Khuyết tật nhưng không "khuyết" quyết tâm

07:12, 02/12/2012
.

(QNg)- Cơ thể họ không được lành lặn. Người mất đi đôi chân, người phải chịu tàn tật vì di chứng chất độc da cam, người chưa từng nhìn thấy ánh sáng, nhưng ở họ nghị lực sống lại mạnh mẽ đến không ngờ. Mỗi ngày, mỗi giờ trôi qua là từng ấy thời gian những người khuyết tật nỗ lực "vượt lên chính mình" để sống và xây dựng cuộc đời tươi đẹp hơn.

TIN LIÊN QUAN


Những tấm gương về nghị lực sống

Từ chiến trường trở về, anh lính Nguyễn Toàn Thắng ở thị trấn Sơn Tịnh (Sơn Tịnh) đã bị mất đi đôi chân. Trở thành người khuyết tật, nhưng bằng đôi tay và sự nỗ lực, anh đã làm giàu cho gia đình và trở thành tấm gương lao động giỏi cho nhiều người noi theo. Anh Thắng nhớ lại: "Ngày mới biết mình mất đi đôi chân tôi cảm thấy tuyệt vọng, ngày nào tôi cũng đặt câu hỏi: Mất chân thì mình có thể làm được gì? Nhưng nhờ sự động viên của gia đình và sự giúp đỡ của người vợ đảm đang, tôi bắt đầu bằng đôi bàn tay của mình, tôi làm các sản phẩm bằng mây tre đan như bàn ghế, chao đèn, ống đựng bút…". Rồi anh Thắng còn mở xưởng dạy nghề và xuất khẩu sản phẩm mây tre, từ những sản phẩm đó anh đã cải thiện được phần nào kinh tế gia đình.

Anh Trương Quang Trung và tiệm sửa xe nhỏ của mình.
Anh Trương Quang Trung và tiệm sửa xe nhỏ của mình.


Đến thời điểm thị trường của mặt hàng này đi xuống, đời sống khó khăn hơn anh Thắng lại có một quyết định "liều lĩnh" là chuyển qua làm nông nghiệp. Nhiều người đã nghi ngờ rằng anh thiếu mất đôi chân thì làm sao có thể làm nông? Vậy mà người lính mất đi cả hai chân ấy lại có thể cuốc đất trồng mì, trồng bưởi, nuôi gà, nuôi cút… xây dựng trang trại, làm giàu từ chính nghị lực của mình. Anh thương binh Nguyễn Toàn Thắng đã được Chủ tịch nước khen tặng "tàn tật mà không phế", được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam công nhận là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua năm 2000.

Một người khuyết tật nữa là anh Trương Quang Trung (sinh năm 1979) ở xã Tịnh Hiệp - Sơn Tịnh. Anh Trung bị liệt hoàn toàn 2 chân từ lúc bé, anh là thế hệ thứ 2 trong gia đình chịu di chứng của chất độc da cam/dioxin. Từ nhỏ, Trung đã biết mình khác biệt so với bạn cùng lứa, nhưng không cam phận, anh đã xin phép cha mẹ cho anh theo học nghề sửa xe ở thị trấn Sơn Tịnh.

Từ nhà anh phải đi bằng nạng xuống thị trấn học nghề, rồi ở lại đến cuối tuần mới về nhà. Sau khi đã thành thục nghề, anh về nhà mở một tiệm sửa xe nhỏ, "tiệm cũng đều khách lắm, tuy không thể làm việc nặng nhọc, nhưng mình cũng đã có thể kiếm được tiền đỡ đần cho cha mẹ" - anh Trung bộc bạch. Đến năm 2002, được sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện, anh được phẫu thuật chỉnh hình chân tại Đà Nẵng, bây giờ anh đã có thể đi lại bằng đôi chân của mình, mặc dù đôi chân đó vẫn phải được nẹp lại bằng các thanh thép. 10 năm làm lụng bằng đôi bàn tay và nghị lực của mình, anh Trung chỉ có một mơ ước đơn giản là "công việc ổn định hơn, có thể nuôi sống bản thân để  cha mẹ đỡ khổ, sau này cha mẹ có già yếu thì vẫn yên tâm về cuộc sống của người con tật nguyền của mình".
 

Hiện nay, Sở LĐ –TB&XH đang xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án "Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020" của Chính phủ, với mục tiêu: Hằng năm có 70% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau, 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục, ít nhất 50% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận, 90% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý nếu có nhu cầu...

Nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật

Ngoài những nỗ lực từ bản thân, nhiều năm qua, người khuyết tật tỉnh ta đã nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội thông qua nhiều kênh, với sự trợ giúp từ nhiều nguồn như Trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng Đà Nẵng, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hồ Chí Minh cùng các nhà hảo tâm trong cả nước. Từ những nguồn hỗ trợ này đã có trên 1.650 xe lăn, xe lắc được cấp cho người khuyết tật có nhu cầu này; đồng thời, tổ chức nhiều đợt phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, mổ tim bẩm sinh cho hơn 1.000 đối tượng... Theo thống kê, tỉnh  ta có trên 49.500 người khuyết tật, đối tượng là người tàn tật được trợ cấp thường xuyên từ trên 2.400 người (năm 2006) tăng lên trên 15.000 người (năm 2012).

100% người tàn tật được hưởng chế độ khám chữa bệnh miễn phí hoặc cấp thẻ BHYT, miễn giảm học phí theo quy định của Nhà nước; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, khám, điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật trong tỉnh. Ngoài ra, người khuyết tật còn được hỗ trợ vay vốn, học nghề và tạo việc làm… Không chỉ vậy, các cấp các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách hoạt động xã hội, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp cho người khuyết tật nên đã thu hút sự tham giam của đông đảo người khuyết tật trong tỉnh, qua đó phát huy tính tự lực giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng.         


       Vũ Yến


 


.