Triển khai thủy điện Sơn Trà 1: Có nên hy sinh rừng phòng hộ cho thủy điện?

01:06, 14/06/2013
.

(QNg)- Với diện tích bao chiếm khoảng 80% của dự án là rừng phòng hộ, rừng trồng và sông suối, nếu thủy điện Sơn Trà 1 được thực hiện thì chính quyền và nhân dân sở tại đặt ra câu hỏi: Liệu có nên hy sinh rừng phòng hộ cho thủy điện không? Câu trả lời là không. Vì sao ?

TIN LIÊN QUAN


Tréo ngoe giữa báo cáo và thực tế!

Dự án thủy điện Sơn Trà 1, công suất 42 MW,  tổng vốn đầu tư 1.378 tỷ đồng, do Công ty cổ phần 30-4 Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, triển khai tại địa bàn hai xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) và Sơn Lập (Sơn Tây). Để thực hiện được dự án, nhà đầu tư sử dụng 95,4 ha đất, trong đó: Đất rừng phòng hộ 44,53 ha, đất sông suối 28,54 ha, đất rừng trồng 5 ha. Số diện tích rừng phòng hộ này nằm trên địa bàn xã Sơn Kỳ và Sơn Lập. Theo kế hoạch tháng 6/2013 này sẽ chính thức khởi công xây dựng.

 

 Nhiều diện tích rừng phòng hộ sẽ bị triệt hạ để thủy điện Sơn Trà 1 mọc lên.
Nhiều diện tích rừng phòng hộ sẽ bị triệt hạ để thủy điện Sơn Trà 1 mọc lên.


Đây là dự án có diện tích chiếm đất là rừng phòng hộ lớn nhất trong tổng số 26 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ông Đoàn Ngọc Thạch – Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham cho biết, số diện tích đất rừng phòng hộ nằm trong quy hoạch thủy điện Sơn Trà 1 là rừng hàng trăm năm tuổi; sản lượng gỗ từ 100 – 300 m3/ha. Đây là cánh rừng phòng hộ có trữ lượng gỗ lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống dân sinh. Đổi cánh rừng này lấy thủy điện là việc phải cân nhắc, tốt nhất là không nên hy sinh rừng phòng hộ cho thủy điện.

Chúng tôi đã có chuyến thực tế vào diện tích rừng phòng hộ đã quy hoạch cho thủy điện Sơn Trà 1 cùng với các cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham. Dưới tán rừng là vô số những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi, đường kính nhiều cây gỗ lên đến 2 mét. Đứng dưới tán rừng này, khi đề cập đến vấn đề sẽ “triệt hạ” gỗ quý cho thủy điện Sơn Trà 1, tất cả các thành viên trong đoàn đều thở dài nuối tiếc. “Rừng mất, sản vật của rừng cũng mất theo. Dân nghèo sống nhờ rừng biết lấy gì mà sống. Đừng vì thủy điện mà hủy hoại rừng, làm mất cuộc sống của dân” – già làng Đinh Văn Ôm, thôn Tà Ngòm khẩn thiết đề nghị.

Thế nhưng Sở Công thương tỉnh – cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc cho phép triển khai thực hiện dự án này sau khi phối hợp đi kiểm tra thực tế lại có văn bản đánh giá khác hoàn toàn. Tại báo cáo số 694/BC-SCT-NL ngày 21/5/2013 gửi UBND tỉnh, Sở báo cáo: 23ha rừng phòng hộ Sơn Kỳ chủ yếu là rừng nhỏ, dây leo, độ che phủ của tán rừng rất thấp, một số khoảng trống của rừng có rất nhiều cây chuối (?!). Còn 21,5ha rừng phòng hộ thuộc xã Sơn Lập thì hiện trạng đã khai hoang trồng keo, bạch đàn và… lúa nước!

Thực tế, khi triển khai xây dựng thủy điện Sơn Trà 1, rừng phòng hộ đầu nguồn không chỉ mất đi đúng con số 44,53ha mà dưới tác động của công trình này diện tích rừng phòng hộ chắc chắn sẽ bị xâm hại thêm không nhỏ. Ban quản lý rừng phòng hộ cho rằng, vị trí xây dựng thủy điện này gần như là trung tâm của cánh rừng đầu nguồn, tiếp giáp với các tiểu khu có diện tích rừng quý lên đến hơn 2.300ha. “Khi xây dựng thủy điện sẽ có các tuyến đường vận chuyển vật liệu, đó là cơ hội để các đối tượng dễ dàng vào rừng khai thác gỗ. Điều này là quy luật” – ông Đoàn Ngọc Thạch - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham khẳng định.

Về phía huyện Sơn Hà, tại báo cáo số 63/BC-UBND ngày 2/4/2013, UBND huyện nêu rõ quan điểm: “Chủ đầu tư chưa cung cấp cho địa phương hồ sơ thiết kế cơ sở nên chưa xác định chính xác diện tích bị ảnh hưởng trực tiếp, tác động môi trường. Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra thực tế UBND huyện Sơn Hà kiến nghị các cấp có thẩm quyền chưa xem xét đầu tư xây dựng thủy điện Sơn Trà 1”.

 Chủ đầu tư có lách luật ?

Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh cấp lần đầu cho chủ đầu tư Công ty CP 30-4 Quảng Ngãi vào ngày 8/6/2010 quy mô dự án là 54MW, diện tích chiếm đất 283,67 ha; trong đó diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn hơn 130 ha. Nếu chiếu theo quy mô diện tích được phê duyệt, thì để triển khai thực hiện được dự án phải có ý kiến của Quốc hội. Tại Điều 3 Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 (tức là chỉ sau 11 ngày dự án thủy điện Sơn Trà được cấp giấy chứng nhận đầu tư) quy định: “… dự án công trình có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư”.

 

Cây chò hàng trăm năm tuổi, đường kính khoảng 2 mét sẽ bị đốn hạ nếu thủy điện triển khai thi công.             Ảnh: T.NHỊ
Cây chò hàng trăm năm tuổi, đường kính khoảng 2 mét sẽ bị đốn hạ nếu thủy điện triển khai thi công. Ảnh: T.NHỊ


Có lẽ "vướng" luật, chủ đầu tư đã có văn bản xin UBND tỉnh xem xét điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Theo đó quy mô được hạ xuống còn 42 MW, diện tích rừng phòng hộ được điều chỉnh giảm còn 44,53ha. Nghĩa là, với sự "điều chỉnh" diện tích rừng phòng hộ này thì dự án đã qua “cửa” của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư! Tuy nhiên, theo tính toán của các cơ quan chức năng của tỉnh thì diện tích chiếm đất rừng phòng hộ nói trên chỉ mới của một số hạng mục công trình. Thủy điện Sơn Trà 1 vẫn còn thiếu một số hạng mục công trình khác như đường đấu nối để bán điện cũng sẽ chiếm không ít diện tích đất mà đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư xác lập là có “ăn” vào rừng phòng hộ hay không?

Tại buổi làm việc với chính quyền địa phương, chủ đầu tư cam kết “đường đấu nối không lấy đất rừng phòng hộ”. Nhưng ông Đoàn Ngọc Thạch – Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham thì khẳng định: Đường đấu nối nếu đi theo đường chim bay thì toàn bộ đều nằm trong rừng phòng hộ với diện tích chiếm đất tương đối lớn. Chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn thiện thiết kế hạng mục này để công khai tổng diện tích chiếm đất rừng phòng hộ của toàn dự án trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, chứ không nên xé dự án ra thành nhiều hạng mục để “lách luật”.

Phương án trồng bù diện tích rừng có khả thi?

Hiện tại Dự án thủy điện Sơn Trà 1 đã đến thời điểm khởi công xây dựng nhưng nhiều yêu cầu bắt buộc phải triển khai thực hiện khi dự án chính thức khởi công vẫn chưa được xem xét. Đặc biệt là phương án trồng bù lại diện tích rừng phòng hộ đã mất của cánh rừng quý Sơn Kỳ, Sơn Lập chưa được tính đến. Điều này là chưa đúng với các quy định của pháp luật hiện hành. Tại Thông báo Kết luận số 4920/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ ngày 4/7/2012 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc làm việc với Bộ Công thương nêu rõ: "UBND tỉnh, thành phố phải có biện pháp bắt buộc trồng bù diện tích rừng đã chuyển mục đích sang xây dựng các dự án thủy điện. Nếu không có quỹ đất thì UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư đóng góp bằng tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng để điều tiết trồng lại rừng theo quy định”.

Thế nhưng yêu cầu bắt buộc này lại chưa được cơ quan quản ý Nhà nước của tỉnh tính đến trong triển khai thực hiện thủy điện Sơn Trà 1. Thực tế, trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xảy ra không ít trường hợp dự án thủy điện hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chủ đầu tư không tổ chức trồng bù lại rừng phòng hộ đã mất. Chủ đầu tư thủy điện Sơn Trà 1 có là "ngoại lệ"?

Thủy điện Sơn Trà 1 khi khởi công xây dựng ngăn dòng sông Xà Lò, chắc chắn lượng nước sẽ kiệt, dù đây là thủy điện bậc thang. Tuy nhiên phương án duy trì dòng chảy tối thiểu của công trình hiện vẫn chưa được tính toán. Nước sông bị ngăn lại để làm thủy điện, nguồn nước chảy về hạ lưu sẽ giảm đáng kể, liệu các công trình thủy lợi ở hạ du, trong đó có cả thủy lợi Thạch Nham có ảnh hưởng? Về việc này, tại Báo cáo số 15/BC-BQL ngày 27/3/2013, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham kiến nghị: Các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định không triển khai xây dựng thủy điện Sơn Trà 1.

Có nên đâm lao phải theo lao?

Thủy điện Sơn Trà 1 từ khi có chủ trương đầu tư vào năm 2008, giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2010. Sau đó một thời gian “treo” dự án, chủ đầu tư được UBND tỉnh gia hạn đến tháng 6/2013 chính thức khởi công. Dự án với hơn 1.300 tỷ đồng (trong đó vốn đi vay chiếm hơn 1.000 tỷ đồng) đầu tư vào một xã miền núi như Sơn Lập, Sơn Kỳ  là điều đáng mừng.

Dù dự án chưa khởi công nhưng chủ đầu tư báo cáo đã “đổ” vào thủy điện này hơn 17 tỷ đồng, trong đó có 4 tỷ đồng hỗ trợ an sinh cho địa phương cũng được tính vào “kinh phí thực hiện dự án”! Cùng thời điểm này, Sở Công thương có báo cáo UBND tỉnh về số tiền chủ đầu tư đã đầu tư vào nhiều hạng mục “quan trọng” của dự án lên đến 27 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư "dành" 10 tỷ đồng hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của tỉnh, nhưng hiện mới hỗ trợ 6 tỷ, còn nợ 4 tỷ(?!) Phải chăng đây là "tấm lòng thành" của chủ đầu tư dự án như một lãnh đạo Sở Công thương nói? Trong khi, cái lớn hơn, không tính được bằng tiền, đó là hiệu quả xã hội mà dự án thủy điện Sơn Trà 1 đưa lại thì  Sở Công thương vẫn chưa nêu ra được.


Một dự án còn nhiều điều uẩn khúc, chưa hợp lòng dân và chính quyền sở tại, liệu có nên thực hiện vào thời điểm này ?
        

THANH NHỊ

 


.