Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6: Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân

08:06, 28/06/2013
.

(QNĐT)- Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Để xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, rủ nhau én về theo làn nắng ấm dần”.

Từ ngàn xưa, ông cha ta đặc biệt coi trọng việc vun đắp hạnh phúc gia đình và gìn giữ truyền thống văn hoá gia đình Việt Nam. Ông bà, cha mẹ làm gương cho con cháu, con cháu hiếu thảo, kính trên, nhường dưới.

Về thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) nhắc đến gia đình ông Ngô Đức Thạnh, bất kì ai cũng kính trọng. Gia đình ông Thạnh có 3 thế hệ chung sống dưới một mái nhà, nhưng chẳng bao giờ hàng xóm nghe họ to tiếng với nhau. Mọi người trong gia đình đều có thái độ ôn hòa, tôn trọng lẫn nhau, các cháu được dạy dỗ đúng mực, lễ phép.
 
Thái độ cư xử và cách sống hòa nhã của gia đình ông Thạnh luôn được mọi người yêu mến. Năm nào gia đình ông cũng được bình chọn là gia đình gương mẫu, con cháu thảo hiền.

Hay như gia đình ông Nguyễn Tấn Đức thôn Mỹ Lại, xã Tịnh  Khê (Sơn Tịnh) được mọi người thán phục không chỉ bởi sự thành đạt của các con ông mà còn ở tấm lòng của họ trong việc góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những năm tháng khó khăn để lo việc học hành của 6 đứa con thật sự là gánh nặng. Vợ chồng ông đã làm đủ mọi việc, quần quật suốt ngày mà kinh tế gia đình vẫn thiếu hụt. Tuy vậy, cả 2 vợ chồng ông Đức đều cùng chung suy nghĩ phải tạo điều kiện tốt nhất để các con được học hành.

 

xx
Để những đứa con chăm ngoan, học giỏi, rất cần những ông bố, bà mẹ gương mẫu. Ảnh mang tính chất minh hoạ

Vợ chồng ông luôn khuyên các con phải cố gắng học cho thật tốt để thoát khỏi cảnh nghèo, có kiến thức để tương lai tốt đẹp hơn, tránh khỏi vất vả như vợ chống ông từng trải qua. Từ sự quan tâm, động viên, gương mẫu và sự quyết tâm của bố mẹ, các con ông luôn bảo ban nhau gắng sức học hành chăm chỉ. Hiện các con ông thành đạt với đủ mọi ngành nghề trong cả nước. Riêng người con út đã tốt nghiệp thạc sĩ tại Canada.


Khi đã thành đạt và có cuộc sống tương đối ổn định, các con ông Đức không những hiếu thảo, xây dựng nhà cửa khang trang cho bố mẹ mà còn tích cực tham gia vào phong trào khuyến học, xây dựng đường làng, ngõ xóm quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp cũng như giúp đỡ các gia đình khó khăn, người già neo đơn.

Đặc biệt, gia đình ông Đức đã bỏ ra số tiền 95 triệu đồng để xây dựng cổng làng và bê tông hóa tuyến đường vào xóm Khê Xuân với chiều dài 240m. Nhờ sự đóng góp tích cực của gia đình ông Đức mà đường vào xóm không còn lầy lội, đường làng thông thoáng, sạch đẹp.

Người Việt Nam thường quan niệm rằng, giàu sang phú quý nhưng gia đình thiếu hòa thuận, anh em bất hòa là gia đình không được tôn trọng. Bởi thế, văn hóa gia đình là một nhân tố vô cùng quan trọng trong việc hình thành và giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức của mỗi con người, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

Ngày nay, trước những biến đổi mạnh mẽ trong xã hội hiện đại, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến bữa cơm chung, thân mật trong gia đình Việt một thời đang dần mất mất đi.

Trong những ngôi nhà hiện đại, khang trang sạch sẽ, không ít người đang chịu cảnh ghẻ lạnh. Rất nhiều những con người trí thức sống vị kỷ, tôn thờ đồng tiền, vô trách nhiệm trong giáo dục con cái, bỏ mặc cha mẹ già, ngược đãi vợ, con, tình trạng li hôn gia tăng, mâu thuẫn gia đình thành thảm án…
 

 

gg
Mọi người hãy cùng chung tay tạo dựng một "tổ ấm" hoà thuận. Ảnh: Internet.
 




Trước những nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của gia đình, Chính phủ đã chọn năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam với chủ đề "Kết nối yêu thương". Qua đó gửi gắm thông điệp mọi người hãy cùng chung tay tạo dựng một "tổ ấm" hoà thuận.

Xây dựng gia đình hạnh phúc rất đổi khó khăn, bởi cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà lắm lúc gian nan, hoạn nạn, đôi khi trải qua nhiều chông gai, thử thách.  

Trong điều kiện hiện nay, sự phát triển nền kinh tế thị trường, những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam càng phải được giữ gìn và phát huy, đặc biệt là giáo dục đạo đức.

Vì vậy, nhằm từng bước kiến tạo sự ổn định xã hội và phát triển bền vững, vấn đề giáo dục đạo đức phải được các gia đình coi trọng và trách nhiệm không chỉ của riêng ai. Mọi người trong gia đình đều phải có trách nhiệm vun đắp cho gia đình, cùng gánh mọi công việc cho nhau, cùng đồng cảm, cộng khổ, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn.

Song song với giáo dục đạo đức, gia đình cũng cần phát huy vai trò của mình trong việc giáo dục kỹ năng lao động và định hướng nghề nghiệp cho con trẻ trước cơ hội hội nhập của nền kinh tế thế giới.



 

Ái Kiều

 


.