(QNg)- Sau khi Kết luận thanh tra số 214 được ban hành (28/5/2009), lẽ ra lãnh đạo xã Hành Dũng và Phòng TN&MT huyện lúc bấy giờ phải chủ động tham mưu cho lãnh đạo huyện xử lý dứt điểm. Đằng này, lại tiếp tay cho những sai phạm tiếp theo, để rồi nay phải ngồi lại tìm cách tháo gỡ.
TIN LIÊN QUAN
"Đổ dầu vào lửa"
Năm 2002, ông Nguyễn Bường ở thôn Kim Thành, xã Hành Dũng được UBND huyện Nghĩa Hành cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (H05209) lâm nghiệp với diện tích 30,2 ha, thời hạn sử dụng đến tháng 12/2031, tại thửa đất số 01, tờ bản đồ số 12 (bình quân đất lâm nghiệp trong xã chỉ có 0,85 ha/hộ-PV). So với hạn mức quy định của Nhà nước lúc bấy giờ thì ông Bường được giao vượt 0,2 ha. Về mặt trình tự thủ tục để cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cũng chưa thực hiện đúng nhưng UBND xã, Phòng Địa chính- NN&PTNT huyện lúc bấy giờ vẫn tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện ký quyết định cấp giấy. Dư luận cho rằng, sở dĩ có sự ưu ái trên là do ông Bường là cha ruột ông Nguyễn Tải- lãnh đạo UBND xã Hành Dũng lúc bấy giờ.
![]() |
Khu rừng xã Hành Dũng cho đấu giá sử dụng 30 năm. |
Tuy nhiên, cũng như một số hộ khác, ông Bường cũng không phải là hộ dân thực sự có nhu cầu đất sản xuất. Bởi lẽ, sau khi được cấp đất ông Bường đã giao toàn bộ diện tích trên cho Công ty TNHH Mỹ Yên trực tiếp trồng. Khi dư luận "nóng lên" trước việc một số cá nhân thu gom đất rừng trong khi dân có nhu cầu thì không có đất sản xuất, gia đình ông Bường đã âm thầm làm giấy chuyển nhượng toàn bộ diện tích trên cho ông Trương Anh Tuấn và Mai Xuân Tạo ở thành phố Quảng Ngãi. Giấy chuyển nhượng này được UBND xã xác nhận. Biết rằng đây là quyền của người được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng rõ ràng trong vụ việc này có biểu hiện không bình thường. Bởi lẽ, lãnh đạo UBND xã biết rõ toàn bộ diện tích đất trên được Công ty TNHH Mỹ Yên đầu tư, cây chưa đến kỳ khai thác nhưng vẫn xác nhận đồng ý cho chuyển nhượng. Việc làm này của lãnh đạo xã lúc bấy giờ là chưa đúng nguyên tắc, vì khi phát sinh tranh chấp thì UBND xã cũng không thể vô can.
Theo Kết luận thanh tra số 214 ngày 28/5/2009, thì UBND xã Hành Dũng có trách nhiệm kiến nghị thu hồi 0,2 ha (2.000m2) do cấp vượt hạn mức cho ông Bường. Nhưng lãnh đạo xã Hành Dũng không những không thực hiện mà vào ngày 16/6/2010 còn chứng thực hợp đồng để ông Bường chuyển nhượng QSSĐ đối với 30,2 ha đất rừng cho ông Tuấn, nhằm hợp thức hoá hồ sơ pháp lý mà trước đó xã đã ký. Còn lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hành trực tiếp chỉ đạo xã Hành Dũng phải thực hiện Kết luận số 214, nhưng rồi chính huyện lại không thực hiện, vì đã chấp nhận kết quả chuyển nhượng nhận QSSĐ cho ông Tuấn vào ngày 13/8/2010. Cách xử lý tiền hậu bất nhất này khiến một bộ phận người dân phát sinh khiếu nại, tranh chấp mới là điều khó tránh khỏi.
Sai đã rõ, nhưng sửa không dễ
Khoảng năm 2003, Công ty NLSXK Quảng Ngãi đã giao lại cho xã Hành Dũng khoảng 110 ha đất trồng đào, bạch đàn kém hiệu quả để địa phương cân đối sử dụng có hiệu quả hơn. Số diện tích này (được gọi là đất rừng 388) xã đưa vào quỹ đất 5% và cho dân đấu thầu sử dụng 30 năm (HĐND xã thống nhất tại Nghị quyết 10B ngày 18/7/2003-PV). Tuy nhiên, sau Kết luận số 214 thì Nghị quyết 10B của HĐND xã bị huỷ bỏ một phần vì ban hành trái với quy định pháp luật và việc UBND xã tổ chức đấu thầu và giao quyền sử dụng đất cho dân 30 năm (có thu tiền sử dụng đất) là sai thẩm quyền. Như vậy, việc xã thu trên 249 triệu đồng từ việc đấu thầu 38,36 ha đất rừng 388 và giao đất có thu tiền của 98 hộ (có 55 hộ tự lấn chiếm) trên 109 triệu đồng với diện tích 66,7ha của UBND xã Hành Dũng là không đúng. Ngoài ra, UBND xã còn tự cho Công ty TNHH Mỹ Yên thuê 2,2 ha để làm vườn ươm, cho cán bộ xã thuê 6,8 ha... cũng không đúng nguyên tắc.
