Trong năm 2012, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã giải ngân 12.703 tỷ đồng cho hơn 80.000 hộ nghèo vay vốn đầu tư sản xuất.
Đưa vốn về bản - Ảnh Chinhphu.vn |
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, mặc dù, năm 2012 gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, song Ngân hàng chính sách xã hội đã cố gắng bảo đảm đủ vốn cho nhân dân vay đầu tư sản xuất.
Dư nợ đến 30/11/2012 đạt 41.274 tỷ đồng, tăng 2.792 tỷ đồng so với năm 2011. Bên cạnh đó, doanh số thu nợ tính trong 11 tháng năm 2012 là 9.901 tỷ đồng, đây là nguồn vốn đáng kể để cho vay quay vòng.
Những tỉnh có dư nợ lớn như: thành phố Hà Nội 1.329 tỷ đồng; Bắc Giang 1.024 tỷ đồng; Sơn La 1.014 tỷ đồng; Quảng Nam 1.028 tỷ đồng… Nguồn vốn này đã tiếp sức cho gần 3,3 triệu hộ nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giầu chính đáng.
Chị Lý Thị Kim, một hộ nghèo ở thôn Na Nin, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết, tháng 7 năm nay tôi làm hồ sơ vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, nguồn vốn đó không chỉ giúp gia đình có việc làm mà còn tạo ra lợi nhuận đáng kể cho gia đình bảo đảm cuộc sống.
Còn anh Triệu Văn Đông là thủ lĩnh thanh niên xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - một xã miền núi, dân cư thưa thớt. Nhận ủy thác quản lý một số tổ tiết kiệm vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Đông trăn trở tìm cách giúp thanh niên và nhân dân sử dụng hiệu quả đồng vốn, vươn lên thoát nghèo và làm giầu chính đáng.
Xuất phát từ thế mạnh sản xuất chè ở địa phương, Đông cùng với anh em trong Ban chấp hành phối hợp với các tổ chức, đoàn thể mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho thanh niên và nhân dân trong xã, đưa các giống chè mới năng suất cao, mô hình trang trại ươm giống cây con vào sản xuất...
Đồng thời, xã Đoàn còn vận động, khuyến khích, hướng dẫn thanh niên áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, trồng cây lâm nghiệp… theo hướng quy mô trang trại. Đến nay, xã Đoàn đã xây dựng được 5 mô hình phát triển kinh tế.
Với nhiệt huyết của sức trẻ, lại được tiếp sức từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, trong xã giờ không còn đoàn viên thanh niên nào thuộc hộ nghèo; thu nhập bình quân của thanh niên trong xã từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Đồng vốn ưu đãi của Chính phủ không chỉ được quản lý an toàn, mà còn được sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, thanh niên trong xã còn đảm nhận tham gia chương trình phát triển chè sạch, chè an toàn thanh niên đã đem lại hiệu quả cao.
Cũng trong năm nay, gia đình anh Nguyễn Thanh Hải ở Bạc Liêu đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Những năm trước, gia đình anh được vay vốn chương trình hộ nghèo, để đầu tư nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình anh đã dần trả được hết nợ, thoát cảnh đói nghèo.
Thanh Quang/chinhphu.vn