(QNg)- Qua triển khai thực hiện, Chương trình 30a đã bộc lộ một số bất cập cả về cơ chế lẫn cách thức tổ chức thực hiện. Bất cập ấy đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, kết quả của chương trình, cần phải được tháo gỡ kịp thời.
TIN LIÊN QUAN
Cơ chế chưa sát thực tế
Nhiều năm nay, lĩnh vực chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng nằm trong nội dung được hỗ trợ của Chương trình 30a bị “bí” không thực hiện được do cơ chế bất hợp lý. Cụ thể, kinh phí hỗ trợ chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng 200.000 đồng/ha/năm được UBND tỉnh phê duyệt nằm trong đề án thuộc nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, theo Thông tư số 10/2009/TTLT-BKH-BTC ngày 30/10/2009 lĩnh vực này thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển, tức là phải lập thủ tục triển khai thực hiện hỗ trợ, giải ngân vốn như một dự án đầu tư xây dựng. Thực tế, đây là khoản hỗ trợ cấp trực tiếp đến dân, bản chất không phải là một dự án đầu tư xây dựng, nên khi “áp” vào cơ chế tại Thông tư liên tịch số 10 thì không thực hiện được.
Người dân nghèo xã Sơn Dung (Sơn Tây) được hỗ trợ từ Chương trình 30a để khai hoang ruộng lúa nước. |
Ông Trần Ngọc Thương – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Năm 2010, huyện Ba Tơ thực hiện hỗ trợ chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng theo cơ chế nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, trực tiếp cấp cho dân 200.000 đồng/ha. Tuy nhiên, khi kiểm toán, bị “thổi còi” và yêu cầu kể từ 2011 trở đi phải thực hiện theo đúng cơ chế “nguồn vốn đầu tư”, trong khi theo cơ chế này thì không thể thực hiện được. Ông Nguyễn Văn Thuần - Chủ tịch UBND huyện Minh Long phản ánh: Vì bất hợp lý này, những năm gần đây, 6 huyện miền núi trong đó có huyện Minh Long không triển khai hỗ trợ chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng được.
“Vướng” từ tư duy
Câu chuyện vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm nhà 167 được nêu ra như một điển hình về sự vướng mắc ở “tư duy” trong thực hiện Chương trình 30a. Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng, yêu cầu của ngân hàng là dân phải làm xong nhà mới cho vay tiền là không hợp lý. Bởi vì, thông thường người dân, đặc biệt là dân nghèo muốn làm nhà phải đi vay tiền trước để mua vật liệu. Thế nhưng, ngân hàng lại yêu cầu phải làm nhà xong mới cho vay tiền.
Ngoài ra, còn nhiều bất hợp lý khác như phải chờ huy động đủ vốn từ doanh nghiệp thì ngân hàng mới cho vay; danh sách hỗ trợ làm nhà 167 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt rồi lại đòi hỏi thêm nhiều loại giấy tờ rườm rà khác, gây khó khăn cho dân… “UBND tỉnh phải làm việc cụ thể với Trung ương để giải quyết bất cập này, giúp cho dân nghèo làm nhà 167 nhanh chóng, thuận lợi”, ông Nguyễn Minh Tài - Giám đốc Sở Tài chính kiến nghị tại buổi họp báo Ban Chỉ đạo Chương trình 30a.
Ngoài ra, quy định đối tượng được thụ hưởng Chương trình 30a vẫn còn chưa hợp lý. Theo quy định, chỉ có xã nghèo thuộc huyện nghèo mới được thụ hưởng chính sách này. Nhưng thực tế, ở các huyện nghèo của Quảng Ngãi nhiều vùng mặc dù là “tổ dân phố thuộc thị trấn” vẫn rất xa xôi, hẻo lánh. Chẳng hạn tổ dân phố Trũng Kè – thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) rất xa xôi, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn không kém “thôn đặc biệt khó khăn”, nhưng chiếu theo quy định của Chương trình 30a thì không thuộc diện được hưởng.
Đừng làm mất cơ hội của dân nghèo
Thực tế thời gian qua, do vướng mắc từ cơ chế, hộ nghèo nhận chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng của 6 huyện nghèo bị “cắt” không được tiếp tục thụ hưởng chính sách hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm. Rồi chuyện ngân hàng chậm cho vay vốn làm nhà 167 để dân rơi vào tình trạng mỏi mòn trông ngóng. Thủ tục rườm rà khiến nhiều hộ dù là hộ nghèo, được phê duyệt trong đề án, đã được ngân sách hỗ trợ một phần để làm nhà nhưng khi đưa danh sách sang ngân hàng để vay thì ngân hàng lại bảo thiếu thủ tục, không cho vay được. Thực tế trong giai đoạn I hỗ trợ xây dựng nhà 167, đã có khoảng 300 hộ nghèo bị ngân hàng từ chối cho vay sau khi đã làm nhà 167 xong vì… thiếu thủ tục!
Ban Chỉ đạo Chương trình 30a tỉnh đã “liệt kê” 11 vấn đề liên quan về làm nhà 167, hỗ trợ sản xuất, giáo dục, trợ giúp pháp lý… hiện còn vướng mắc kiến nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm tháo gỡ. Những vấn đề này hiện đang gây khó khăn cho chính quyền trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 30a, khiến nhiều dân nghèo mất đi cơ hội được hưởng chính sách có ý nghĩa lớn lao này. Ngoài ra, một số quy định của Chương trình 30a đến nay cũng có biểu hiện “không phù hợp” như mức hỗ trợ làm nhà 167 cần thiết phải được điều chỉnh từ 24 triệu/nhà lên khoảng 36 – 37 triệu/nhà; hỗ trợ khai hoang ruộng lúa nước; chăm sóc, bảo vệ rừng cũng cần phải được điều chỉnh tăng so với mức hỗ trợ hiện hành.
Đó là chưa kể đến nguồn vốn 30a đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn xảy ra tình trạng “hữu sinh vô dưỡng”, tức là chỉ đầu tư xây dựng, chứ chưa quan tâm đến việc duy tu, bảo dưỡng công trình… Những bất cập này cần sớm được các cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ một cách thấu đáo, trách nhiệm, để tiếp tục phát huy hiệu quả tốt hơn Chương trình.
Bài, ảnh:THANH NHỊ