Lãnh đạo UBND xã Hành Dũng thừa nhận: "Sai phạm trên là rất rõ. Những cán bộ liên quan cũng đã nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, việc sửa sai thì không phải dễ, đòi hỏi phải có thời gian, sự tư vấn giúp đỡ từ các phòng chuyên môn của huyện và sự đồng thuận trong dân". Bởi lẽ, số tiền xã thu từ việc đấu giá, giao đất và cho thuê đất với thời gian 30 năm đã được chi vào việc xây dựng Chợ Phiên và một số công trình công cộng. Hiện nay, số diện tích 6,6 ha dự kiến giao cho cán bộ huyện 6,6 ha (biên bản họp 13/9/2005) nhưng sau đó thì Công ty TNHH Mỹ Yên trồng rừng đã được xã thu hồi giao cho 29 hộ dân sản xuất. Số diện tích 6,8 ha cho cán bộ xã thuê thì mới thu hồi được 2,8 ha. Còn 4 ha theo tìm hiểu của chúng tôi thì có dấu hiệu sang nhượng cho Công ty TNHH Mỹ Yên nên việc thu hồi không phải là dễ.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, năm 1995, UBND huyện Nghĩa Hành ban hành Quyết định số 139 giao 98 ha đất trống, đồi núi trọc cho nhóm hộ ông Võ Cao Năm (thành phố Quảng Ngãi) làm kinh tế trang trại, do ông Phạm Vinh ở thôn An Định đại diện đứng đơn xin đất. Hiện nay đã phát sinh tranh chấp gay gắt giữa người dân địa phương với ông Năm. Ông Năm yêu cầu được ăn chia vì ông được huyện Nghĩa Hành giao đất và đã có một số hộ đã nộp cho ông Năm 7 triệu đồng/ha để được khai thác keo. Một số hộ thì nộp cho UBND xã, như ông Vương nộp 30 triệu đồng. Thực tế hiện nay ông Năm chỉ trực tiếp sản xuất khoảng 17 ha rừng, còn lại người dân chiếm trồng.
"Sở dĩ đến nay đã 3 năm sau chỉ đạo của huyện mà xã chưa thu hồi diện tích 2,2 ha xã cho Công ty TNHH Mỹ Yên thuê làm vườn ươm và 300m2 đất ở thôn An Phước được xã đã cho Công ty TNHH Mỹ Yên thuê làm Văn phòng là vì đã lỡ thu tiền của doanh nghiệp (35 triệu đồng). Đồng thời, hiện nay công ty vẫn còn có nhu cầu sử dụng và đã xây dựng văn phòng làm việc kiên cố"- một đồng chí lãnh đạo xã cho biết. Được biết, trong số 2,2 ha trên thì chỉ có khoảng 8 sào công ty trồng keo giống, diện tích còn lại thì trồng keo nguyên liệu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, nếu Công ty TNHH Mỹ Yên có nhu cầu sử dụng thì xã phải có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp làm đầy đủ thủ tục trình UBND huyện ban hành quyết định cho thuê. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thì cương quyết thu hồi, nhằm đảm bảo thực thi đúng Luật Đất đai.
"Việc UBND xã Hành Dũng chứng thực hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của ông Nguyễn Bường với toàn bộ diện tích 30,2 ha cho ông Trương Anh Tuấn là không đúng theo Kết luận thanh tra số 214 của Chủ tịch UBND huyện, vì không đề nghị xử lý phần diện tích cấp vượt hạn mức 0,2 ha. UBND xã xin nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về vấn đề này"- ông Trịnh Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Hành Dũng thừa nhận. |
Kiên quyết thu hồi, bất kể là ai
Đó là quan điểm của lãnh đạo UBND xã Hành Dũng khi làm việc với chúng tôi về những trường hợp được giao đất, cho thuê đất hoặc tổ chức đấu giá đất rừng sai với các quy định của Nhà nước thì cần thiết phải thu hồi để cấp lại cho dân theo đúng quy định, bất kể đất đó là của ai. "Cương quyết thu thì đụng một số người, còn không thu thì lại có lỗi với dân. Nhưng chúng tôi thà đụng còn hơn là để mắc lỗi", ông Trần Ngọc Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Để làm được điều này, UBND huyện Nghĩa Hành cần nghiêm túc rút kinh nghiêm trong việc chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra số 214 ngày 28/5/2009. Qua đó, xây dựng kế hoạch, tìm biện pháp chỉ đạo thực hiện kết luận trên thực sự có hiệu quả. Đồng thời phân công cán bộ, hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo Phòng TN&MT huyện hỗ trợ công tác chuyên môn, phương tiện đo đạc cho UBND xã trong quá trình xác định vị trí, diện tích đất rừng cần thu hồi.
Đối với UBND xã cần phối hợp cùng các đoàn thể, mặt trận chủ trì cuộc họp dân trong toàn xã để nghe dân đề đạt ý kiến về diện tích đất rừng đã giao, cho thuê hoặc bị dân lấn chiếm trái phép. Trên cơ sở đó, UBND xã xây dựng kế hoạch thu hồi, phân chia lại đất rừng cho những hộ dân thực sự có nhu cầu trình UBND huyện xem xét, quyết định theo đúng Luật Đất đai. Nếu còn để cảnh nhiều người dân địa phương phải làm thuê trên chính mảnh đất của họ thì lãnh đạo UBND xã khó có thể tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội mà chỉ quanh quẩn tháo gỡ những vấn đề phát sinh từ rừng và đất rừng.
(Còn nữa)
Nhóm PV