(QNg)- Hơn 8 năm qua, gần 50 hộ dân ở tổ 17 phường Trần Phú (TP Quảng Ngãi) luôn phải đối diện với hiểm nguy rình rập khi ngôi nhà mà họ đang sống đã xuống cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, họ không thể sửa chữa hay cơi nới, làm mới, nguyên nhân là các hộ này thuộc diện quy hoạch của một dự án... rùa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
DÂN KÊU KHỔ
Chỉ lên tường của căn nhà cấp bốn đã loang lổ những vết nứt được trám lại bằng xi măng, anh Bùi Phụ Thành (39 tuổi) bảo rằng, căn nhà được xây dựng đã lâu, gặp cơn bão năm 2009 bị tốc mái, tường nứt muốn sụp đổ. Sau bão, gia đình sửa chữa lại để ở nhưng cơ quan chức năng của phường không cho, vì đất nằm trong quy hoạch. Không được tu sửa, cơi nới nên nhà có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Do vậy, bốn người trong gia đình anh Thành phải khuân vác đồ đạc sang ở nhờ nhà mẹ ngay bên cạnh từ đó đến nay. Căn nhà của mẹ anh, bà Lê Thị Phước cũng chẳng khá hơn. Nhà làm từ năm 1980, nền nhà lồi lõm, ẩm thấp, móng, tường và những cánh cửa bị mối mọt đục lỗ chỗ. Nhà chật hẹp, lại đông người nên bừa bộn, khi đi ngủ anh chị phải trải chiếu xuống dưới đất, dành giường cho các con ngủ. "Không biết mùa mưa năm nay có chống chọi được không"- anh Thành lo lắng.
Nhà ông Bùi Phụ Thanh bị bão số 9 năm 2009 làm tốc mái, nứt tường nhưng chỉ dám trám xi măng tạm bợ để ở. |
Cạnh đó, nhà ông Bùi Phụ Ới (75 tuổi) cũng chẳng khá hơn. Các vách nhà nứt toác. Ông Ới bức xúc bảo: "Bên cạnh những căn nhà xuống cấp là nỗi ám ảnh về ngập úng khi mưa xuống. Mới trận mưa vừa rồi do ảnh hưởng bão số 7, nước lênh láng ngập lên đến đầu gối, có nơi ngang bụng, ngâm mấy ngày thối đất luôn. Trẻ em lội nước bì bõm đi học, muỗi nhiều vô kể, nguy cơ xảy ra sốt xuất huyết, sốt rét là rất cao".
Nguyên nhân của tình trạng ngập úng diễn ra 8 năm nay, theo các hộ dân là do năm 2004, tỉnh có quy hoạch chung xây dựng các phân khu đô thị thuộc khu đê bao dọc sông Trà Khúc, trong đó có 3ha đất thuộc tổ 17, phường Trần Phú. Nhưng từ đó đến nay, mặt bằng dự án vẫn là những nhà cấp bốn ẩm thấp, số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi bỏ hoang cây dại mọc um tùm. Khi quy hoạch, đường sá, nền nhà không được nâng cao, trong khi các tuyến đường An Dương Vương, Trần Cao Vân, Trần Quốc Toản và đường bờ kè sông Trà Khúc được làm vây quanh, nền đường cao hơn nhà dân cả mét, đẩy nhà dân xuống thấp, nước từ bốn phía đổ về không có đường thoát nên ứ đọng kéo dài.
CÓ THỂ SỬA CHỮA
Ông Nguyễn Hữu Vị- Chủ tịch UBND phường Trần Phú, cho hay: UBND thành phố đã giao Trung tâm Phát triển và Khai thác quỹ đất phối hợp với chủ đầu tư kiểm kê, đo đạc, lập phương án đền bù. Tuy nhiên, đến nay các khâu này vẫn chưa hoàn thiện mà nguyên nhân là do thiếu vốn. Theo ông Vị, phường đã có thông báo đến chủ đầu tư, và nhận được câu trả lời là vẫn đang tiến hành. Nhưng không biết họ làm đến đâu vì nghe bảo đang thiếu vốn. "Riêng người dân có thể sửa chữa nhà đã xuống cấp, với điều kiện là phải xin giấy phép của phường, kê chi tiết công việc cần sửa chữa để phường cho phép"- ông Vị khẳng định.
Ông Trần Đoàn Thịnh- Phó TGĐ Công ty CP ĐTTM-DV dầu khí Bình Sơn, cho biết: Tháng 2/2010, tổ 17 được giao cho Công ty làm chủ đầu tư lập dự án xây dựng khu dân cư với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại bố trí kết hợp các phân khu chức năng: Nhà ở (125 căn), biệt thự (26 căn), nhà liên kế (99 căn) với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng. Theo tiến độ đề ra, từ 2011-2012 là giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu liên kế; từ 2013-2016 sẽ xây dựng những hạng mục còn lại. Hiện đơn vị vẫn đảm bảo vốn để thi công. Tuy nhiên, dự án đang thẩm định lại, chờ thông qua ý kiến các cổ đông mới tiếp tục triển khai?!
Thế nhưng, đã gần hết năm 2012, mà dự án vẫn còn ngổn ngang, nên chắc chắn nỗi khổ của người dân sẽ còn kéo dài rất lâu!
Bài, ảnh: N.TRIỀU - L.ĐỨC