(QNĐT)- Mặc dù bị mù cả đôi mắt, nhưng 8 năm qua, chị đã vượt qua bóng tối để mang lại ánh sáng cho cuộc đời mình và những người thân trong gia đình. Chị là Tôn Thị Thu, 50 tuổi ở tổ 16 phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quảng Ngãi.
Chị Thu kể: Trước đây, chị vốn là người khỏe mạnh. Nhờ đôi mắt sáng, đôi bàn tay nhanh nhẹn và trí óc thông minh, nên lấy chồng vài năm chị đã gầy dựng một cơ nghiệp đàng hoàng. Những chuyến đi buôn hàng chuyến dài ngày từ nhiều tỉnh thành đã cho gia đình chị một cuộc sống sung túc. Nhiều người dân xung quanh thấy chị ăn nên làm ra đều tỏ ra thán phục.
Dù đôi mắt bị mù nhưng chị Thu vẫn miệt mài làm việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. |
Thế rồi, tai họa đã ập đến bất ngờ khi chị sinh đứa con thứ 3 vào năm 2004. Bác sĩ kết luận chị bị u não. Cái chết cận kề. Tài sản của chị từ đó cũng lần lượt ra đi theo những lần phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh). Vận may vẫn còn mĩm cười với chị, sau nhiều lần phẫu thuật chị đã giành giật lại mạng sống cho mình. Thế nhưng gương mặt xinh đẹp của chị cũng đã biến dạng, méo mó và đôi mắt đã bị mù vĩnh viễn.
Chị mừng vì được sống, nhưng đau đớn, tuyệt vọng vì bóng tối đã bao trùm đôi mắt và cả một tương lai phía trước của cuộc đời… Ngã rẽ của cuộc đời đã đưa chị từ một gia đình khá giả rớt xuống bờ vực thẳm của sự nghèo đói. 5 miệng ăn trong gia đình chỉ biết trông cậy vào người chồng chạy xe ba gác, nên cuộc sống luôn chồng chất khó khăn.
Tuy nhiên trong bóng đêm đen mù mịt của cuộc đời mình, chị đã cố gượng dậy, đứng lên để đi, dù đó chỉ mới là những bước đi chập chững, gượng gạo đầy gian khó. Mặc cho mọi người ngăn cản, chị vẫn đi học nghề làm tăm, đũa tre với quyết tâm làm lại từ đầu vì chị vẫn luôn tin rằng ánh sáng sẽ lóe lên phía sau con đường tối.
Cơ sở của chị Thu đã giải quyết việc làm cho rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. |
Nghề làm tăm, đũa tre, không ít người mù đã học, nhưng không mấy người thành công. Một số người khi học xong lại phải bỏ nghề vì sản xuất nhỏ lẻ, không tìm được nguồn tiêu thụ và lợi nhuận quá thấp. Nắm bắt được những điểm yếu này, nên sau khi học nghề, chị đã bàn bạc với gia đình mua máy móc thiết bị để làm thay vì làm thủ công, chi phí cao nhưng lợi nhuận ít. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội dành cho hộ nghèo, chị đã đầu tư mua 7 máy chuốt, máy chẻ, máy đóng gói… để làm tăm tre và đũa tre nhằm giảm bớt lượng nhân công.
Khi có máy móc, thiết bị chị “tuyển” thêm 12 lao động ở địa phương về làm một số công đoạn còn lại trước khi ra thành phẩm và tìm thị trường tiêu thụ. Mặc dù nghề làm đũa, tăm tre của chị ra đời sau, nhưng sản phẩm chị làm ra lại bán “chạy” hơn nhiều cơ sở khác vì chất lượng cao và giá thành rẻ.
Với chất lượng, uy tín, mẫu mã đẹp và giá thành phải chăng nên thương hiệu đũa tre và tăm tre “Tình thương” của chị Thu giờ đã vươn xa đến trên 30 tỉnh thành trong cả nước. Mỗi tháng gia đình chị đã bán ra thị trường 3 tấn tăm tre và trên dưới 20 tấn đũa, doanh thu từ 250 triệu đến 300 triệu đồng, thu lãi từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.
Thu nhập của gia đình ổn định, giờ chị cũng đã trả xong nợ nần lúc ốm đau và có tiền nuôi 3 đứa con ăn học, trong đó con trai đầu của chị hiện đang học đại học năm thứ 3 ở thành phố HCM, con thứ 2 năm học này cũng chuẩn bị thi đại học và đứa con út đang học cấp 2.
Mơ ước để các con được đến trường của chị giờ đã thành hiện thực. Năm 2013 này, gia đình chị cũng đã xóa tên trong danh sách những hộ nghèo. Chị bảo đó là thành quả của sự dám nghĩ dám làm, bởi theo chị “trên bước đường thành công không có dấu chân của những người lười biếng”.
Bài, ảnh: Xuân Từ