(QNg)- Một ngày đầu tháng 7/2013, đại tá Phùng Đình Sỹ - nguyên Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Ngãi đã kể lại vụ án "Giết người, cướp tài sản", xảy ra cách đây hơn 12 năm tại thôn 4, xã Đức Chánh (Mộ Đức). Diễn biến quá trình điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này có những tình huống nghiệp vụ bây giờ mới công bố.
Dấu vết để lại
Vào lúc 18 giờ 10 phút ngày 20/3/2001, chị Ngô Thị Kim Đính và chồng là anh Nguyễn Nhật Linh đều là giáo viên Trường tiểu học Văn Bân - Đức Chánh, đi làm về nhà (tại xóm 3, thôn 4, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức), phát hiện mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Lường (80 tuổi) và con trai Nguyễn Nhật Trường (11 tuổi) bị chết trong phòng ngủ; họ đã báo cho Công an xã và Công an huyện Mộ Đức.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã huy động các lực lượng Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra phối hợp với Công an huyện Mộ Đức đến ngay hiện trường. Số tiền 4.900.000đ của gia đình để trong tủ áo tại phòng ngủ đã mất.
Bà Nguyễn Thị Lường bị 6 vết thương ở vùng mặt và đầu do vật tày tác động gây chấn thương sọ não. Cháu Nguyễn Nhật Trường bị 2 vết thương ở vùng đầu, chấn thương sọ não. Cả hai nạn nhân chết sau bữa ăn từ 1 đến 3 giờ.
Tại hiện trường, các giám định viên thu được một cái búa để trong một thùng đồ nghề, trên đầu búa có dính nhiều máu và tóc. Đặc biệt, các giám định viên lần đầu tiên sử dụng máy ảnh kỹ thuật số đã thu được dấu vết mu bàn tay bên trái (được xác định không phải là của những người trong gia đình) trên cánh tủ bị cạy để lấy 4.900.000đ. Đây là dấu vết cực kỳ quan trọng giúp Ban chuyên án đưa đối tượng gây án vào tầm ngắm.
Lời trăn trối của cháu bé
Theo lời trình bày của anh Linh, chị Đính: Khoảng 12h ngày 20/3/2001 sau khi ăn cơm trưa xong bà Lường sang hàng xóm xem tivi, còn cháu Trường đi chơi. Đến 13h30, anh Linh, chị Đính đi họp ở trường. Do nghĩ bà Lường xem tivi gần nhà, nên chị Đính không khóa cửa nhà. Đến 16h, anh Linh, chị Đính về nhà cùng 4 đồng nghiệp là giáo viên Trường tiểu học Văn Bân lấy thức ăn để đi chơi biển. Do vội, chị Đính không vào phòng ngủ mà đi thẳng xuống bếp lấy đồ rồi đi. Đến 18h10, chị Đính về nhà trước, gọi mẹ và cháu Trường nhưng không thấy ai, vào phòng ngủ, thì thấy một cảnh hãi hùng, dưới nền nhà bà Lường chết, còn cháu Trường bị thương tích. Thấy chị, Trường nói trong hơi thở thoi thóp, tiếng được tiếng mất: “Mẹ ơi, gọi chú Tiến con nói... con vô nhà tắm, con thấy...”. Chị Đính hốt hoảng, chạy ra ngoài kêu la. Nghe tiếng của chị, bà con hàng xóm chạy sang. Nguyễn Ngọc Tuyến và Nguyễn Văn Như ôm cháu Trường đi cấp cứu, nhưng do mất nhiều máu nên cháu đã chết trên đường đi.
