Nghĩa Hành nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

07:11, 09/11/2012
.

(QNg)- Nghĩa Hành là một trong những địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Những năm gần đây, Nghĩa Hành đã nỗ lực khắc phục tình trạng này.

Theo số liệu tổng hợp từ Ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình các xã, thị trấn, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện trong các năm qua ở mức cao.

Có thể nói, nguyên nhân cơ bản của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Nghĩa Hành vẫn là do nhận thức chưa đúng đắn về bình đẳng giới. Một bộ phận người dân vẫn còn coi trọng nam hơn nữ; xem con trai mới được nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ… Do đó, họ tìm đủ cách để có thể sinh con trai, chủ yếu là tiếp cận các dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính khi mang thai để có thể loại bỏ nếu thai nhi là con gái.

Trước thực trạng trên, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường và đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là truyền thông để nâng cao nhận thức trong nhân dân.
 Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban quản lý đề án cấp huyện, hướng dẫn thành lập Ban quản lý đề án xã; tập huấn nội dung đề án; rà soát, thống kê số trẻ em sinh ra hàng năm phân theo giới tính của từng địa bàn xã, thị trấn; xây dựng câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; viết bài và phát sóng trên hệ thống đài phát thanh huyện và xã; nói chuyện chuyên đề; tổ chức gặp mặt các cháu gái có thành tích học tập tốt…

Ngoài việc triển khai đồng bộ các hoạt động trên, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện xác định công tác truyền thông vận động là biện pháp hữu hiệu, trong đó việc nói chuyện chuyên đề ở các nhóm đối tượng là vấn đề hàng đầu. Đến nay Trung tâm đã chỉ đạo xây dựng 12 câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với hơn 480 thành viên là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham dự.

Từ nguồn kinh phí huyện hỗ trợ, ngành dân số huyện đã xây dựng 25 khu dân cư đăng ký không có người sinh con thứ ba trở lên với 560 thành viên tham gia. Hằng quý, thông qua các mô hình này, việc tổ chức nói chuyện chuyên đề được các xã, thị trấn duy trì thường xuyên bằng các hình thức trực tiếp với các nhóm đối tượng hoặc lồng ghép vào các buổi học tập bảo vệ an ninh Tổ quốc, sinh hoạt của các hội đoàn thể. Kết quả 3 năm qua đã tổ chức 482 buổi, với hơn 50.000 lượt người tham dự.  

Với mô hình triển khai bước đầu nâng cao được nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, hội đoàn thể trong việc vận động thực hiện chính sách pháp luật về giới và giới tính khi sinh. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin về giới tính và mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân trên địa bàn huyện, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Điều này đã tạo điều kiện để mọi người hiểu biết và có hành vi đúng đắn trong việc thực hiện chính sách dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, Nghĩa Hành cần duy trì nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các mô hình nêu trên. Đồng thời, Nghĩa Hành cũng cần có những giải pháp như ưu tiên vay vốn sản xuất kinh doanh cho cặp vợ chồng có con một bề là nữ thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, miễn giảm học phí cho các cháu gái là con một bề có thành tích học tập tốt... Ngoài ra, việc cung cấp các tài liệu, sản phẩm truyền thông liên quan đến mô hình; tập huấn cho cơ sở về nội dung, phương thức tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ, khu dân cư thuộc phạm vi mô hình... sẽ tác động tích cực đến việc khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Trang Tuyết
 


.