(QNg)- Đã có không ít dự án điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân trên đảo Lý Sơn được triển khai, nhưng rồi niềm vui đó vẫn không được trọn vẹn. Vì lẽ đó mà bao năm trôi qua, người dân nơi đây luôn phải sống trong cảnh "khát điện".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 1: Dừng dự án tiền tỷ, vì sao?
|
Sau khi khởi công, chủ đầu tư có nhiều tích cực trong việc triển khai dự án và cam kết đến năm 2011 sẽ phát điện. Nhưng đến tháng 6/2012, các đơn vị liên quan đã phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng dự án. Và mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của dự án. Vì sao có chuyện không vui này?
Chủ đầu tư nóng vội?
Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại văn bản số 138/TB-VPCP ngày 18/6/2008, Vinacomin đã triển khai xây dựng NMNĐ Lý Sơn với tổng vốn đầu tư 352,327 tỷ đồng. Người dân huyện đảo rất vui khi đón nhận thông tin này. Đây cũng là cơ hội để Lý Sơn khai thác có hiệu quả những lợi thế để phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh- quốc phòng. Vì lẽ đó, tỉnh và huyện Lý Sơn nhanh chóng vào cuộc tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Sau hơn 4 năm khởi công, khu đất rộng hơn 5 ha của dự án bị bỏ hoang. |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư không lường trước được những khó khăn của dự án, cùng với đó là sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm giá trị gói thầu EPC (nhà máy chính) tăng cao (486,851 tỷ đồng) nên Tổng Công ty Điện lực – Vinacomin đã hủy gói thầu EPC và tìm kiếm các đối tác khác để triển khai tiếp dự án. Song, gói thầu sau vẫn tiếp tục tăng (429 tỷ đồng). Theo đó, tổng mức đầu tư cho dự án sau khi tính toán lại đã tăng lên 560,59 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu là 352,327 tỷ đồng. Như vậy, nếu thực hiện dự án với tổng mức đầu tư trên là quá lớn, kém hiệu quả. Mặt khác, Lý Sơn là một đảo nhỏ, có quy hoạch ưu tiên phát triển du lịch nên việc triển khai dự án trên là bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đây cũng là lý do buộc chủ đầu tư quyết định xin dừng dự án. Tháng 4/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã quyết định cho chủ trương dừng dự án vì lo ngại dự án gây ô nhiễm môi trường và không hiệu quả.
Anh Nguyễn Bình (37 tuổi), có nhà ở cách khu vực xây dựng NMNĐ khoảng 200m, cho biết: Lúc đầu, nghe triển khai dự án người dân chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ không còn sống trong cảnh "khát điện", nhưng lo vì sợ ô nhiễm. Nhà máy chạy bằng than thì có hiện đại đến mấy cũng không tránh khỏi khói bụi. Nay dự án dừng thì mừng, nhưng lại tiếc vì 4 năm nay hơn 5 ha đất thu hồi cho dự án không được sử dụng có hiệu quả.
Nan giải xử lý hậu quả
Khu đất thu hồi cho dự án là đất chuyên trồng hành, tỏi cho năng suất cao. Dạo quanh khu vực quy hoạch làm bãi chứa than (khoảng 2 ha), chúng tôi nhận thấy vùng đất màu mỡ ngày xưa nay là một bãi cây cỏ mọc um tùm. Những chủ đất cũ tận dụng một phần đất để trồng hành, tỏi cải thiện đời sống. “Nghe đâu dự án dừng rồi nên chúng tôi làm đại vụ hành, tỏi kiếm ít đồng chứ đất bỏ hoang phí quá” – anh Tùng, một nông dân trồng hành tại đây nói.
Tại khu vực quy hoạch xây nhà máy là hai dãy nhà bỏ hoang. Đưa tay về dãy nhà không một bóng người, anh Phạm Ngọc Quý (51 tuổi) ở thôn Đông- người bị thu hồi hết đất để phục vụ xây dựng nhà máy, thở dài: “Nhà tôi có hai sào đất trồng hành, tỏi đều bị “dính” hết vào đất dự án. Nếu như giá tỏi mùa rồi, hai sào đất này bèo lắm cũng kiếm được 40 triệu đồng". Hộ anh Quý được đền bù 40 triệu đồng, nhưng cũng chỉ đủ chi phí cho gia đình trong năm đầu. Còn gần 3 năm qua, anh Quý tha phương làm thuê, làm mướn nuôi mấy đứa con ăn học.
Ngay sau khi dừng triển khai dự án, chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng, các công trình liên quan cho UBND huyện Lý Sơn quản lý. Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm, với hơn 5 ha đất thu hồi, chủ đầu tư đã đầu tư hơn 13 tỷ đồng để bồi thường, san lấp mặt bằng, xây nhà điều hành. “Đối với khu quy hoạch chứa than huyện đã có chủ trương giao UBND xã An Hải quản lý và xã đang lập phương án để trình UBND huyện xem xét cho người dân thuê lại đất để trồng hành, tỏi. Còn khu vực xây nhà máy hiện có sẵn hai dãy nhà điều hành, huyện đang tính đến phương án cho đơn vị nào đó thuê để mở dịch vụ nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch. Ở Lý Sơn một mét đất cũng quý lắm” – bà Hương nói.
Bài, ảnh: TRẦN LÊ ĐỨC
*Kỳ 2: Tín hiệu vui lại đến