Sáng 21/3/2001, Ban chuyên án được thành lập: Đại tá Lê Thu - Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh - Trưởng ban; Trung tá Lê Xuân Hòa - Trưởng phòng CSĐT, Phó Trưởng ban trực. Các lực lượng tham gia là những điều tra viên của Phòng Cảnh sát điều tra, trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự dầy dạn kinh nghiệm, cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự, cán bộ - chiến sĩ điều tra Công an huyện Mộ Đức. Nhiệm vụ đầu tiên mà Trưởng ban chuyên án giao cho các thành viên là trực tiếp 24/24h phải có mặt tại khu vực hiện trường để tổ chức điều tra. Quá trình điều tra đã phát hiện dấu hiệu bất minh 6 đối tượng, trong đó nổi lên đối tượng Nguyễn Văn Như (một số trẻ em trong xóm thường gọi là Tiến). Và Như bị triệu tập để lấy lời khai.
Nghi can vẫn bình thản
Đối chiếu lời khai của Nguyễn Văn Như với công tác xác minh được biết: Trong buổi chiều 20/3, Như đi chăn bò, xem tivi. Nhưng đến tận bây giờ, đã qua hơn 12 năm vụ án xảy ra, các thành viên Ban chuyên án vẫn thắc mắc một điều: Nếu Như đúng là thủ phạm gây ra vụ án, thì khi bị “giam lỏng” - mấy ngày cùng ăn, cùng ở với các điều tra viên (tại trụ sở HTX nông nghiệp) thì đối tượng phải hoang mang, dao động, phải có biểu hiện dò hỏi để tìm hiểu quá trình điều tra của cơ quan Công an - đó là tâm lý chung của người phạm tội. Nhưng trái lại, Nguyễn Văn Như ăn rất khỏe và ngủ say sưa.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm bề dày trong công tác điều tra các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các điều tra viên và trung tá Phùng Đình Sỹ -Phó Trưởng ban chuyên án chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường vẫn không bỏ qua các chi tiết nhỏ nhất liên quan đến mọi hoạt động của Như trước và sau thời điểm vụ án được phát hiện. Sau khi tham gia cấp cứu cháu Trường, Như đã trở về nhà, đi xem tivi. Các nhân chứng đã xác nhận việc này. Một câu hỏi đặt ra: tại sao trong khi mọi người ở khắp nơi đổ dồn về và đứng xung quanh hiện trường (nhà anh Linh, chị Đính) bàn tán xôn xao và bàng hoàng trước cái chết hai bà cháu - một vụ án chưa từng xảy ra ở vùng quê này mà Nguyễn Văn Như lại có thái độ dửng dưng như vậy?
Từ những phân tích một cách logic, khoa học kết hợp với công tác giám định thu dấu vết đường vân tay trên cánh tủ trùng với đường vân bàn tay trái của Nguyễn Văn Như và kết quả giám định máu trên chiếc quần ngâm giặt của Như, thu được dưới dạng máu tia, trùng với nhóm máu B và nhóm máu O của hai nạn nhân, Ban chuyên án đã có thể ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Như. Nhưng với trạng thái biểu hiện tâm lý của Nguyễn Văn Như và trong khi chưa thu được vật chứng (số tiền 4.900.000đ), Ban chuyên án nhận định: Nếu bắt, Như sẽ không nhận tội. Một quyết định được Ban chuyên án đưa ra: Cùng với biện pháp xét hỏi phải củng cố hướng phát hiện, thu giữ được vật chứng bằng biện pháp sử dụng tình huống nghiệp vụ "thả lỏng".
Đến đêm 29/3, Như xin đi vệ sinh sau đó biệt tăm, các điều tra viên đã bủa vây đi tìm. Trong suốt đêm 29/3 và cả ngày đêm 30/3, tất cả mọi con đường từ thôn 4, xã Đức Chánh có thể đi ra đường Quốc lộ 1, đều bị phong tỏa. Một tổ trinh sát đã giám sát nhà Nguyễn Văn Như, để xem Như có quay về lấy tiền chạy trốn hay không. Nhưng có một điều không ngờ, là có một con đường nhỏ từ trên núi ở phía sau nhà Nguyễn Văn Như ra được đường Quốc lộ I, các điều tra viên không phát hiện được trước ngày 29/3...
Trung Thành
*Kỳ 2: Cú điện thoại của kẻ trốn chạy