(QNg)- Quảng Ngãi luôn tự hào là mảnh đất của nhiều nghề truyền thống với những nghề đặc trưng như: Làm nước mắm, bánh tráng, đúc đồng, kẹo đường đặc sản... Những năm qua, nhiều làng nghề đã được tỉnh công nhận và khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, các sản phẩm làng nghề không có đầu ra ổn định, và chưa tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
THOI THÓP LÀNG NGHỀ
(QNg)- Năm 2009, làng nghề truyền thống nước mắm Đức Lợi (Mộ Đức) được UBND tỉnh công nhận và phục hồi, với gần 100 hộ tham gia sản xuất. Thế nhưng, kể từ đó, số người sản xuất nước mắm cũng ngày một ít đi. Nguyên nhân vì sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ. Anh Trần Văn Nhân, chủ cơ sở nước mắm Yến Phương, cho biết: So với những năm trước thì hiện nay lượng tiêu thụ nước mắm Đức Lợi đã sụt giảm. Bởi nước mắm do người dân nơi đây chế biến khó cạnh tranh với sản phẩm của nhiều thương hiệu khác. Vì vậy, người dân cũng dần bỏ nghề.
Làng nghề truyền thống cần được hỗ trợ để sản phẩm tiếp cận được thị trường. Trong ảnh: Người dân Làng Teng đang dệt thổ cẩm. |
Còn làng nghề đúc đồng chú Tượng (xã Đức Hiệp, Mộ Đức) dường như đã bị "khai tử". Làng nghề đã từng là niềm tự hào của người dân Quảng Ngãi bây giờ trở nên im lìm. Ông Đỗ Thụy, người đã gắn bó nhiều năm với nghề đúc đồng, thở dài: "Đầu những năm 1990, ở Đức Hiệp có trên 30 hộ làm nghề đúc đồng, nổi tiếng cả tỉnh, cả nước. Vậy mà bây giờ, chẳng còn ai "sống" với nghề này nữa. Ngày nay, người ta sản xuất đồ đồng, đồ nhôm bằng máy hết, ai đi "nhóm lửa" đúc nồi, đúc chuông nữa, hả cháu?". Nghề đúc đồng huy hoàng một thời, bây giờ đã trở thành dĩ vãng!
Ở đồng bằng làng nghề đã khó khăn như thế, thì tại các huyện miền núi, nghề truyền thống cũng ngày một thoi thóp. Đã có thời, sản phẩm thổ cẩm của người Hrê ở làng Teng (Ba Thành, Ba Tơ) là niềm say mê của không biết bao người. Nhưng dần dà, cuộc sống ngày một phát triển, người ta mặc đồ bằng vải silk, cotton... thì thổ cẩm Làng Teng cũng khó bán hơn. Giờ đây, chỉ những dịp tết, thổ cẩm Làng Teng mới "vào mùa". Còn những ngày thường, người ta đi trồng keo, chăm sóc cây mì, cây mía chứ ít người còn ngồi dệt thổ cẩm. Thế nên, số sản phẩm làm ra dường như chỉ đủ để nghề còn "sống", chứ chẳng thể phát triển mạnh hơn.
Tình cảnh của gần 30 nghề truyền thống khác trong tỉnh cũng chẳng khá hơn. Chuyện sản phẩm làng nghề truyền thống khó tiếp cận thị trường là việc ai cũng biết. Nhưng để có được những bước đi cần thiết nhằm đưa sản phẩm làng nghề đến với người tiêu dùng thì không dễ chút nào.
TÌM "BÀ ĐỠ" CHO LÀNG NGHỀ
Đối với người Việt, nước mắm được xem là món nước chấm, gia vị không thể thiếu, nhất là nước mắm được sản xuất theo cách truyền thống. Nhưng muốn người dân tin dùng thì sản phẩm phải có lợi cho sức khỏe của họ. Bà Đặng Thị Loan (phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) nhận xét: "Một số sản phẩm nước mắm làm theo công nghệ mới của các hãng thực phẩm lớn nhìn thì bắt mắt, nhưng khi ăn không cảm nhận được mùi vị đậm đà của cá và muối biển. Còn mắm được muối theo cách truyền thống ăn rất thanh, vị ngọt đọng lại trên đầu lưỡi nên gia đình tôi chỉ thích ăn mắm được muối theo cách cổ truyền".
Trước những thay đổi của thị trường nước mắm, người dân làng nghề nước mắm Đức Lợi đã từng bước tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi ai cũng xác định, chất lượng là yếu tố quyết định đến sức mua của người tiêu dùng. Anh Trần Văn Nhân tự hào khoe: "Nước mắm Đức Lợi được làm theo quy trình cổ truyền, để chín tự nhiên và không dùng chất bảo quản. Các thương hiệu nước mắm được bày bán trên thị trường thường có màu đẹp, mùi thơm là nhờ hóa chất. Việc đó chúng tôi làm không khó, nhưng mọi người đều xác định sẽ không dùng phụ gia để khỏi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng".
Lâu nay, các sản phẩm làng nghề truyền thống thường được phân phối theo cách "thủ công". Nghĩa là ai cần thì tìm đến mua hay người sản xuất phải đi... bán dạo. Do đó, sản phẩm làng nghề cần được tạo điều kiện để có mặt ở những kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm... Đặc biệt, sản phẩm làng nghề cần được "tham gia" vào Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Theo đó, trong các chương trình "Bình ổn giá", "Đưa hàng Việt về nông thôn", các cấp, ngành, doanh nghiệp phân phối cần dành "đất" để giới thiệu và bày bán sản phẩm làng nghề.
Ngoài ra, về lâu dài làng nghề cần được đầu tư công nghệ mới; sản phẩm phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để làm được những việc này, các cơ sở sản xuất rất cần hỗ trợ vốn; và được tham gia các lớp tập huấn về kiến thức marketing, tin học, ngoại ngữ. Đặc biệt, các địa phương nên tạo điều kiện để người dân được vào các khu tập trung để mở rộng quy mô sản xuất.
Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN