Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh: Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

09:06, 29/06/2013
.

(QNg)- Gác lại những đau thương, mất mát bởi chiến tranh, những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở tỉnh ta đã và đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Mỗi bước chân hòa nhập với cộng đồng của  họ luôn có sự đồng hành của Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) tỉnh.


Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh chỉ có 6 người, trong đó “trụ cột” chính là 3 cán bộ về hưu. Gần 10 năm gắn bó với hội, các ông luôn kề vai sát cánh cùng với NNCĐDC. Bà Trần Thị Năm (75 tuổi) ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ) phấn khởi khoe với chúng tôi “Giờ ba mẹ con tôi không còn phải chui rúc trong căn lều dựng tạm nữa mà đã có căn nhà khang trang do hội xây tặng rồi đầy”. Thuở còn trẻ, bà Năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, tuổi thanh xuân của bà bỏ lại nơi chiến trường khói lửa.

 

Ông Phan Thanh Long - Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh tặng quà hỗ trợ cho một gia đình nạn nhân chất độc da cam
Ông Phan Thanh Long - Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh tặng quà hỗ trợ cho một gia đình nạn nhân chất độc da cam


Hoà bình lập lại bà mới lập gia đình và sinh được 2 người con một trai, một gái.  Nhưng không ngờ rằng, bà đã mang trong mình chất độc hóa học và di chứng của nó lại hiển hiện trên hai đứa con. Vài năm sau, hai con của bà phát bệnh, tay, chân co quắp, không phát triển, mất khả năng tự phục vụ. Vợ chồng bà rơi vào cảnh vô cùng khốn khó, cả hai ra sức lao động từ trồng lúa, trồng rau, làm thuê để lo ngày 2 bữa cơm và thay phiên nhau chăm sóc các con. Rồi ông cũng mất đi, để lại cho bà 2 đứa con tật nguyền. Một mình bà tảo tần làm lụng chăm sóc con, tiền bạc đều đổ dồn vào tiền thuốc cho con nên căn nhà của ba mẹ con chỉ là mái lều che tạm bợ. Có lẽ vì thế mà khi được Hội NNCĐDC tỉnh xây tặng một căn nhà bà Năm không kìm được giọt nước mắt.

Còn Bùi Văn Viện (SN 1987), ở xã Tịnh Châu (Sơn Tịnh) một NNCĐDC đã vượt qua biết bao khó khăn để đến trường, rồi trở thành chuyên viên của Sở Nội vụ tỉnh. Dù vóc dáng như cậu bé 10 tuổi, nhưng với tính cách cương nghị và sự nỗ lực không ngừng trong học tập, Viện đã gặt hái được những thành quả mà không phải người bình thường nào cũng làm được. Viện thổ lộ: “Em luôn cố gắng gấp nhiều lần người khác để học tập, làm việc.

Mong rằng nỗ lực của mình được công nhận”. Sự nỗ lực đó đã giúp Viện đã và đang vững bước trên đôi chân của mình. Ông Nguyễn Thanh Phương- Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh, cho biết: "Thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát của nạn nhân và gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, mỗi khi có các hoạt động hỗ trợ, chúng tôi đều ưu tiên cho những hộ này. Đối với con em của gia đình bị nhiễm chất độc da cam, hội luôn chỉ đạo cho hội địa phương quan tâm giúp các cháu được học chữ, học nghề và chữa bệnh, để có thể tự lập trong cuộc sống".

Theo thống kê của Hội NNCĐDC tỉnh, toàn tỉnh hiện có 23.500 NNCĐDC còn sống, trên 4.000 hộ nạn nhân là gia đình nghèo, có 1.200 gia đình có từ 3 nạn nhân nhiễm chất độc da cam trở lên. Đến nay, có 4.580 nạn nhân đang được hưởng các chế độ trợ cấp. Trong nhiệm kỳ 2009-2013, các cấp hội cơ sở đã vận động trên 5,5 tỉ đồng cho các hoạt động hỗ trợ NNCĐDC. Trong đó, xây mới 79 căn nhà, hỗ trợ sản xuất và học nghề; thăm hỏi, tặng quà và chăm sóc sức khỏe cho NNCĐDC và người nghèo,…

Ông Phan Thanh Long, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh, chia sẻ: "Thời gian qua, nhờ các cấp hội cơ sở tích cực hoạt động nên việc điều tra, nắm danh sách và hỗ trợ NNCĐDC trên địa bàn tỉnh khá kịp thời, hiệu quả. Phần lớn cán bộ hội tuy đã ở tuổi hưu, sức khỏe hạn chế, nhưng rất nhiệt tình, thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác, luôn dành cho NNCĐDC sự thương yêu và cảm thông sâu sắc. Sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng chính là động lực để chúng tôi cố gắng làm nhiều việc hơn nữa, tạo điều kiện để NNCĐDC có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng".


Bài, ảnh: Xuân Hiếu

 


.