(QNg)- Khi những cơn mưa đầu mùa đông trút nước cũng là lúc người dân ở miền núi Quảng Ngãi bắt đầu vào vụ trồng rừng với kỳ vọng sẽ sống được từ rừng. Người dân xã Hành Dũng, Hành Nhân (Nghĩa Hành) cũng vậy. Nhưng rồi họ không thể nào vui được khi mà hàng trăm hecta đất rừng bỗng nhiên rơi vào tay một nhóm người, trong đó có cả một số người không phải dân địa phương.
Kỳ 1: Đường đi “ra ngoài” của hàng trăm ha đất rừng Trước năm 2008, dư luận ở xã Hành Dũng xôn xao về việc một bộ phận cán bộ, công chức, cá nhân trong và ngoài xã có biểu hiện thu gom đất rừng, trong khi dân địa phương thiếu đất sản xuất. Vụ việc sau đó được Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành chỉ đạo thanh tra, kết luận xử lý. Tưởng rằng với động thái tích cực đó thì dân địa phương sẽ có đất canh tác, nào ngờ... |
Khi đất rừng bị tuồn ra ngoài
Khoảng đầu năm 2000, cây keo lai bắt đầu lên ngôi, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người dân. Vì thế mà nhiều người có điều kiện đổ lên các xã vùng cao ở các huyện trung du và miền núi trong tỉnh tìm đất rừng để trồng cây. Xã Hành Dũng cũng là tâm điểm của không ít người. Từ đây, hàng trăm ha đất rừng lẽ ra phải cấp cho dân địa phương trồng cây để có điều kiện phát triển kinh tế. Nhưng không, nó được chắp cánh "đi ra ngoài" bằng nhiều con đường mà ở đó không thể không có sự tiếp tay của cán bộ địa phương và sự buông lỏng công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chuyên môn cấp huyện lúc bấy giờ, bằng việc tham mưu ban hành một số văn bản không đúng quy định.
UBND xã Hành Dũng cho Công ty TNHH Mỹ Yên thuê khu rừng 2,2 ha làm vườn ươm sai nguyên tắc chưa được thu hồi. Ảnh: Phú ĐỨC |
Toàn xã có khoảng 1.508 ha rừng, nếu bình quân chia đều thì mỗi hộ có khoảng 0,85ha. Thực tế thì dân địa phương có đất, trực tiếp trồng rừng và hưởng lợi từ rừng không nhiều. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì đất rừng thuộc dự án của Công ty TNHH Mỹ Yên chiếm đến 868,87ha. Trong đó, có 191,7 ha được UBND tỉnh cho thuê, 29,6 ha UBND huyện Nghĩa Hành cấp cho bà Mỹ (người nhà của công ty), diện tích còn lại được huyện cấp cho một số hộ dân trong và ngoài xã nhưng trực tiếp trồng lại là Công ty TNHH Mỹ Yên. Ngoài ra, huyện còn cấp cho ông Nguyễn Duy Việt 3,5 ha, ông Võ Cao Năm 98 ha (đều ở thành phố Quảng Ngãi). Dân địa phương tự trồng và được cấp QSDĐ là 240 ha.
Trong số 18 hộ được giao đất, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đất thì chỉ có 7 hộ là công dân xã Hành Dũng. Trong số này, không ít người được "ban phát" hàng chục ha mà sau này làm việc với cơ quan chức năng đã khai báo không có nhu cầu, không biết rừng và không trực tiếp tham gia trồng rừng.
Như hộ ông Hồ Sùng 30,4 ha, Nguyễn Bường 30,2 ha (cả hai đều vượt hạn mức từ 0,2- 0,4 ha); Trần Văn Huấn 20 ha, Lê Mộng Sơn 20,6 ha, Hồ Chí Cường 25,6 ha, Chế Thanh 20,6 ha và Huỳnh Văn Muốn 22,64 ha, đều ở Hành Dũng. Hay như 5 hộ không phải là dân địa phương nhưng có tổng cộng 20,7 ha rừng, gồm Trương Thị Xanh (Hành Nhân), Trần Sửu (Hành Đức), Nguyễn Thị Tuý, Phan Thị Ánh Lệ (thị trấn Chợ Chùa) và Nguyễn Phường (Hành Phước). Những hộ này chưa bao giờ đặt chân đến vị trí đất của mình và cũng không trực tiếp trồng rừng. Ngoài ra còn có 6 hộ ngoài địa phương có đất rừng và trực tiếp sản xuất trên 56 ha, trong đó nhiều nhất là bà Ngô Ngọc Mỹ (TP Quảng Ngãi) 29,6 ha, ông Bùi Trọng Hà (Hành Đức) 15,35 ha...
