Dương “hiệp sỹ” ở Phổ Quang

08:11, 21/11/2012
.

(QNĐT)- Không chỉ nổi tiếng “sát cá”, ngư dân Nguyễn Dương còn dũng cảm đối mặt với sóng to gió lớn để cứu nhiều ngư dân bị nạn trên biển.

  *  “Thợ săn” cá

Sau 5 ngày đánh bắt vào cuối tháng 10 vừa qua, tàu cá QNg – 48641 TS của ngư dân Nguyễn Dương ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ thu được gần 5 tấn cá thu và cá ngừ với khoản lãi trên 120 triệu đồng. Trong tháng 5/2012, tàu của anh cũng đã thu được từ 5 – 7 tấn cá ngừ và cá nục sau mỗi đêm đánh bắt. Nhiều ngư dân thán phục, gọi anh là “thợ săn” vì luôn trúng những mẻ cá lớn.

 

“Hiệp sỹ” Nguyễn Dương với hai chiếc tàu cá đã cùng anh đối mặt với cuồng phong
“Hiệp sỹ” Nguyễn Dương với hai chiếc tàu cá đã cùng anh đối mặt với cuồng phong


“Anh Dương có biệt tài lùng tìm những đàn cá nên luôn trúng đậm. Nhiều chủ tàu khác cứ than lỗ vốn, nhưng đi với ảnh thì mỗi năm bạn chài như tôi được chia từ 40 – 60 triệu đồng” – một ngư dân cho biết.

16 tuổi, anh Dương rời ghế nhà trường thay cha điều khiển tàu cá với công suất 33 CV để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cứ đến tháng 4 – 5 âm lịch, anh cùng bạn chài dong thuyền ra buông lưới trên vùng biển Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Những tháng còn lại trong năm, các anh đánh bắt ở vùng biển Tịnh Kỳ, Sa Cần, Mỹ Á và Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).

Trên tàu của anh luôn có 3 giàn lưới: vây rút, lưới kéo và trũ ruốc để đánh bắt khi gặp các loại hải sản trên biển. Sau nhiều năm vật lộn với sóng biển, anh cùng với hai người em trai hiện đang sở hữu 4 chiếc tàu cá công suất từ 39 – 500 CV, trị giá hơn 4 tỷ đồng. Biển cả cũng đã “ban tặng” cho các anh những căn nhà cao tầng cùng với trang thiết bị đắt tiền, các con được cắp sách đến trường. Anh còn cho nhiều ngư dân mượn vốn để sắm ngư cụ vươn khơi.   

*“Hiệp sỹ” trên biển

Thông tin thời tiết và kinh nghiệm tích lũy đã giúp anh Dương vượt qua những trận cuồng phong trên biển. “Trời nhuộm đỏ là ngày mai có gió lớn, chớp nháy sát mặt nước ở gần đảo Lý Sơn là sắp có bão vào vùng biển Quảng Ngãi. Gặp sóng quá lớn, tôi cùng bạn chài ném những dàn lưới xuống biển để giảm áp lực đánh vào thân tàu. Khi vào cửa biển Mỹ Á gặp sóng lớn, tôi buộc 2 tảng đá cỡ vòng tay người ôm rồi thả xuống nước phía trước và sau thân tàu để giữ thăng bằng…” – anh nói.


Tuy vậy, anh cũng từng suýt chết khi chạy vào cửa biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) tránh bão số 5 năm 2007. Đi cùng với anh có tàu cá của ngư dân Huỳnh Sỹ bị sóng bổ nhào làm 2 ngư dân rơi xuống biển. Anh cũng chịu chung số phận khi vừa giao vôlăng cho người cháu để lên phía trước tìm cách cứu vớt. Anh cố vẫy vùng trong tuyệt vọng khi người bạn chài bị sóng lớn cuốn ra khơi xa. Anh lặn sâu xuống đáy để tránh sóng rồi lặn vào bờ, ngã vật trong vòng tay đẫm lệ của người vợ thuê xe ôm vượt hơn 30km vào tìm chồng.

Thấu hiểu nỗi đau của người thân khi ngư phủ bị “thủy thần” cướp đi mạng sống nên anh đã nhiều lần bất chấp hiểm nguy vượt qua sóng gió để cứu ngư dân bị nạn. Bất kể đêm ngày, cứ nghe tín hiệu cấp cứu là anh vội chạy đến cứu nạn dù ngư dân đi bạn trên tàu ngăn cản.

Vào cuối năm 2011, khi ra cửa biển Mỹ Á, chiếc tàu cá QNg - 48909 TS của ngư dân Hành Văn Hóa đã bị sóng nhấn chìm. Ngư dân Trần Cu Ly đưa tàu đến lai dắt thì bị sóng lớn bủa ngang, tàu lắc mạnh làm 1 ngư dân rơi xuống biển.

Nghe tin, anh vội đến hiện trường và lao ngay xuống nước mặc cho sóng gầm thét dữ dội khiến nhiều người lo lắng anh sẽ bị đập vào kè đá hay cuốn ra khơi xa. Tuy không cứu được ngư dân bị nạn, nhưng anh và bạn chài đã trục vớt được khối tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, tàu cá của ngư dân Nguyễn Ngàn ở thôn Hải Tân bị mắc cạn và sóng lớn sắp nhấn chìm khi vào cửa biển Mỹ Á. Nhận được tín hiệu cấp cứu giữa đêm khuya trên biển, anh Dương vội đánh thức các thuyền viên rồi mở ga hết tốc lực lao đến chiếc tàu bị nạn.

“Sóng bổ mạnh như muốn nuốt chửng hai con tàu với gần 20 ngư dân giữa đêm đen. Tôi phải vật lộn với sóng dữ để điều khiển tàu cá tiến đến gần rồi ra hiệu cho bạn chài ném dây thừng sang lôi tàu bị mắc cạn vào bến” – anh nhớ lại.

“Do phải luôn gắng sức chịu lạnh để bơi lặn cứu vớt ngư dân và ngư cụ bị sóng nhấn chìm nên giờ tai trái của nó (anh Dương) bị điếc đặc. Nhưng cứ hễ nghe ngư dân gặp nạn là nó lại lao đến cứu dù phải bỏ cả chuyến biển và thiệt hại phí tổn” – ngư dân Nguyễn Xếch, Trưởng Vạn chài thôn Hải Tân, cho biết.

33 năm bám biển, bám tàu với hàng chục lần anh phải đối mặt sóng to gió lớn để cứu vớt ngư dân bị nạn. Phần thưởng đối với anh là giành lại sự sống của ngư phủ từ tay thủy thần, những ly rượu cảm tạ cùng với nhiều bằng khen và giấy khen từ các cấp, ngành chức năng trao tặng. Nhiều người gọi đùa anh là Dương “Inốc” vì có thể bơi lặn dưới làn nước lạnh thấu xương trong nhiều giờ liền.

“Da thịt cứ tím tái đấy chứ, nhưng phải ráng sức chứ biết làm sao được! Chỉ cần chậm một vài giây thì biển cả có thể cướp đi mạng sống của bạn chài, nhấn chìm tài sản cả đời họ dành dụm” – anh bộc bạch.

Sóng ầm ào vỗ vào bờ, anh dõi mắt ra khơi xa rồi nhìn về phía những tảng đá thoắt ẩn hiện ngay cửa biển Mỹ Á như những hung thần muốn nuốt chửng con tàu nào dám vượt qua nó. Một mùa biển động lại đến với bao hiểm nguy vây quanh ngư dân và những con tàu mỏng manh trên sóng nước.  
 


Trang Thy

 


.