*CAO KHOA - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Đồng chí Cao Khoa |
(QNg)- Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi vừa tranh thủ sự lãnh đạo, hỗ trợ của Trung ương, vừa phát huy nội lực, đưa tỉnh nhà từ một tỉnh thuần nông sang tỉnh có cơ cấu công nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Sự hình thành và phát triển của Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất, các Khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã tạo nền tảng để Quảng Ngãi phát triển công nghiệp và các lĩnh vực khác. Trong tiến trình phát triển đó của tỉnh luôn có sự đồng hành của Điện lực Quảng Ngãi.
KKT Dung Quất, được đánh giá là một trong những KKT thành công trong cả nước, có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2011 gần 20%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân gần 55%, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ngãi… Hàng loạt dự án lớn được đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, góp phần tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động.
Từ một tỉnh có số thu ngân sách mỗi năm chưa vượt 1.000 tỷ đồng (trước 2005), giờ đây Quảng Ngãi đã nằm trong top 10 của cả nước về thu ngân sách. Riêng số thu ngân sách năm 2012 hơn 18.900 tỷ đồng. Cùng với sự tăng thu ngân sách, cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi đã chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 17%, GDP bình quân đầu người đạt 1.726 USD/năm... Những thành tựu nêu trên có sự đóng góp tích cực của ngành điện và của Điện lực Quảng Ngãi.
Thời gian qua, hằng năm Điện lực QN đã đầu tư xây dựng các công trình điện đến chân hàng rào tại các KCN của tỉnh, cung cấp điện cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây... Điện lực QN cũng đã cung ứng kịp thời nguồn điện đến các khu dịch vụ, du lịch tại KKT Dung Quất theo yêu cầu của các nhà đầu tư…
Bên cạnh việc cung cấp điện phục vụ công nghiệp, Điện lực QN đã đầu tư các công trình điện phục vụ dân sinh và hiện toàn tỉnh đã có trên 98% tổng số hộ dân sử dụng điện. Trong điều kiện chưa đưa được điện lưới Quốc gia ra đảo Lý Sơn, nhưng Điện lực QN đã nỗ lực trong việc cung cấp điện cho huyện đảo bằng nguồn diesel.
Có thể nói, ngành điện phát triển mạng lưới đến đâu đã làm thay đổi diện mạo ở nơi đó. Đến nay ngành điện đang thực hiện chiến lược điện khí hoá nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Quảng Ngãi đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để phục vụ phát triển công nghiệp, đòi hỏi ngành điện phải đáp ứng và luôn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Đó là, thông qua các nguồn vốn, Điện lực QN tiếp tục đầu tư công trình điện phục vụ các dự án đang xúc tiến đầu tư tại Quảng Ngãi. Trước mắt là kịp thời cung cấp điện cho Dự án VSIP- Quảng Ngãi. Đây là Khu phức hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên...
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung KKT Dung Quất đến năm 2025 từ quy mô diện tích 10.300 ha lên 45.332 ha. Đây là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Do vậy, ngành điện phải đi trước, đón đầu phục vụ phát triển công nghiệp.
Điện lực QN cần phải tích cực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong giai đoạn 2011–2015. Theo đó, đẩy mạnh chiến lược phát triển điện nông thôn và miền núi, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2015 trên 98% số hộ dân nông thôn có điện và hưởng giá bán điện theo quy định hiện hành. Sử dụng các nguồn năng lượng mới và tái tạo để cấp điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tập trung đầu tư cải tạo lưới điện phân phối để giảm tổn thất điện năng, giảm sự cố trong cung cấp điện. Tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp do các HTX điện, tổ điện quản lý để bán điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn; phấn đấu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện...
Với vai trò và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành điện trong nền kinh tế và đời sống dân sinh, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Điện lực QN phải chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CB CNV; tạo sự chuyển biến trong nhận thức về ý nghĩa, chuẩn mực đạo đức cũng như ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; cải tiến công tác quản lý, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, luôn phấn đấu “vì sự phát triển cộng đồng”; gắn sự phát triển của ngành điện với công cuộc xây dựng Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp./.