(QNg)- Hỗ trợ sản xuất cho dân nghèo là một hợp phần quan trọng trong Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững. Hợp phần này dù đã thực hiện nhiều năm, nhưng đến nay 6 huyện nghèo trong tỉnh vẫn loay hoay với lựa chọn phương án cụ thể để triển khai…
TIN LIÊN QUAN |
---|
*Trồng cây gì? Nuôi con gì?
Triển khai thực hiện Chương trình 30a, UBND tỉnh đã dành sự quan tâm lớn đến hợp phần hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân nghèo 6 huyện miền núi. Tổng số vốn đã phân bổ khoảng 165 tỷ đồng. Hỗ trợ thông qua khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng; hỗ trợ sản suất (giống cây trồng, vật nuôi, khai hoang, phân bón, làm chuồng trại…); hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động; hỗ trợ ưu đãi hoạt động khuyến nông, lâm, ngư; hỗ trợ quy hoạch xây dựng nông thôn mới…
“Đàn trâu 30a” của người nghèo xã Sơn Thủy (Sơn Hà). |
Riêng năm 2013, UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn này hơn 54,2 tỷ đồng cho 6 huyện nghèo. Sau khi được phân bổ, UBND các huyện đã phân khai cho từng nội dung hỗ trợ và giao cho các phòng ban chuyên môn trực tiếp quản lý, giám sát việc thực hiện. Tuy nhiên, sau nhiều tháng triển khai thực hiện, một số địa phương vẫn chưa chọn được loại cây, con giống hỗ trợ phù hợp với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng, thói quen sản xuất của người dân.
Năm 2012, một số huyện chọn giống gà H’mông để hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào Hrê, Cadong. Thấy được “cho không” giống, bà con vui mừng nhận nuôi nhưng do điều kiện khí hậu không phù hợp nên gà chết nhiều. Số còn sống, nuôi lớn bán chẳng mấy ai mua vì loại gà này chân có 5 ngón, không thể làm vật cúng tế mà chỉ bán giá rẻ để giết thịt. Người được hỗ trợ giống không có lãi, họ không mặn mà giữ lại đàn gà H’mông nữa. Một số nơi lại chọn giống cá nước ngọt như cá trê, cá trắm cỏ hỗ trợ cho người dân thả nuôi. Thực tế nhiều hộ nuôi không đạt. Hộ nuôi đạt thì khi thu hoạch cá không bán được, dân thua lỗ.
Đặc biệt, việc hỗ trợ trâu bò giống, ngoài hỗ trợ kiểu “ba hộ chung một con” gây khó trong quá trình hưởng thụ nguồn vốn, thì quá trình hỗ trợ chính quyền lại chỉ chú trọng đến hỗ trợ bò cái, trâu cái, dẫn đến khó cho việc phối giống, phát triển, nhân rộng đàn trâu, đàn bò ở địa phương. Ngoài ra, việc hỗ trợ giống có nơi chưa tuân thủ đúng quy trình, dẫn đến hỗ trợ con giống, cây giống cho cả những hộ không có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình 30a, nhiều lãnh đạo huyện nghèo của tỉnh khi bị chất vấn về kết quả hỗ trợ phát triển sản xuất đã thừa nhận rằng rất lúng túng! Đặc biệt là việc chọn cây, con giống để hỗ trợ chủ yếu vẫn dựa trên phương án “thí điểm, thử nghiệm” thành công thì nhân rộng, thất bại thì rút kinh nghiệm cho lần sau!
*Điệp khúc giải ngân chậm?
Thời gian qua, một số hợp phần thuộc Chương trình 30a tiến độ ì ạch, dẫn đến giải ngân không hết vốn phải trả lại cho ngân sách. Trong suốt những năm thực hiện Chương trình này, tổng vốn giải ngân chỉ đạt khoảng hơn 80%. Năm 2012, mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng nguồn vốn sự nghiệp cũng chỉ giải ngân được 82%. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Về chủ quan, có một số địa phương bố trí vốn chưa phù hợp nên không giải ngân được (như Sơn Hà, Minh Long, năm 2010 bố trí vốn hỗ trợ quy hoạch xây dựng nông thôn mới tổng cộng gần 1 tỷ đồng, nhưng do không thực hiện nên không giải ngân được).
Năm 2013, mặc dù đã gần hết quý II, nhưng theo cơ quan chức năng của tỉnh thì 54 tỷ đồng thuộc nguồn vốn sự nghiệp vẫn chưa có số liệu giải ngân. Riêng đối với hỗ trợ xuất khẩu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập là “bết” nhất. Theo UBND tỉnh, đến hết quý I/2013, 6 huyện nghèo chỉ thực hiện được hơn 1% chỉ tiêu kế hoạch hỗ trợ xuất khẩu lao động. Cụ thể, chỉ tiêu giao 360 người, nhưng chỉ thực hiện được 4. Việc để tình trạng giải ngân vốn sự nghiệp, trong đó có hợp phần hỗ trợ sản xuất nhiều năm liền ì ạch, trong đó có không ít nội dung đề ra rồi để đó là do năng lực, kinh nghiệm quản lý và sử dụng nguồn vốn còn hạn chế.
Tại cuộc họp báo Ban chỉ đạo Chương trình 30a, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính đã phát biểu thẳng thắn: Đã 4 năm rồi mà các địa phương vẫn còn lúng túng dẫn đến làm không trúng. Nhiều nguồn vốn không giải ngân được. Lãnh đạo địa phương phải nhìn nhận lại tinh thần trách nhiệm, để có phương án sử dụng vốn khả thi, hiệu quả, tạo điều kiện để dân nghèo được hưởng chính sách đúng đắn, thiết thực từ Chương trình 30a.
Bài, ảnh:THANH NHỊ
Kỳ 3: NHỮNG BẤT CẬP CẦN THÁO GỠ