(QNĐT)- Hơn 2 tháng trôi qua kể từ khi ổ dịch cúm gia cầm H5N1 đầu tiên xuất hiện ở Quảng Ngãi, đến nay, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà diễn biến phức tạp. Dịch cúm gia cầm không chỉ dừng lại ở các huyện đồng bằng mà còn lây lan lên các huyện miền núi.
Mới đây vào ngày 10/10 tại hộ ông Võ Tấn Hồng và ông Âu Đại Hà, ở thôn Làng Mung, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1. Lực lượng thú y và chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy 850 con gia cầm mắc bệnh. Tại huyện miền núi Trà Bồng, dịch cúm gia cầm cũng đã xuất hiện tại đàn vịt 450 con của ông Nguyễn Văn Hải, ở thôn Bình Thanh, xã Trà Bình.
Tình trạng mua bán gia cầm sống tại các chợ vẫn còn phổ biến. |
Như vậy, tính từ trung tuần tháng 8 đến nay, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở 87 hộ dân với 125.700 con gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy. Hiện có 6 huyện là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Hà và Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi có dịch cúm gia cầm H5N1 chưa qua 21 ngày.
Tại huyện Sơn Tịnh, hiện số gia cầm mắc bệnh đã lên đến trên 20.000 con. Sau khi dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn huyện, huyện Sơn Tịnh đã tiến hành khoanh vùng; đồng thời tiêu hủy số gia cầm bị bệnh. Tổ chức triển khai tiêm 200.000 liều vacxin bao vây chống dịch, sử dụng 500 kg vôi bột, 150 lít thuốc khử trùng, tiêu độc phun xung quanh các khu vực hố chôn, hộ dân có gia cầm mắc bệnh, một số trục đường nơi xảy ra ổ dịch… Hiện nay huyện cũng đã kịp thời phân bổ 660 lít thuốc sát trùng cho 21 xã thị trấn để triển khai phun thuốc tiêu độc khử trùng trong toàn huyện.
Còn tại huyện Bình Sơn, ông Nguyễn Quang Trung- Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Sau hơn 1 tháng xảy ra dịch cúm gia cầm tại 2 xã Bình Thanh Đông và Bình Thới, huyện đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Đối với những nơi có dịch, lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt, tiến hành tiêu hủy, phun thuốc tiêu độc, khử trùng.
Không những mua bán, mà giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có dịch. |
Bên cạnh đó, huyện cũng đã thành lập đội cơ động cùng các ngành liên quan, kiểm tra các chợ đầu mối hạn chế tình trạng mua bán gia cầm; đồng thời thành lập 2 tổ chốt chặn tại xã Bình Hiệp và Dốc Sỏi không cho gia cầm lưu thông vào huyện. Đặc biệt với số lượng vắcxin cúm gia cầm do tỉnh hỗ trợ, huyện cũng đã phân bổ kịp thời cho các xã để tiêm phòng bao vây nhằm hạn chế xảy ra dịch.
Để chủ động phòng chống dịch, Trung ương đã hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi 1 triệu liều vắcxin. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ứng ngân sách mua 400 ngàn liều vắc phân bổ cho các địa phương tiêm phòng bao vây khống chế các ổ dịch. Tuy nhiên, việc tiêm phòng vắcxin chỉ triển khai ở các huyện đồng bằng trong khi đó dịch cúm gia cầm lại lây lan và bùng phát ở các huyện miền núi. Đây chính là khó khăn và trở ngại trong công tác phòng chống dịch hiện nay ở tỉnh Quảng Ngãi.
Mới đây, Trung ương tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi 15.000 lít hóa chất Benkocid từ nguồn dự trữ quốc gia để kịp thời phòng chống dịch. Tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ cho các địa phương 5.000 lít hóa chất Benkocid và 2.500 lít hóa chất Iodine và đang triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, lực lượng thú y tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 24. Mặc dù vậy nhiều người dân vẫn lén lút vận chuyển, mua bán và giết mổ gia cầm tại ngay cả nơi đã xảy ra dịch cúm. Các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm.
Xuân Từ