(QNg)- Những ngày này, người dân các xã ven sông, biển ở tỉnh ta đang sống trong tâm trạng hoang mang, lo sợ khi tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Hàng chục hecta hoa màu, nhà cửa có nguy cơ bị sông "nuốt".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mong muốn lớn nhất của hàng ngàn người dân ở các khu vực nguy hiểm là được Nhà nước đầu tư xây bờ kè bê tông, cốt thép kiên cố để giữ đất, giữ làng…
Ruộng, vườn, nhà cửa trôi theo sông, biển
Những ngày này năm 2011 khi trận lũ lớn đi qua người dân các xã dọc theo bờ bắc sông Vệ như: Hành Thịnh, Hành Phước, Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) như người mất hồn khi những ruộng hoa màu bỗng chốc bị lũ nhấn chìm, gây hư hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, đã một năm trôi qua những mong mỏi của người dân nơi đây vẫn chỉ là nhìn dòng sông Vệ đang tiến sát vào móng các ngôi nhà dọc theo sông.
Tại xã Hành Phước, một đoạn bờ sông dài gần 3.000m có đến hàng trăm điểm sạt lở. "Hầu như đất vườn của người dân chúng tôi chạy dọc theo con sông này đã bị "hà bá" nuốt mất rồi. Cứ đà này vài mùa mưa bão nữa đất vườn sẽ mất sạch" - bà Nguyễn Thị Loan, thôn An Chỉ Đông nhìn hơn nửa mảnh đất trồng hoa màu đổ xuống sông trong mùa mưa lũ năm trước rầu rĩ.
Sạt lở nặng bờ sông Vệ đoạn qua xã Hành Phước. |
Thuê chiếc đò đi dọc theo sông chúng tôi chứng kiến những bụi tre rậm rạp, cao lớn được người dân trồng bảo vệ vườn, nhà nằm chỏng chơ dưới lòng sông chỉ còn nhô lên phần ngọn. Còn đất nông nghiệp thì cứ trụt theo sông khi dòng nước chảy mạnh.
Không chỉ gây xói lở ảnh hưởng đến đất sản xuất mà sông Vệ đang "tấn công" cả nhà dân. Trên khu vực này nhiều đoạn sông Vệ chỉ còn cách nhà dân chưa đến… 3m. Có nơi sông đã "liếm" sát móng nhà. "Trước kia sông cách vườn nhà tui hàng trăm mét chứ nói gì đến nhà. Từ ngày người ta tổ chức khai thác cát ồ ạt bên bờ Nam, khiến cho dòng chảy bị thay đổi nghiêm trọng. Mỗi mùa mưa lũ về là ruộng vườn cứ trôi theo sông mà chẳng biết cách nào giữ lại hết" - ông Hồ Tấn Nhật, thôn An Chỉ Tây thở dài.
Tuyến đường ĐH 53 liên huyện cũng đang trong tình trạng chực chờ bị sông nuốt. Một số đoạn sông Vệ chỉ cách đường chưa đầy 5m, thuộc địa phận xã Hành Tín Tây tình trạng cũng chẳng khá hơn là bao khi ruộng vườn cứ mấp mé trôi theo sông.
Trong khi đó, tại các làng chài ven biển thuộc xã Bình Hải, Bình Sơn triều cường đã "ngoạm" vào đến giữa làng. Nhiều ngôi nhà đang chực chờ đổ nhào theo chân sóng.
Mong có kè
Sông Vệ là một trong bốn con sông lớn của tỉnh, mỗi năm khi đến mùa lũ lụt, hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông luôn thấp thỏm lo sợ tình trạng sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa, hoa màu. Theo người dân nơi đây nguyên nhân gây ra sạt lở là do việc khai thác cát sạn ồ ạt khiến cho dòng chảy thay đổi tạo thành những khúc quanh gấp, khiến sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. "Họ chỉ biết làm với tư lợi cá nhân, còn người dân chúng tôi thì sao. Họ múc cát, đổi lại dân chúng tôi phải mất cả hàng chục, hàng trăm mét đất vườn. Mưa nắng gì cũng móc ruột sông thế này thì nay mai nhà cửa của chúng tôi sẽ trôi theo sông thôi", ông Nguyễn Văn Hòa-thôn An Chỉ Đông bức xúc.
Còn với người dân thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn) nguyên nhân dẫn đến nạn xâm thực của triều cường ngày một nặng hơn là do cách đây không lâu người dân các nơi khác đến khu vực biển gần bờ của thôn đục lấy đá san hô khiến cho "móng" biển bị mất. "Không còn chân đế nên mỗi khi biển động sóng lớn không còn vật gì cản nên sóng tấp vào làm sạt nhà cửa trôi theo hết vì vùng này toàn là cát. Chúng tôi đã nhiều lần truy quét các đối tượng khai thác đá san hô trái phép nhưng vẫn không xuể nên mới dẫn đến tình trạng này. Người dân vì cái lợi trước mắt nên giờ mới thấy hậu họa”, ông Nguyễn Văn Hai-Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải nói.
Theo ông Hai, nhiều năm trước xã đã lập phương án di dời toàn bộ những hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng do nạn xâm thực gây ra nhưng vướng phải nhiều thứ nên chưa thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Á-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Hải cho biết: Trong vòng mười năm trở lại đây có ít nhất 40 ngôi nhà đã bị biển nuốt. "Đà xâm thực như thế này nếu không có phương án ngăn chặn thì chẳng mấy chốc làng chài này sẽ bị xóa sổ. Trước kia biển cách làng hơn 500m, giờ đây biển lấn vào gần nửa làng rồi. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa biển động là có vài ngôi nhà bị cuốn phăng ra biển. Dân chài đã nghèo giờ càng thê thảm hơn" - ông Á lắc đầu nói.
Hầu hết người dân sống ở những nơi sạt lở đều có chung một mong mỏi đó là được Nhà nước đầu tư xây bờ kè bê tông kiên cố. "Xây bờ kè tạm bằng… bao cát như thế này thì chẳng ăn thua đâu. Huyện cũng đã tìm địa điểm xây dựng khu tái định cư cho dân rồi, sẽ chuyển dân đi trong nay mai. Nhưng mong muốn nhất không chỉ của người dân mà của huyện là cần đầu tư xây dựng kè bê tông kiên cố thì may ra mới giữ được số đất còn lại. Nguồn kinh phí xây kè quá lớn huyện không thể làm nổi" , ông Đoàn Hà Yên- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC