Sống chật vật giữa rừng phòng hộ- Kỳ 2: Dân lành biến thành “lâm tặc”

08:05, 22/05/2013
.

(QNg)- Thiếu ăn, nhưng không có đất để canh tác nên người dân đành “bấm bụng” lấn dần diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Vì thế, từng vạt rừng bị “ngoặm” dần…


“Lâm tặc” bất đắc dĩ

Toàn khu tái định cư có hơn 130 hộ thì đã có gần 120 hộ thuộc diện hộ nghèo. Về nơi ở mới, không có đất để sản xuất nên khó càng thêm khó. Thêm vào đó, tuyến đường giao thông “độc đạo” từ trung tâm xã đến khu tái định cư dài gần 15km lại có nhiều dốc dựng đứng, đi lại khó khăn khiến khu tái định cư như biệt lập với bên ngoài. Vì thế, phá rừng để làm nương rẫy và lấy gỗ bán là kế sinh nhai của khá nhiều hộ dân vùng tái định cư. Anh H.V.B (tổ 1, thôn 1) thẳng thừng: “Biết phá rừng là sai, nhưng nhà tôi có đến 6 người. Nếu không phá rừng thì lấy gì mà ăn. Có gỗ thì có gạo, không có gỗ, cả nhà nhịn đói”.

Chia sẻ cùng phóng viên, nhiều hộ dân cho biết, mặc dù được tuyên truyền vận động rằng bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sự sống của chính mình nhưng giờ nếu không chặt cây bán lấy gạo thì đói.  Vì thế, người dân biết sai, nhưng đành “phạm luật” để tự cứu mình.

 

Rừng phòng hộ bị phá tan hoang.
Rừng phòng hộ bị phá tan hoang.


Dọc tuyến đường đi vào khu tái định cư, những cây gỗ  từ lớn đến nhỏ đều đã bị đốn hạ. Gỗ lớn thì được cưa, xẻ tại chỗ để lấy gỗ, còn những thân cây nhỏ thì bị chặt ngã rồi bỏ lại nằm vương vãi khắp bìa rừng. Từng bó củi lớn được để chỏng chơ dưới lòng đường chờ ngày mang về. Gặp những “lâm tặc” bất đắc dĩ này, khi được hỏi đi đâu, ai nấy đều hồn nhiên thừa nhận “vào rừng đốn gỗ”.

Ông Hồ Văn Tiến - Trưởng thôn 4 cho hay, vì chưa giải quyết được tận gốc vấn đề cấp đất sản xuất cho người dân nên rất khó vận động mọi người ngừng phá rừng. Rồi ông cho biết thêm, rất nhiều lần bà con trong thôn kéo đến nhà ông để hỏi thăm về đất sản xuất, rồi khẩn thiết đề nghị ông kiến nghị lên cấp trên cấp đất khiến ông Tiến luôn luôn trăn trở.


 “Chính quyền địa phương kết hợp với hạt kiểm lâm tuần tra liên tục và dùng nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến răn đe, xử phạt nhưng để giải quyết vấn đề lương thực, người dân vẫn liên tục lén lút phá rừng”, ông Thanh Quý Dương - Chủ tịch UBND xã Trà Thủy, phân trần.

Kiểm lâm cũng… khổ lây

Khu tái định cư nằm ngay trong khu vực rừng phòng hộ, nên ngay khi người dân chuyển về nơi ở mới, Hạt Kiểm lâm huyện Trà Bồng đã nhanh chóng thành lập tổ kiểm lâm túc trực nơi đây.  Hằng ngày, cán bộ kiểm lâm phối hợp với công an viên của xã Trà Thủy lặn lội đường núi đi kiểm tra nhằm giữ lại diện tích rừng phòng hộ trọng yếu này.

  Nhiều lần phải “cắm bản”, ở luôn trên vùng rừng phòng hộ để kịp thời ngăn chặn những trường hợp phá rừng. Dù đã phấn đấu cật lực nhưng vì lực lượng kiểm lâm thì mỏng, còn người phá rừng lại đông nên nỗ lực bảo vệ rừng cũng…“có hạn”. Anh Hồ Minh Tâm, một cán bộ kiểm lâm chia sẻ: “Mỗi người phụ trách cả ngàn ha rừng nên khó có thể ngăn chặn hết được những trường hợp lén lút phá rừng. Đó là chưa kể đến những trường hợp để tránh mặt kiểm lâm, người dân chuyển sang phá rừng về đêm nên rất khó để kiểm soát”.

Tuy chưa có hành vi chống đối nào nghiêm trọng, nhưng sau khi kiểm điểm, răn đe, người dân lại không tuân thủ mà tiếp tục phá rừng. Nên công tác vận động tuyên truyền của các cán bộ kiểm lâm nhiều lúc chỉ như muối bỏ biển.

Ông Nguyễn Hồng Thái - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trà Bồng cho biết, mặc dù anh em kiểm lâm chúng tôi đã không ngừng nỗ lực bám sát địa bàn nhằm bảo vệ rừng và tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của rừng. Nhưng người dân không có đất sản xuất, không có lương thực để ăn nên không có thực làm sao vực được đạo.

Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, chính quyền địa phương cần nhanh chóng lập phương án cấp đất sản xuất cho người dân ổn định cuộc sống chứ không thể tiếp tục kéo dài tình trạng hàng trăm hộ dân khu tái định cư thôn 4 và tổ 1 thôn 1 Trà Thủy phải tự mò mẫm tìm kế sinh nhai như hiện nay.

 

Bài, ảnh: Ý THU
 


.