(QNg)- Thành phố Quảng Ngãi đang từng bước hoàn thành một số tiêu chuẩn để đến năm 2015 trở thành đô thị loại II. Tuy nhiên, hiện nay trên các tuyến đường trung tâm thành phố, chợ cóc, chợ tạm hoạt động bất kể giờ giấc, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an ninh trật tự, an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường...
Thực tế ở thành phố Quảng Ngãi hiện nay, chợ cóc, chợ tạm dễ dàng mọc lên trên nhiều tuyến đường: Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thụy, Lê Trung Đình, Nguyễn Nghiêm. Ở đâu có đông dân cư, thì ở đó có chợ cóc, chợ tạm dưới hình thức vài hàng rong, xe đạp thồ bán rau, hoa quả, thực phẩm tươi sống, cá, thịt tụ tập trên vỉa hè, dưới lòng đường, góc phố để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Người dân họp chợ trên đường Trần Hưng Đạo. Ảnh T.L |
Trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, các chợ cóc, chợ tạm lúc đầu chỉ là những gánh hàng rong, vài xe đạp thồ đứng bán trên vỉa hè, dưới lòng đường. Rồi không thấy ai đến xử lý thế là nơi đây các hộ này tự giác che lều bạt để làm nơi buôn bán vào những buổi sáng sớm hàng ngày. Ở một vài khu vực, một số nhà dân còn cho chợ cóc, chợ tạm phát triển trước mặt tiền nhà mình làm chỗ bán hàng. Do không mất tiền thuê, tiền thuế, nên hàng hóa ở chợ cóc, chợ tạm rẻ hơn trong chợ chính. Đây là những điều kiện thuận lợi cho chợ cóc, chợ tạm tồn tại.
Đoạn đường từ ngã tư Trần Hưng Đạo- Phan Đình Phùng đến trước Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh, hàng ngày vào mỗi buổi trưa và tầm 15 đến 17 giờ chiều có ít nhất từ 7 đến 10 xe đạp thồ đứng, ngồi bán hàng rau, cá, thịt, hoa quả. Người bán, người mua cứ thế vô tư mua bán trên vỉa hè, dưới lòng đường. Nếu như người dân có thói quen đến các điểm chợ tập trung để mua sắm thì chợ cóc, chợ tạm đâu thể tồn tại. Từ đó cho thấy ý thức của một bộ phận người dân trong nhận thức về văn minh đô thị còn yếu và đây cũng là một phần nguyên dân dẫn đến chợ cóc, chợ tạm tồn tại trên các tuyến đường của thành phố.
Để giải quyết tình trạng chợ cóc, chợ tạm, UBND thành phố Quảng Ngãi đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND xã, phường tuyên truyền, giải tỏa các tụ điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chống tái họp chợ trở lại. Tuy nhiên, sau mỗi lần giải tỏa, im ắng được vài hôm thì đâu lại vào đấy. Theo quan điểm của người viết, thiết nghĩ nếu chỉ dùng biện pháp hành chính để dẹp chợ cóc, chợ tạm là chưa đủ. Việc làm này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cơ sở đến thành phố, nhất là công tác giáo dục ý thức xây dựng văn minh đô thị cho người dân; đồng thời tịch thu và xử lý nghiêm đối với các trường hợp buôn bán hàng rong và người mua hàng rong trên vỉa hè, dưới lòng đường.
Thành phố phố Quảng Ngãi đến năm 2015 sẽ trở thành đô thị loại II, là trung tâm kinh tế chính trị - văn hóa của tỉnh. Vì vậy ngay từ bây giờ, mỗi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và trong mỗi người dân thành phố phải nhận thức đầy đủ, thực hiện đúng nếp sống văn minh đô thị, góp phần vào việc xây dựng thành phố Quảng Ngãi văn minh hiện đại.
Văn Đạo