Đưa thùng rác nông nghiệp ra đồng: Mới lợi một mặt

01:03, 11/03/2013
.

(QNg)- Hình ảnh chai lọ, vỏ bao thuốc bị vứt ngổn ngang trên bờ dưới ruộng vốn chẳng xa lạ với người dân trong tỉnh. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến nông dân có thể gặp "họa" nếu chẳng may vướng phải.

Nhằm mang lại vẻ sạch đẹp và an toàn cho đồng ruộng, huyện Nghĩa Hành đã đầu tư xây dựng thùng rác nông nghiệp cho tất cả các thôn của 12 xã, thị trấn. Việc làm này tuy nhỏ nhưng tác động cực lớn vì cái mà nó đạt được không chỉ dừng lại ở vấn đề môi trường mà còn là sự thay đổi về ý thức của người dân.

 

Nông dân xã Hành Thiện thu gom vỏ, chai lọ thuốc BVTV bỏ vào thùng rác nông nghiệp.
Nông dân xã Hành Thiện thu gom vỏ, chai lọ thuốc BVTV bỏ vào thùng rác nông nghiệp.


Thời gian gần đây, trên khắp các cánh đồng ở huyện Nghĩa Hành xuất hiện nhiều chiếc bi (được đúc bằng bê tông) để đựng rác thải. Lão nông Nguyễn Tấn Tiến ngụ thôn An Chỉ, xã Hành Phước đang thăm ruộng thấy tôi, vồn vã khoe: "Thùng đựng rác xã mới trang bị tiện lợi lắm". Nói đoạn, lão vội vứt vào đó túi bao bì, chai lọ vừa nhặt được quanh ruộng rồi kể về tác dụng của thùng rác có một không hai này. Lão Tiến bảo rằng lâu nay, nhìn đồng ruộng ngập rác thải mà buồn. Nhất là mảnh vỡ của chai, lọ thuốc BVTV thủy tinh luôn là nỗi khiếp sợ không chỉ với nông dân có thói quen "chân trần thăm ruộng" mà cả những người cẩn thận đi dép, ủng cao su. Vì "giẫm phải vừa tốn tiền tiêm thuốc, vừa thấp thỏm sợ vết thương nhiễm trùng", ông Tiến lý giải.     

Còn các cánh đồng của xã Hành Thuận, địa phương tiên phong trong việc sử dụng thùng rác nông nghiệp cũng thu được nhiều "quả ngọt", đặc biệt là ý thức của người dân đã thay đổi theo hướng tích cực. "Sau khi dùng thuốc BVTV xong, tôi nhặt vỏ bỏ vào thùng. Chứ bạ đâu vứt đó vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tự rước nguy hiểm cho bản thân và mọi người", ông Lê Tín cho hay. Cũng theo ông Tín thì không chỉ tự giác dọn dẹp bao bì, chai lọ thuốc BVTV của mình, nông dân ở đây còn thu gom chúng theo phương châm "thấy đâu nhặt đó". Nhờ vậy mà đồng ruộng ở Hành Thuận giờ không còn bị các loại rác thải "tấn công" như trước. Người dân vì thế cũng vui và yên tâm hơn mỗi khi ra đồng.

Hiện nay, hầu hết các đồng ruộng của 12 xã, thị trấn trong huyện đều đã triển khai đặt thùng rác nông nghiệp bằng ống bi xi măng và phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên ở một số địa phương, thùng này không chỉ chứa rác nông nghiệp mà còn "ôm xô" luôn rác thải sinh hoạt do đổ không đúng quy định. "Phần do người dân chưa hiểu, phần vì địa phương chưa triển khai thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt nên khi thấy có thùng đựng rác, họ cứ vô tư vứt vào đó", Chủ tịch UBND xã Hành Thiện Mai Duy Tuấn cho biết. Tuy nhiên, theo ông Tuấn thì vấn đề nan giải lại là việc tiêu hủy những thứ nó đang chứa, nhất là chai lọ, rác thải nông nghiệp.  

Hiện nay, các thùng rác nông nghiệp ở Nghĩa Hành đều do xã và thôn quản lý, sử dụng. Vậy nên, khi đề cập đến việc xử lý rác thải nông nghiệp, hầu hết các địa phương đều cho rằng ngoài cách đốt, họ cũng chẳng còn biện pháp nào khác. Cũng có ý kiến cho rằng cần phân loại chúng trước khi xử lý. Theo đó, các loại rác cấu tạo bằng ni lông, nhựa thì đốt cùng với rác thải sinh hoạt, còn chai, lọ thủy tinh thì tập kết rồi gửi đến các lò đốt hiện đại để tiêu hủy. Nhưng vấn đề là lấy đâu kinh phí để thực hiện, bởi chi phí xử lý vỏ các lọ thuốc khá cao.

Thùng rác nông nghiệp là một trong những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn cho nông dân tham gia sản xuất trên đồng ruộng. Nhưng để các thùng rác nông nghiệp này không phải… "nghỉ việc" (do chứa đầy rác) thì đã đến lúc các ngành chức năng cần nghiên cứu và tính toán giải pháp tiêu hủy hợp lý nhất.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.