(QNg)- Bệnh mới không phát sinh, bệnh cũ không tái phát trong nhiều tháng qua đã đưa thôn Làng Rêu, xã Ba Điền (Ba Tơ) trở lại nhịp sống bình yên. Đàn ông lên rừng, đàn bà ra ruộng, trẻ con tới trường, mỗi người một việc. Cuộc sống của ngay cả những gia đình có người thân đã về với "Giàng" vì bệnh viêm da dày sừng bàn tay bàn chân, giờ đây cũng đang đổi thay...
"Chuyện mới" ở Làng Rêu!
87km nhưng phải mất hơn 3 giờ đồng hồ chạy xe máy chúng tôi mới đến được Làng Rêu xã Ba Điền (Ba Tơ). Khổ nhất là đoạn đường "đá cuội" từ ngã ba Suối Loa lên trung tâm xã chỉ 17 km, nhưng cũng "ngốn" hết cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi cùng cán bộ xã đi thăm thôn Làng Rêu, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Khoa bảo rằng: "Phải tranh thủ, chứ không thì cơm nước xong, bà con lại ra ruộng, lên rừng hết đấy!".
Người dân Làng Rêu đã biết phơi khô lúa trước khi cất “để dành”. |
Buổi trưa Làng Rêu thật yên tĩnh. Trước ngôi nhà tường nhỏ trên lưng chừng đồi, anh Phạm Văn Oan đang hì hục đục đẽo cây gỗ làm dụng cụ bừa ruộng. Anh Oan bảo: "Làng mình giờ đang rủ nhau be bờ, thả nước, bừa ruộng ủ đất chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa đông xuân. Làm đất càng kỹ, lúa càng chắc hạt, năng suất cao". Bà Phạm Thị Thái nhà cạnh đấy cũng đang tranh thủ nhổ cỏ cho mấy bụi măng Bát Độ. Những búp măng no tròn nhú lên khỏi mặt đất như sức sống của Làng Rêu trỗi dậy sau bao tháng ngày u uất vì dịch bệnh. Bà Thái bảo: "Một gốc cho 4 đến 5 búp măng, bán cũng kiếm được mấy chục nghìn đồng đấy. Hết bệnh rồi, phải chăm chỉ làm ăn, lo cho cuộc sống thôi".
Nơi con suối đầu làng, chị Phạm Thị Đu đang phơi những mẻ lúa mới vừa thu hoạch. Chuyện người H'rê Làng Rêu biết phơi lúa rồi mới đổ vào chòi dự trữ là "chuyện mới". Sở dĩ người dân ở đây biết làm như thế là nhờ bộ đội và cán bộ về tuyên truyền, hướng dẫn. Với chị Đu, sau hàng chục năm chị về làm dâu ở Làng Rêu này hôm nay chị mới phơi mẻ lúa đầu tiên. Chị Đu bảo: "Cán bộ khuyên bà con mình phải phơi lúa, để tránh lúa bị mốc, làm cho hạt gạo bị mốc theo. Gạo mà bị mốc ăn vào không tốt cho sức khỏe". Những hạt lúa no tròn, vàng ruộm phơi mình dưới nắng thu khiếu cho bất kỳ ai qua đây cũng phải thốt lên rằng người dân Làng Rêu đã và đang thay đổi nhận thức, xây dựng cuộc sống mới nơi thung lũng xa xôi này.
"Đứng dậy" sau "bão"
Chúng tôi ghé nhà anh Phạm Văn Tun - nông dân tiêu biểu của thôn Làng Rêu khi anh đang trèo bẻ những buồng cau để bán. Dưới những gốc cau là vô số rau xanh, bầu, dây bí trĩu quả. Anh Tun vui vẻ khoe với chúng tôi: "Trồng thêm rau xanh cải thiện bữa ăn của gia đình. Dân làng mình bây giờ nhà nào cũng biết trồng rau sạch, cây ăn trái, măng Bát Độ; biết dùng nước sạch đun sôi, ăn uống vệ sinh, thăm khám sức khoẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế".
Trụ sở UBND xã, rất đông đồng bào H'rê của xã đang chờ đợi để nhận giống măng Bát Độ về trồng. Mỗi nhân khẩu được cấp 4 cây giống. Ông Phạm Văn Úp, ở thôn Làng Rêu bỏ 20 cây giống vừa được cấp vào gùi, hồ hởi bảo rằng: "Mình sẽ về trồng mấy gốc măng tre này ngay trong chiều nay. Cha con mình đã đào lỗ từ hôm qua rồi!". Ông Úp còn khoe: Cách đây 2 hôm, gia đình ông cũng được cấp mấy trăm cây keo giống để trồng. Tháng nào các thành viên trong gia đình ông cũng đều được thăm khám bệnh, nhận thuốc bổ về uống. Mấy đứa cháu của ông Úp đi học được tặng cặp sách, vở viết đầy đủ; kể cả muối, nước mắm cũng đều được chính quyền quan tâm hỗ trợ. "Khỏi bệnh rồi, mình lại trồng keo, nuôi trâu ổn định cuộc sống. Lúa mới thu hoạch, phơi khô để dành. Nhà mình giờ vẫn còn được nhận gạo hỗ trợ mỗi khẩu 15kg/tháng" - ông Úp nói.
Trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền Nguyễn Anh Khoa cho biết: "Xã vừa được đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh. Những công trình ấy thực sự là "sức bật" giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã đổi mới, đi lên". Đó là công trình Trạm y tế xã, đường giao thông. Đặc biệt là dự án nước sạch cho người dân Làng Rêu với tổng kinh phí 4 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn được một doanh nghiệp ở Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng 1 sân bóng đá và 1 sân bóng chuyền để thanh niên trong làng có chỗ tập luyện thể thao sau những giờ lên rừng, ra rẫy, góp phần rèn luyện thể lực.
Người dân Làng Rêu chăm sóc măng Bát Độ. |
Ở Làng Rêu bây giờ đang là mùa thu hoạch mì. Nhà nào cũng có mì bán, chỉ đôi ba tấn, cũng thu được mấy triệu đồng làm của "để dành". Ông Phạm Văn Tiến - Chủ tịch UBMTTQVN xã dù còn chút buồn bã vì người con gái không qua khỏi căn bệnh, nhưng ông đã trở lại với "công việc của làng" chuẩn bị kế hoạch tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư". "Sẽ không rộn ràng tiếng cồng chiêng, nhưng vẫn đủ cả phần lễ và phần hội. Xen vào đó là tuyên truyền phòng bệnh cho người và gia súc" - Ông Tiến bảo.
Chiều muộn, chúng tôi rời Làng Rêu. Khói bếp bắt đầu bay lên từ những mái nhà sàn. Tiếng trống tan trường vang vang. Tiếng loa phát thanh truyền đi những thông điệp nhắc nhở người dân trong làng bảo vệ sức khỏe; tập trung ổn định cuộc sống. Tin cuối ngày mà chúng tôi nghe được từ hệ thống loa phát của xã trước khi rời ngôi làng này là "Đúng 7 giờ sáng mai, bà con thôn Làng Rêu tập trung về trụ sở UBND xã để nghe cán bộ y tế tư vấn giữ gìn sức khỏe trong mùa đông năm nay...".
Ghi chép của Thanh Nhị