Trụ điện cao thế nằm trong trường học

02:05, 22/05/2013
.

(QNg)- Gần 500 học sinh Trường Tiểu học Di Lăng I (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) bao năm nay phải học tập, vui chơi dưới hai đường điện cao thế 35 kV và 22 kV. Ngành điện thừa nhận việc tồn tại hai đường điện cao thế này là mất an toàn cho học sinh, nhưng việc khắc phục thì vẫn phải chờ…

Lộ rõ nguy hiểm!

Chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Di Lăng I vào một buổi chiều tháng 5 khi những cơn mưa giông vừa ập tới. Cô hiệu trưởng Đinh Thị Bích Nhàn thật sự lo lắng cho các học trò nhỏ của mình trước sự “uy hiếp” của hai đường dây điện cao thế này. Cô bảo: “Chừng nào hai trụ điện cao thế còn nằm trong khuôn viên của trường thì còn nỗi lo mất an toàn về điện cho học sinh và giáo viên, đặc biệt là trong những ngày mưa giông sấm sét”.

 

 Trụ điện cao thế 35 kV và 22 kV nằm trọn trong khuôn viên Trường Tiểu học Di Lăng I.
Trụ điện cao thế 35 kV và 22 kV nằm trọn trong khuôn viên Trường Tiểu học Di Lăng I.


Trước thực trạng trên, Trường Tiểu học Di Lăng I đã báo cáo với UBND huyện, đề nghị huyện có biện pháp phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, khắc phục. UBND huyện Sơn Hà đã có công văn chỉ đạo Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Giáo dục huyện phối hợp với Điện lực Sơn Hà kiểm tra, xác minh vụ việc trên. Tại báo cáo số 121/DLSH-TH của Điện lực Sơn Hà gửi Công ty Điện lực Quảng Ngãi nêu rõ: Đường dây 35 kV đi ngang Trường Tiểu học Di Lăng I đảm bảo an toàn về khoảng cách và độ cao. Riêng đường dây 22 kV khoảng cách pha đất chỉ đạt 5,8 mét không đảm bảo theo quy định, cần phải cải tạo, khắc phục nâng độ cao khoảng cách pha đất lên 7 mét để đảm bảo an toàn.

Mỏi mòn truy tìm trách nhiệm

Trao đổi về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Tư – Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho biết: “Phải xác định được trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, ngành điện hay UBND huyện Sơn Hà thì mới tiến hành khắc phục”. Giám đốc Điện lực Quảng Ngãi cũng cho rằng, nếu lỗi thuộc ngành điện thì Điện lực sẽ chịu trách nhiệm khắc phục hoàn toàn. Còn lỗi “trồng” trụ điện này thuộc UBND huyện hay cơ quan nào khác, thì cơ quan đó phải bỏ kinh phí mua vật tư, Điện lực chỉ hỗ trợ kỹ thuật và nhân công để cải tạo, khắc phục.

Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Điện lực Sơn Hà, Trường Tiểu học Di Lăng I và các cơ quan chức năng của huyện Sơn Hà về vấn đề này. Ông Lương Văn Đức – Giám đốc Điện lực Sơn Hà cho biết, đường dây 22 kV do Ban Quản lý công trình điện Sơn Hà thi công năm 1996 và bàn giao cho Điện lực Sơn Hà quản lý sau 1998. Điện lực Sơn Hà cung cấp quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền cho Ban Quản lý điện Sơn Hà để xây dựng đường dây này. Tuy nhiên, trong quyết định cấp đất chỉ nói chung chung, không nêu cụ thể vị trí đất trồng trụ điện “trong Trường Tiểu học Di Lăng I” như hiện nay.  

Riêng đường dây 35 kV, mặc dù được ngành điện khẳng định là an toàn về độ cao và khoảng cách, nhưng cũng thừa nhận việc xây dựng trụ điện trong trường học là không đúng quy định. Và việc xây dựng trụ điện này có được chính quyền và cơ quan có thẩm quyền cho phép hay không thì Điện lực Quảng Ngãi chưa xác định được vì mới tiếp nhận bàn giao đường dây này vào năm 2010 từ Ban Quản lý dự án thủy lợi 6 để quản lý vận hành.

Ai cho trồng trụ điện cao thế trong trường học?

Trao đổi với UBND huyện Sơn Hà về vấn đề “trồng” trụ điện cao thế 35 kV trong Trường Tiểu học Di Lăng I, ông Đặng Ngọc Dũng – Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Trường Tiểu học Di Lăng I là trường lâu năm của huyện và chắc chắn có trước khi trụ điện cao thế 35 kV được “trồng” vào đây. Việc xây dựng trụ điện cao thế này UBND huyện không biết và nếu biết cũng không thể đồng ý được vì vị trí này là trường học, không có chuyện cho xây dựng trụ điện cao thế”.

Điện lực Sơn Hà cung cấp cho chúng tôi biên bản bàn giao, tiếp nhận đường dây 35 kV và Quyết định thu hồi đất để xây dựng hệ thống cấp điện thi công và quản lý vận hành công trình Hồ chứa nước Nước Trong. Tuy nhiên, hiện tại theo nhân viên Điện lực Sơn Hà thì đường dây 35 kV này là đường dây dẫn điện từ Công trình Hồ chứa nước Nước Trong để bán điện cho các công ty kinh doanh bán điện chứ không còn là hệ thống cấp điện thi công và quản lý vận hành công trình Hồ chứa nước Nước Trong như trước đây nữa. Thực tế, tại nơi trụ điện cao thế 35 kV trong Trường Tiểu học Di Lăng vẫn còn “gốc” của một số trụ điện trước đây được cho phép xây dựng để “mua” điện thi công và vận hành Hồ chứa nước Nước Trong. Còn đường dây 35 kV “bán điện” hiện nay thì Điện lực Sơn Hà chưa cung cấp được những giấy tờ khẳng định có chủ trương cho phép “trồng” điện cao thế trong Trường Tiểu học Di Lăng I.

Theo UBND huyện Sơn Hà, ngay trước thời điểm xây dựng trụ điện cao thế 35 kV trong Trường Tiểu học Di Lăng I, một số công nhân thi công đường dây điện này đã tự ý đào trộm hố, tập kết vật liệu để xây dựng đường dây ngay trong sân vận động huyện. Tuy nhiên việc làm này bị phát hiện, ngăn cản nên không thực hiện được. Bẵng đi một thời gian, việc xây dựng trụ điện 35 kV ấy lại được xây trong Trường Tiểu học Di Lăng I – cách vị trí “đào trộm” hố trước đây chưa đầy chục mét.

Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Trường Tiểu học Di Lăng I  năm 2011, ngoài công trình trường học, không thể hiện bất kỳ công trình điện nào kể cả đường dây 22 kV và đường dây 35 kV. Sự nguy hiểm đang rình rập hàng ngày, hàng giờ, còn cơ quan chức năng vẫn mãi miết truy tìm trách nhiệm ai cho trồng trụ điện cao thế trong trường học?


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.