Một điều không bình thường là, một số cá nhân không ký vào đơn xin cấp đất và ký vào biên bản giao đất thực địa... mà UBND xã Hành Dũng, bộ phận chuyên môn của huyện Nghĩa Hành lúc bấy giờ vẫn tham mưu để lãnh đạo UBND huyện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Theo lãnh đạo xã cho biết, sở dĩ có nhiều đối tượng ngoài xã, ngoài huyện được xét cấp đất trong thời điểm này là do UBND huyện Nghĩa Hành cho phép (CV số 145/2001). Tuy nhiên, công văn này ban hành trái với Nghị định số 163/1999 của Chính phủ và Thông tư số 62/2000 của Bộ NN&PTNT và Tổng Cục địa chính.
Xử lý "trên giấy"
Theo Kết luận thanh tra số 214 ngày 28/5/2009 của Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành thì có 249,15 ha đất rừng ở xã Hành Dũng được giao cho một số cá nhân trong và ngoài huyện không đúng quy trình phải thu hồi, chia lại cho dân địa phương thực sự có nhu cầu. Theo đó, đến ngày 30/6/2009, các đơn vị liên quan phải thực hiện hoàn thành, báo cáo UBND huyện. Tuy nhiên, đến nay đã qua hơn 3 năm mà việc xử lý những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng ở đây vẫn dậm chân tại chỗ.
"Việc tồn tại chưa thực hiện dứt điểm các nội dung Kết luận thanh tra số 214/KLTT-UBND ngày 28/5/2009 của UBND huyện Nghĩa Hành là do không có sự phối hợp và sự thiếu trách nhiệm của UBND xã Hành Dũng, Phòng TN&MT, Thanh tra huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng NN&PTNT. UBND huyện nghiêm khắc phê bình các địa phương, đơn vị nêu trên"- ông Phan Bình - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành kết luận. |
Đầu tháng 3/2012, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành đã chủ trì cuộc họp để xử lý vấn đề trên. Theo đó, UBND xã Hành Dũng và các phòng chức năng của huyện phải tập trung thực hiện xong các phần việc đã giao trong Kết luận số 214. Trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ tổ chức giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp đất rừng ở xã Hành Dũng trong tháng 4/2012. Nhưng rồi việc xử lý vẫn không tiến triển. Nguyên nhân do vụ việc phức tạp cả về tính chất, đối tượng, địa hình và sự vào cuộc thiếu tích cực của bộ phận tham mưu. Điều này thể hiện ở chỗ, đầu tháng 5/2012, UBND huyện tiếp tục ban hành Quyết định số 10 về việc thành lập Tổ công tác giải quyết những vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất, đất lâm nghiệp kéo dài trên địa bàn huyện, trong đó có địa bàn xã Hành Dũng. Nhưng đến đầu tháng 6, Tổ này mới họp phân công kế hoạch cụ thể và hiện nay mới hoàn thành bước đầu.
Ngày 23/10/2012, làm việc với chúng tôi, lãnh đạo xã Hành Dũng đã chia sẻ những khó khăn và sự lúng túng trong việc thực hiện kết luận nêu trên. "Vụ việc xảy ra ở nhiệm kỳ trước. Chúng tôi là những người đi sau nên cũng muốn xử lý cho xong để tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Nhưng khi bắt tay vào làm thì lúng túng “như gà mắc tóc”, vì vụ việc quá phức tạp, nhiều vấn đề vượt tầm xử lý của xã" - một đồng chí lãnh đạo xã ray rứt.
Lợi dụng việc chậm xử lý này, một bộ phận người dân đã và đang tổ chức lấn chiếm, tranh chấp, chuyển nhượng trái phép, làm cho vụ việc vốn đã khó xử lý nay càng thêm phức tạp. Năm 2011, xã tiếp nhận hơn 40 đơn khiếu nại, tố cáo, chủ yếu là tranh chấp đất rừng và rừng trồng. Đến nay còn tồn tại 24 đơn chưa giải quyết xong. "Hiện có khoảng 200 hộ dân trong xã lấn chiếm đất rừng, chủ yếu là đất rừng thuộc dự án của Công ty TNHH Mỹ Yên, đất rừng 388, đất rừng ông Võ Cao Năm, đất rừng của một số hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Sau khi lấn chiếm, các hộ dân đã trồng cây từ 1-4 năm tuổi. UBND xã mời đến xử lý nhưng họ không đến"- ông Trịnh Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Hành Dũng, lo lắng.
(Còn nữa)
Nhóm PV