn. Trong lúc đang ăn cơm chiều, nghe tiếng hoảng loạn của nhiều người ở bên nhà anh Linh, chị Đính, Như đã chạy sang cùng anh Tuyến cởi áo cháu Trường đưa đi cấp cứu. Sáng hôm sau (21/3), thấy không yên tâm, Như lấy tiền đem lên núi phía sau nhà chôn giấu. Đến ngày 28/3, thấy lực lượng Công an điều tra ráo riết, Như bắt đầu hoang mang. Chiều tối 29/3, sau khi thoát sự kiểm soát của Ban chuyên án, Như đã chạy lên núi phía sau nhà. Chờ đến 19h30 ngày 30/3, Như đào lấy tiền và nhờ một người bạn chở ra Quốc lộ 1, đón xe khách đi vào Bình Định. Như đã mua một số đồ dùng cá nhân, quà tặng bạn gái và đi xe khách nên còn lại 4.146.000đ.

Thỏa lòng mong đợi của dân

Trên đường giải Nguyễn Văn Như về lại Quảng Ngãi, Như hỏi: “Tại sao các chú lại xác định được cháu giết bà Lường, em Trường, vì cán búa cháu cầm đã được quấn bằng một miếng vải, thì không để lại dấu vết vân tay”. Đại úy Thu hỏi lại: “Tại sao cháu làm như vậy?”, Như trả lời: “Vì cháu đã xem bộ phim Rex - chú chó thám tử (đúng là vào thời điểm đó - tháng 3/2001, VTV3 đang chiếu bộ phim này, có thể Như đã học cách không để lại dấu vân tay trên phương tiện gây án - đại úy Thu nghĩ). Thượng tá Tuấn kể lại: Từ huyện Hoài Ân về đến thôn 4, xã Đức Chánh, dù đêm đã rất khuya mà hàng ngàn người dân vẫn đứng hai bên đường chờ xem cảnh áp giải hung thủ.

Giết người, cướp tài sản bằng cách quấn giẻ vào cán búa để xóa dấu vân tay. Sau khi gây án, Như trở về nhà thay quần áo, giặt bộ đồ dính máu, dắt bò đi chăn, rồi quay lại hiện trường tham gia cấp cứu nạn nhân để tạo lý do ngoại phạm. Đối tượng lại giữ vững trạng thái tâm lý trong suốt 8 ngày bị tạm giữ, sau khi chạy thoát lại điện thoại về nói: “đang ở thành phố Hồ Chí Minh” nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra... Nguyễn Văn Như, quả là hàng “cao thủ” ở tuổi 18.

Ngày 27/3/2003, Nguyễn Văn Như lãnh án tử hình. Thành công của chuyên án đã khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát điều tra Công an Quảng Ngãi trên bước đường công tác và chiến đấu, tất cả “Vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.


Trung Thành
 


.