Nhân ngày 21/6: Nỗi niềm phóng viên đài huyện

10:06, 21/06/2013
.

(QNĐT)- Đa năng, dấn thân... là những từ có thể khái quát nhất khi nói về những phóng viên công tác tại các đài truyền thanh ở huyện. Tuy họ tác nghiệp chẳng khác gì những phóng viên ở các cơ quan báo chí khác, thế nhưng đổi lại, chế độ họ đang được hưởng chưa tương xứng với công sức của họ.

TIN LIÊN QUAN


Phóng viên "3 trong 1"

Chúng tôi đã từng nhiều lần đi tác nghiệp cùng các đồng nghiệp là những phóng viên Đài truyền thanh ở các huyện nên phần nào thấu hiểu được đặc thù công việc và những khó khăn, vất vả mà họ gặp phải.

Chúng tôi thường gọi vui họ là những phóng viên đa năng, bởi họ không chỉ làm giỏi báo nói mà còn giỏi cả về báo viết và báo hình. Không giống như phóng viên báo, đài của tỉnh các bước nghiệp vụ thường được chuyên môn hóa, phóng viên ở đài huyện phải đảm trách nhiều phần việc từ viết kịch bản, quay phim, dựng hình, đọc phát thanh… Bất kỳ ai trong số họ cũng đều thành thạo tất cả các khâu.

Phóng viên Trương Chi- đang công tác tại Đài truyền thanh huyện miền núi Ba Tơ chia sẻ: Dẫu phần lớn anh em chưa được đào tạo nghề báo thực sự bài bản, chuyên nghiệp, chủ yếu là tự học hỏi lẫn nhau và tự nâng cao tay nghề qua thực tiễn. Thế nhưng từ báo nói, báo viết, báo hình đến quay phim, dựng phim, phát thanh viên...  anh em phóng viên đài huyện đều làm hết.

"Ngoài việc đảm bảo số lượng bản tin phát trên hệ thống đài truyền thanh huyện, thì mình còn tranh thủ cộng tác với Đài Phát thanh- truyền hình tỉnh và các cơ quan báo trong tỉnh nhằm thông tin kịp thời những vấn đề, sự kiện diễn ra tại địa phương đến với người dân trong tỉnh"- phóng viên Trương Chi cho hay.

 

Phóng viên đài huyện rất đa năng vừa làm báo nói, báo hình, báo hình kiêm luôn phát thanh viên. (trong ảnh: Phóng viên Trương Chi- Đài truyền thanh Ba Tơ đang đọc chương trình phát thanh)
Phóng viên đài huyện rất đa năng vừa làm báo nói, báo hình, báo viết kiêm luôn phát thanh viên. (trong ảnh: Phóng viên Trương Chi- Đài truyền thanh Ba Tơ đang làm chương trình phát thanh)


Với đặc thù công việc nghề báo, người làm báo hầu như phải thường xuyên bám sát cơ sở, bám lấy hơi thở của cuộc sống để săn tìm những thông tin tươi mới. Với địa bàn miền núi thì nỗi cơ cực của phóng viên càng lớn. Muốn có thông tin từ cơ sở, họ phải băng rừng, leo núi, lội suối mới đến được nơi cần đến. Đặc biệt, với những phóng viên nữ thì càng vất vả hơn.

Công tác tại Đài truyền thanh tại huyện Tây Trà nhiều năm nay, phóng viên Nhị Phương chia sẻ: Đối với huyện Tây Trà, đường về các xã xa xôi, dốc đá, vô cùng gian nan, phóng viên của đài hầu hết là nữ lại có vóc dáng khiêm tốn nên mỗi lần đi cơ sở là cả một hành trình vất vả và chuyện té ngã, trầy xước là "chuyện thường ngày ở huyện".

"Hơn nữa, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở nhất là vào ngày mưa, phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe máy, có những xã nằm cách xa trung tâm huyện, đi lại phải mất cả buổi mới tới nơi. Nhưng không phải đi là có thông tin ngay, có khi phải ở vài ngày hay vào tận rừng, lên đến rẫy mới tìm được người cần gặp. Để viết được một bài báo hay, phóng sự ngắn có khi phải đi mất vài ngày mới hoàn thành."- phóng viên Nhị Phương bộc bạch.

"Tai nạn" nghề nghiệp

Nói về những "tai nạn" trong khi tác nghiệp, phóng viên Thúy Hằng- Đài Truyền thanh huyện Trà Bồng nói vui: Công tác tại huyện miền núi Trà Bồng, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Kor, mình không hiểu biết nhiều tiếng Kor nên đôi khi cũng xảy ra những chuyện "dở khóc, dở cười".

"Có khi anh em đi tác nghiệp cả buổi trời trên núi, ghi hình xong tìm mãi mới có người dân để phỏng vấn, thế nhưng do không biết tiếng Kor nên nói mãi người ta cũng không hiểu mình nói gì, người ta nói mình cũng không hiểu, thế là "xôi hỏng bỏng không" đành đi tìm người khác, mà giữa núi rừng để tìm được một người "nói được" không phải là dễ. Có người trả lời phỏng vấn lúc thì nói tiếng Kinh, lúc thì nói tiếng Kor, chúng tôi phải phỏng vấn nhiều lần, về cắt, ghép lại mới dựng được thành một tác phẩm hoàn chỉnh"- phóng viên Thúy Hằng chia sẻ.

