(QNg)- Qua điều tra ở các địa phương, trong năm 2011 tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) trên địa bàn tỉnh là 117,2 bé trai/100 bé gái, vượt xa so với quy luật sinh sản tự nhiên trung bình cả nước (khoảng 110 trai/100 gái). Một số huyện như: Nghĩa Hành, Minh Long, Đức Phổ, huyện đảo Lý Sơn... có TSGTKS cao so với các địa phương trong tỉnh.
Hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm 2012, với chủ đề: "Kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS vì hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước". Quảng Ngãi đã tăng cường các hoạt động cũng như giải pháp nhằm góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) hiện nay.
"Nóng" Tỷ số giới tính khi sinh
Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, hiện nay công tác DS-KHHGĐ đang đứng trước ba thách thức lớn, đó là chất lượng dân số hạn chế, sự chênh lệch bất lợi về mức sinh ở các địa phương và gia tăng bất thường về TSGTKS. Kể từ năm 2006 đến nay, TSGTKS của nước ta luôn ở mức trên 110 và năm sau cao hơn năm trước. Theo điều tra biến động dân số năm 2012, TSGTKS của Việt Nam đang ở mức 112,3 nam/100 nữ và thật sự đang là vấn đề đáng lo ngại.
Trẻ em miền biển. Ảnh: BÙI THÁI DŨNG |
Riêng ở Quảng Ngãi, qua điều tra ở các địa phương, trong năm 2011 TSGTKS trên địa bàn tỉnh là 117,2 bé trai/100 gái, vượt xa so với quy luật sinh sản tự nhiên trung bình cả nước (khoảng 110 trai/100 gái). Một số huyện như: Nghĩa Hành, Minh Long, Đức Phổ, huyện đảo Lý Sơn... có TSGTKS cao so với các địa phương trong tỉnh. Để giảm thiểu chênh lệch TSGTKS, Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều biện pháp thực hiện Đề án Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS. Đến nay, Đề án đã phủ khắp 100% địa bàn các xã.
Các địa phương đã tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sinh con một bề tại địa phương. Thông qua các câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, các tổ, hội phụ nữ địa phương ưu tiên tạo điều kiện để chị em phụ nữ gương mẫu thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ vay vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, khen thưởng cho các trẻ em gái vượt khó, có thành tích tốt trong học tập.
Ngành dân số cũng tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tăng cường thanh, kiểm tra những địa phương có dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính khi sinh… Qua đó đã góp phần giảm thiểu tỉ lệ MCBGTKS từ 117,2 giảm còn 115,2 nam/100 nữ trong năm 2012. Tuy nhiên so với mức trung bình chung của cả nước, tỉ lệ này vẫn còn cao. Quảng Ngãi là một trong 10 tỉnh, thành có tỉ lệ TSGTKS cao của cả nước.
Tập trung cao trong tháng hành động
Hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về dân số, từ đầu tháng 12/2012 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung cho tháng hành động. Qua đó, lồng ghép với việc rà soát, đánh giá tổng kết hoạt động năm và gắn với thông điệp Ngày Dân số Việt Nam bằng nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức các sự kiện, chiến dịch, hoạt động truyền thông về công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là vấn đề MCBGTKS trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các địa phương tăng cường triển khai các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ cho nhân dân tại các cụm dân cư, đặc biệt là nhân dân các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng ven biển và hải đảo...
Chị em phụ nữ xã Bình Thạnh (Bình Sơn) được tư vấn kiến thức về sức khỏe sinh sản, DS-KHHGĐ. |
Bên cạnh đó, Chi Cục dân số tỉnh đã phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tăng cường thanh, kiểm tra tại các bệnh viện, cơ sở khám tư có dịch vụ siêu âm phục vụ chẩn đoán giới tính khi sinh tại các huyện, thành phố. Đầu tháng 12, Chi Cục dân số tỉnh phối hợp cùng Đoàn Dân Chính Đảng tỉnh thành lập câu lạc bộ sức khỏe sinh sản tại Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi nhằm đẩy mạnh truyền thông về kiến thức SKSS đến đông đảo sinh viên của trường; phối hợp với Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh tổ chức truyền thông kiến thức DS-KHHGĐ tại Nhà máy Chế biến gỗ Kim Thành Lưu, nhằm nâng cao nhận thức về SKSS, DS-KHHGĐ cho công nhân nữ tại đây.
Nhằm "Tăng cường kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS" trong thời gian đến, ông Nguyễn Văn Quang- Phó Chi Cục trưởng- Chi Cục dân số tỉnh cho biết: Để từng bước đưa TSGTKS trở lại quy luật sinh tự nhiên, đó là thách thức rất lớn đối với ngành dân số. Bởi vì, để người dân chấp nhận quy mô dân số gia đình có từ một đến hai con, chúng ta đã phải mất 50 năm. Do đó, để người dân thay đổi tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" đòi hỏi phải rất kiên trì. Cần phải tăng cường cam kết chính trị cũng như đầu tư nguồn lực; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, thực hiện bình đẳng giới và nâng cao nhận thức, tiến tới chuyển đổi hành vi của mỗi người dân. Đặc biệt cần có chính sách ưu tiên nữ - coi đây là giải pháp tình thế trong các hoạt động can thiệp bằng chính sách pháp luật.
Bài, ảnh: KIM NGÂN