Người cao tuổi giữ "lửa" nghề truyền thống

10:10, 10/10/2012
.

(QNg)- Dẫu biết rằng nghề truyền thống đang "sống" vất vưởng những người thợ già cuối cùng vẫn gắng bám trụ để "giữ" nghề với niềm tin về một lớp truyền nhân kế cận…
 

TIN LIÊN QUAN


Gắn bó với nghề từ thuở thiếu thời nên giờ đây, có người đã bước qua cái tuổi 95, nhưng chẳng thể nào dứt được vì trót nên duyên với nghề. Dù đã sang tuổi "bóng chiều", họ vẫn miệt mài và chăm chỉ, cốt cho ra đời những sản phẩm đẹp nhất, ưng ý nhất để làm quà cho con cháu mai sau. Họ muốn lớp trẻ biết rằng: Nghề này đã từng làm rạng danh quê hương, đất nước.

Kiêu hãnh nghề đúc đồng

Làng Đúc xưa kia (nay là thôn Chú Tượng, nghĩa là thợ đúc - PV), ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc bởi những sản phẩm đồng mỹ nghệ độc đáo. Chẳng thế mà ngày ấy, nhà nhà, người người đều học nghề đúc. Kể cả trẻ em chưa "nứt mắt" cũng được cha mẹ cho ra lò đúc để làm quen với "hơi" đồng. Vậy mà giờ đây, cái nghề vang bóng một thời này lại đang dần mai một. Từ một làng có mấy trăm người hành nghề đúc, giờ chỉ còn lại 4 người.

 

Cụ ông Đỗ Vinh Hoa đang viết chữ để làm hoành phi, liễng.
Cụ ông Đỗ Vinh Hoa đang viết chữ để làm hoành phi, liễng.

Trong đó, gia đình cụ Đỗ Thị đã đóng góp 3. "Cả cuộc đời gắn bó và chứng kiến sự thăng trầm của nghề đúc đồng, lão không kìm lòng được khi mai này, chẳng còn ai còn nhớ đến cái tên làng Đúc", cụ Đỗ Thị trải lòng. Có lẽ vì vậy mà dù bước qua cái tuổi 70, sức khỏe giảm dần vì những năm tháng ăn ngủ cùng đồng nhưng cụ Thị vẫn miệt mài nấu, đúc. Để rồi từ đó, ngôi nhà của ông trở thành địa chỉ để những người thợ nhớ nghề tìm đến sau những lúc bận mưu sinh.

Thời nghề đúc đồng còn vàng son, ông Thị đã cùng với người dân làng Đúc cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo để đời cho con cháu. Đó là quả Đại hồng chung thứ hai hiện đang lưu giữ tại Tổ đình chùa Thiên Ấn, bức tượng Phật Quan âm, Bồ tát uy nghi hay các loại ấm, chén, thìa, muỗng... Để rồi khi đến tuổi "bóng chiều", chính ông cũng là người giữ "lửa" cho nghề bằng cách động viên các con nối nghiệp. "Nghề này "kén" người lắm. Nếu không có duyên thì dù muốn, cũng chẳng gắn được. May mắn là 2 cậu con trai của lão đều đủ tiêu chuẩn làm "hậu duệ", ông Thị cười hiền cho hay.

Đưa tôi ra thăm lò đúc của gia đình, đúng lúc hai con đang chuẩn bị đúc quả chuông cho một ngôi chùa ở huyện Nghĩa Hành. Nhìn con ráp khuôn, "canh" độ lửa khi nấu và đổ đồng vào khuôn, ông Thị nở nụ cười mãn nguyện. "Đúc chuông là khó nhất mà tụi nó đã làm được, lão yên tâm nhắm mắt rồi", cụ Thị nói mà nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm đen. "Đây là quả chuông đầu tiên do hai anh em tự đúc đấy. Bởi dù đã học nghề ngót 20 năm nhưng tụi mình chỉ làm được những vật dụng đơn giản, còn chuông, trống đồng hay tượng Phật thì phải có cha hướng dẫn", con trai ông Thị tâm sự.

