(QNg)- Sau 3 năm triển khai Đề án kiểm soát dân số vùng biển (Đề án 52) tại huyện Bình Sơn, người dân ở 7 xã ven biển đã được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (SKSS - KHHGĐ), qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số, đời sống của người dân vùng biển.
* Hiệu quả từ các mô hình
Đề án 52 được triển khai từ năm 2010, trong quá trình triển khai, Bình Sơn đã có nhiều sáng kiến trong tổ chức thực hiện. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã triển khai thành lập và duy trì sinh hoạt định kỳ 32 câu lạc bộ SKSS-KHHGĐ tại 32 thôn. Đặc biệt là hiệu quả hoạt động của 28 nhóm tư vấn (huy động cả phụ nữ lẫn nam giới cùng tham gia sinh hoạt) tại 28 thôn thuộc 7 xã ven biển. Mỗi nhóm gồm 20 thành viên, sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Sự ra đời của các nhóm truyền thông này đã tạo sự phối hợp đồng bộ giữa phụ nữ và nam giới trong công tác DS-KHHGĐ.
Chị em phụ nữ xã Bình Thuận được cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. |
Nói về hiệu quả các mô hình truyền thông, bà Huỳnh Thị Nghị-Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết: Ban đầu, cán bộ chuyên trách dân số xã xuống từng gia đình tuyên truyền vận động, nhất là đối tượng nam giới. Thế nhưng, trở ngại là họ thường xuyên tham gia đánh bắt trên biển dài ngày, ít có thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương và phần lớn còn có tâm lý e dè khi tham gia tư vấn về DS- KHHGĐ. Chính vì thế cán bộ dân số đã phối hợp cùng hội, đoàn thể địa phương vào cuộc để phân tích về những lợi ích từ việc thực hiện tốt KHHGĐ, cũng như quyền lợi của người dân vùng biển được thụ hưởng từ Đề án.
Cùng với đó các thành viên trong nhóm tư vấn, đặc biệt là nam ngư dân, tranh thủ những ngày biển động ở tại địa phương, tham gia sinh hoạt theo chuyên đề về SKSS-KHHGĐ, đồng thời lồng ghép các kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc con cái cũng như tuyên truyền, vận động những đối tượng nam giới khác tham gia, nhằm từng bước nhân rộng hiệu quả mô hình.
Anh Bùi Duy Huyễn - Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Bình Thuận cho biết: "Ngày trước, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc vận động thay đổi tư tưởng "khát" con trai để đi biển. Khi xã triển khai mô hình, đa số người dân địa phương đã hiểu được những lợi ích, nên thu xếp công việc tham gia đầy đủ và tuyên truyền, tác động lẫn nhau khá thuận lợi. Đến nay, toàn xã đã nhân rộng được 5 câu lạc bộ SKSS và 4 nhóm truyền thông. Nhờ hoạt động tích cực hiệu quả mô hình, kết quả trong năm 2012, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại xã đã giảm đáng kể chỉ còn 8%, giảm 3% so với năm 2011".
* Những kết quả đạt được
Bằng nhiều phương pháp truyền thông cộng đồng về CSSKSS - KHHGĐ như: Nói chuyện chuyên đề với người dân tại những nơi công cộng, tư vấn tại nhà, truyền thông lưu động; tư vấn nhóm cho các đối tượng nam ngư dân, vị thành niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; khám và phát hiện bệnh cho phụ nữ... Đề án 52 đã đem lại hiệu quả rất tích cực cho cộng đồng cư dân ven biển.
Trong 3 năm, toàn huyện đã tổ chức hàng trăm đợt sinh hoạt tại 32 câu lạc bộ SKSS và 45 câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên thu hút hàng ngàn lượt hội viên tham gia. Riêng trong năm 2012, các xã thực hiện Đề án đã có gần 1.500 thanh niên chuẩn bị kết hôn và học sinh lớp 9 được khám sức khỏe và tư vấn về chăm sóc SKSS. Trung tâm Dân số huyện cũng đã tổ chức 14 đợt khám sức khỏe sinh sản cho hơn 1.340 phụ nữ ven biển, vận động được gần 2.900 cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.
Bà Huỳnh Thị Nghị cho biết: Các hoạt động của Đề án 52 đã đem lại hiệu quả và đang hướng đến mục tiêu kiểm soát quy mô, chất lượng dân số vùng ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách DS-KHHGĐ và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Nhờ hiệu quả hoạt động của Đề án trong 3 năm qua, đã góp phần giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện còn 9,3%. Ngoài ra, Đề án cũng đã đáp ứng nhu cầu CSSK của nhân dân, góp phần cải thiện đời sống, chất lượng dân số vùng ven biển ngày một nâng cao.
Bài, ảnh: KN