Lý Sơn - Nỗi lo mùa khô

08:06, 11/06/2013
.

(QNg)- Mùa hè đến là lúc người dân trên đảo Lý Sơn lo lắng bởi nguồn nước ngọt cạn kiệt, nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp.

* Đi buôn nước


Năm nay, nắng nóng gay gắt kéo dài nên phần lớn các giếng nước sinh hoạt của người dân trên đảo Lý Sơn gần như trơ đáy. Giếng Xó La (giếng Vua) ở thôn Đông xã An Vĩnh trở thành điểm lấy nước của nhiều người dân. Sáng sớm hay chiều tối đều có hàng chục người chờ chực ở đây để lấy nước. Những gia đình ở xa hoặc không có người đi lấy nước thì phải mua từ những người đi bán nước dạo. Có thâm niên làm nghề lấy nước đi bán, ông Dương Tiên, 54 tuổi (ở thôn Tây, xã An Vĩnh), cho biết: “Năm nay nhờ có đập Thới Lới ngăn nước nên giếng Xó La vẫn còn nhiều nước. Mỗi ngày tôi chở được khoảng  18 - 20 can (loại 30 lít) để bán cho những gia đình không có điều kiện đi lấy nước.

 

Ông Dương Tiên với xe nước lấy từ giếng Vua đi bán cho người dân trên đảo.
Ông Dương Tiên với xe nước lấy từ giếng Vua đi bán cho người dân trên đảo.


 Ông Mai Văn Thu, 47 tuổi (ở thôn Đông, xã An Vĩnh), kể: Đi bán nước cũng nhọc lắm! Tôi phải thức khuya dậy sớm, nhiều hôm trưa nắng như đổ lửa cũng phải đi lấy nước mang đến cho họ, nếu không làm thì sẽ mất mối, nhưng bù lại thu nhập cũng sống được. Vì nhu cầu sử dụng nước ngọt rất lớn nên hiện nay trên đảo có cả chục người làm nghề cung cấp nước ngọt từ giếng Xó La này. Với giá 5 – 6 ngàn đồng/can 30 lít, tính ra 1 khối nước ngọt trên đảo, người dân phải trả 170 – 200 ngàn đồng.

*Máy bơm “trùm mền”


Đang là thời điểm xuống giống vụ hè thu, nhưng nhiều máy bơm nước phục vụ tưới cho cây trồng đang trong tình trạng “trùm mền” do nguồn nước cạn kiệt. Ông Trần Phương (thôn Đông, An Vĩnh) loay hoay bên giếng nước dùng bạt che lại chiếc máy bơm, nói: “Nước không đủ để máy bơm chạy 1 tiếng đồng hồ nên vài ba ngày mới bơm 1 lần. Giờ trùm máy lại chứ vài ngày nữa mới có nước bơm”. Ở cánh đồng Sũng (thôn Đông, An Hải), hàng chục giếng nước gắn rất nhiều máy bơm đều trong tình trạng trên hoặc hoạt động cầm chừng. Vụ xuân hè này, toàn huyện xuống giống khoảng 200ha đất sản xuất.

Thường thì mùa này nông dân trên đảo canh tác các loại cây hạn chế tưới nước như đậu xanh, mè, dưa hấu…  Các loại cây trồng này thì 3 - 4 ngày mới tưới 1 lần, nhưng vẫn không đủ nước. Do thiếu nước nên nông dân phải điều tiết nước từ giếng này qua giếng khác để tưới đều cho cả cánh đồng, dẫn đến chi phí tăng gấp đôi.

Đặc thù canh tác nông nghiệp ở Lý Sơn là các cây trồng cần rất nhiều nước, vì chân ruộng chủ yếu là cát. Việc thiếu nước ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng, nên nông dân sản xuất không có lời, cuộc sống khó khăn. Người dân trên đảo đang mong chờ những cơn mưa để giải hạn mới hy vọng không phải trắng tay trong vụ mùa này.

Bài, ảnh: XUÂN THIÊN
 
 


.