Tự hào hoành phi, liễng

Có lẽ, tên tuổi của ông đã quá quen thuộc với nhiều người, nhất là với những ai yêu chữ, yêu những bức hoành phi hay liễng sang trọng cùng các câu đối "không đụng hàng". Người nói cụ là Ông đồ, người bảo nhà thư pháp, người lại phong nghệ nhân. Nhưng dù được mọi người gọi là gì đi nữa, thì có một điều mà ai cũng phải thừa nhận rằng: Cụ Đỗ Vinh Hoa ở thôn 4, xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) là một trong những người "Văn hay chữ đẹp" vào loại bậc nhất Việt Nam.

96 tuổi nhưng cụ Hoa vẫn còn minh mẫn, đôi mắt tinh anh và trí nhớ cực tốt. Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng lịch làm việc của cụ khiến tôi phải nể phục: Đọc sách, viết chữ, hướng dẫn và đôn đốc thợ chạm, trổ chữ trên gỗ để cho ra đời những bức hoành phi, liễng sao cho đẹp nhất, "để đời" nhất. "Câu chữ trên liễng, hoành phi được viết theo nghệ thuật thư pháp, chủ yếu là chữ Hán, Nôm nên phải đảm bảo hai yếu tố: Đẹp và đúng", cụ Hoa giải thích. Thế nên để hoàn thành một cặp liễng, bức hoành phi vừa ý cụ, có khi phải mất từ 10 ngày đến vài tháng, tùy thuộc vào nội dung, lượng chữ.

 Lý giải điều này, cụ Hoa cười hiền bảo: "Làm hoành phi, liễng chủ yếu để thỏa đam mê với... chữ, chứ nếu vì mục đích thương mại mà phóng bút theo kiểu... tùy hứng sẽ khiến chữ vô thần, thậm chí sai nét. Người biết nhìn vào cười thầy đồ... dỏm". Chính sự nghiêm khắc này mà những bức liễng, hoành phi do cụ chế tác đã vượt qua biển Đông để đến với nhiều nước trên thế giới như Nhật, Đài Loan, Trung Quốc...  Thế nên tuy con cái đã thành đạt, muốn cha "gác bút" nghỉ ngơi nhưng "ngứa nghề", cụ lại hí hoáy... viết!

Vừa đưa tôi đi thăm phòng trưng bày các bức hoành phi, liễng, cụ Hoa vừa giảng giải về số lượng, nội dung câu đối cùng những công đoạn để hoàn tất những sản phẩm "chữ" này. Phòng nhỏ, nhưng bày trí nhiều loại hoành phi, liễng với đủ kích cỡ và màu sắc khác nhau, kiểu cách chạm trổ cũng chẳng giống nhau. "Tùy thuộc vào mục đích, vị trí treo, truyền thống gia đình mà mỗi người được ông "cho" chữ, câu đối riêng. Không ai giống ai", cụ Hoa lý giải. Chỉ tay vào bức hoành phi Chiếu dời đô được treo trang trọng, cụ bảo đó là sản phẩm mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Bên cạnh là cặp liễng hoành tráng mà cụ vừa chế tác cho một chùa ở tận Bắc Ninh. "82 năm làm nghề mà đến cuối đời, ông vẫn chưa tìm được cho mình một truyền nhân. Cũng có người theo học nhưng chẳng ai bám trụ nổi, không hẳn vì chữ xấu mà do thiếu cái tâm. Buồn lắm con à", đang say sưa trò chuyện, bỗng cụ Hoa chùn giọng khi nghĩ đến số phận của nghề... cho chữ. Nhìn ông bần thần, rồi lại lấy bút ra "múa", tôi chợt nhận ra câu đối ông đang viết "Học hải vô nhai/Duy cần thị ngọn" sao mà chất chứa quá nhiều ưu tư.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.