Cũng "hoàn cảnh" không kém, phóng viên Nhị Phương- Đài Truyền thanh Tây Trà kể: Nhiều lúc, mình làm phóng sự về họ, mình nói trước với nhân vật rồi, dựng cảnh quay hình họ thật đẹp đến khi phỏng vấn họ không chịu nói, nhất định không chịu đứng trước máy để trả lời phỏng vấn thế là xem như phóng sự "phá sản". Mà việc người dân ở miền núi không dám nói trước ống kính vì ngại, vì xấu hổ là chuyện bình thường.

 

Đó chỉ là những "tai nạn" nghề nghiệp do "nhân tai", chứ với những phóng viên ở miền núi chuyện "tai nạn" nghề nghiệp do "thiên tai" cũng xảy ra không ít.

"Còn nhớ hôm đi làm phóng sự về đề tài mùa thu hoạch quế của đồng bào Kor Tây Trà, khi đi mình và một chị phóng viên cùng cơ quan hăng hái dữ lắm, nên trời đã về chiều mà còn vác máy trèo lên tận đỉnh đồi quế ở thôn Gò Rô (Trà Phong)- nơi có đông người khai thác để ghi hình cho sinh động. Lên tới đỉnh ngồi thở không ra hơi, mà trời thì sắp mưa. Vậy là lo chuẩn bị máy, ghi hình, phỏng vấn nhân vật thật nhanh. Vừa làm xong là trời bắt đầu đổ mưa. Mọi cái gì bằng ni nông, áo khoác được dùng để bao bọc máy quay, vì lúc đi trời nắng, không nghĩ là sẽ gặp mưa"- phóng viên Nhị Phương kể.

"May mà khi về máy quay không sao, nhưng hai chị em thì ướt như chuột, khi đó là mùa đông nên lạnh thấu xương, môi răng đánh lập cập, hai chị em được một bữa lạnh nhớ đời"- phóng viên Nhị Phương nhớ lại.


Cần được quan tâm nhiều hơn

Chia sẻ với chúng tôi, phóng viên Trương Chi  cho biết: Mặc dù công việc của chúng tôi chẳng khác gì những cơ quan báo chí khác thế nhưng đài huyện vẫn chưa được các cơ quan chức năng công nhận là cơ quan báo chí mà chỉ là cơ quan tuyên truyền do UBND huyện quản lý. Nên hầu hết các phóng viên “nhà đài” không được cấp thẻ nhà báo để tác nghiệp.

"Để có đủ lượng tin, bài sản xuất một tuần phải làm 5 chương trình tiếng Kinh, 2 chương trình tiếng Hre phát sóng sao cho hấp dẫn được bạn nghe đài, chương trình hôm nay phải mới hơn chương trình hôm qua cả hình thức lẫn nội dung và cách thể hiện, phóng viên đài huyện cũng phải đối mặt với những vất vả và thách thức như bất cứ một nhà báo nào. Đó là chưa kể việc phải làm các chương trình Trang truyền hình địa phương, chương trình phát thanh gửi cho đài tỉnh."- phóng viên Trương Chi cho hay.

Tuy công sức của những phóng viên đài huyện bỏ ra khá nhiều, thế nhưng nếu nói về chế độ nhuận bút so với các báo, đài tỉnh thì nhuận bút của phóng viên các đài huyện còn rất thấp.

 

Tuy tác nghiệp trong điều kiện khó khăn nhưng các chế độ nhuận bút và các khoản trợ cấp khác chưa tương xứng
Tuy tác nghiệp trong điều kiện khó khăn nhưng các chế độ nhuận bút... cho phóng viên đài huyện chưa tương xứng


“Chúng tôi phải chạy cả ngày ngoài đường mới đủ tư liệu để viết một tin, bài nhưng một bài ở đài huyện chỉ trả khoảng 50 nghìn đồng, còn tin thì chỉ khoảng 15 nghìn, nếu tính tiền xăng và công sức bỏ ra thì chẳng thấm vào đâu. Công tác phí một tháng được 300 nghìn đồng, cũng chỉ đủ bù lỗ cho những chuyến công tác"- phóng viên Trương Chi bày tỏ.


Qua những lần đi tác nghiệp cùng với các phóng viên đài huyện, chia sẻ với chúng tôi nhiều phóng viên đài huyện mong muốn, những người làm báo cơ sở cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện để phóng viên cơ sở  tác nghiệp được thuận tiện, dễ dàng và mang lại hiệu quả cao.

Tâm sự với chúng tôi những câu chuyện trong nghề của mình, mặc dù còn đôi chút băn khoăn, trăn trở song tất cả các phóng viên, “nhà đài” vẫn nguyện gắn bó, tâm huyết với nghề nghiệp mình đã chọn.

"Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng không phải vì thế mà anh em làm phóng viên ở cơ sở chùn bước, chúng tôi vượt lên tất cả để làm tốt công tác của mình. Đưa những thông tin thời sự của huyện đến với bà con một cách nhanh nhất, trung thực nhất vẫn là mục tiêu hàng đầu của anh chị em phóng viên tại cơ sở"- phóng viên Nhị Phương khẳng định.



Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 


.