Nỗi đau da cam

02:08, 11/08/2012
.

(QNĐT)- 51 năm qua kể từ ngày 10/8/1961 đến nay, hậu họa chất độc da cam của cuộc chiến phi nghĩa do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam vẫn đeo bám nhiều thế hệ. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn hiện diện qua hàng triệu số phận nạn nhân chất độc da cam.

Qua thống kê, trong thời gian chiến tranh, quân đội Mỹ đã tiến hành rải chất độc dacam/dioxin tại 170 xã với 584 khu vực ở Quảng Ngãi. Quảng Ngãi, hiện có trên 21.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (trực tiếp 11.189 người, gián tiếp 10.492 người, dân thường 8.400 người), có 1.837 cháu thế hệ thứ 3 bị khuyết tật, dị dạng do di chứng chất độc hóa học. Hiện có nhiều nạn nhân là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư.

Chất độc da cam xuyên thế hệ

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Huỳnh Kim Ngọc, ở thôn Phước Thịnh, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức. Anh là một trong những gia đình có người thứ thuộc thế hệ thứ 2 bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Tuy anh không thuộc thế hệ những người trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng trở thành nạn nhân chịu hậu quả nặng nề của chất độc da cam mà Mỹ đã rải xuống Việt Nam. Anh Ngọc cho biết, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1978, để làm trọn nghĩa vụ và trách nhiệm của một thanh niên, anh đã tham gia nghĩa vụ quân sự và công tác ở một đơn vị tại tỉnh Đắc Lắc.

 

Chất độc da cam/dioxin đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình.
Chất độc da cam/dioxin đã di chứng sang thế hệ thứ ba, thứ tư.


Có lẽ trong quá trình tham gia bộ đội, anh thường xuyên ở rừng, ăn uống trong rừng, uống nước suối… đó là nguyên nhân khiến anh bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin chết người này. “Hồi đó có biết chất độc da cam là gì đâu. Ai ngờ, hậu quả của chất độc da cam mà Mỹ rãi xuống thật khủng khiếp”-Anh Ngọc nói.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về địa phương, sau đó lập gia đình. Tưởng rằng, cuộc sống gia đình anh sẽ hạnh phúc như bao gia đình khác, thế nhưng đứa con của anh sinh ra không được bình thường. Bác sĩ bảo cháu bị dị tật bẩm sinh có thể do di chứng của chất độc da cam/dioxin. Giờ cháu Bình (con anh Ngọc) đã sang tuổi 25, thế nhưng cháu như một đứa trẻ. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều do bố mẹ giúp.

Anh Ngọc nói, cháu Bình bị tật bẩm sinh, phải nằm một chỗ, nhưng mỗi khi trái gió trở trời là cháu như bị động kinh, kêu la thảm thiết. Mỗi lần cháu lên cơn là như thế là vợ chồng như thắt cả ruột gan và phải thay nhau bế bồng, xoa bóp cho cháu đỡ bị cơn đau hành hạ.

 

Chị bên đứa con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin của mình.
Chị Đinh Thị Thúy Hường ở thị trấn Ba Tơ bên đứa con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin của mình.


Cũng như anh Ngọc, gia đình anh Đinh Quang Nguyên và chị Đinh Thị Thúy Hường ở thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ cũng là nạn nhân của chất độc da cam thuộc thế hệ thứ ba. Mặc dù vợ chồng anh là thế hệ những người được sinh ra và lớn lên sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nhưng con anh sinh ra vẫn bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Chị Hường cho biết, năm 2002, chị lập gia đình, một năm sau chị hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Thế nhưng, cháu không được bình thường mà bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ. Bác sĩ nói, cháu bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Khi bác sĩ hỏi trong gia đình bố mẹ có tham gia kháng chiến không, lúc đó mới nhớ là bố mẹ chồng đều tham gia cách mạng. Bố tập kết ra Bắc, còn mẹ chồng là thanh niên xung phong chiến trường đường chín Nam Lào. Có lẽ, trong những năm chiến tranh, bố mẹ chồng đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, và hậu quả thế hệ thứ 3 đã bị nhiễm.

Sau khi sinh đứa đầu được vài năm, vợ chồng động viên nhau sinh thêm đứa thứ 2. Vợ chồng rất vui mừng vì sinh ra cháu trông bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, sau một thời gian thì cháu bị bệnh, đi khám bác sĩ bảo cháu bị tim bẩm sinh… Thế là vợ chồng chạy vạy khắp nơi quyết chạy chữa cho con. Cũng may, sau chuyến đi mổ tim ở Huế, giờ cháu đã bình thường.

Đồng hành cùng nạn nhân da cam

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh đã có hơn  21.000 nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó có hơn 1.200 gia đình có 2 đến 3 nạn nhân trở lên và hiện nhiều nạn nhân là thế hệ thứ hai, thứ ba và đã phát hiện xuất hiện ở thế hệ thứ tư. Hiện cuộc sống của những gia đình nạn nhân da cam hết sức khó khăn

Những năm qua, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đã thường xuyên quan tâm đến việc chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin với nhiều hoạt động thiết thực. Tại Quảng Ngãi, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ngãi cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006.  Đến nay hệ thống tổ chức của Hội đã thành lập ở 13/14 huyện, thành phố và 136/184 Hội xã, phường, thị trấn với 8.870 hội viên.

 

Đại diện UBMTTQVN tỉnh và Hội nan nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ngãi trao quà cho các gia đình nạn nhân da cam.
Đại diện UBMTTQVN tỉnh và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ngãi trao quà cho các gia đình nạn nhân da cam.


Ông Phan Thanh Long-Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ngãi cho biết: Những năm qua, Hội luôn được các cấp chính quyền, địa phương và nhiều tổ chức cá nhân quan tâm đặc biệt nhằm tạo điều kiện để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Đến nay, các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ tiền, vật chất trị giá trên 13,3 tỷ đồng giúp nạn nhân da cam trong tỉnh. Từ nguồn vốn trên, đến nay Hội đã làm 342 nhà cho nạn nhân, tặng trên 13.000 suất quà, 215 suất trợ cấp khó khăn, hỗ trợ sản xuất, cấp học bổng, xây dựng 2 Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân ở Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) và thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ), với tổng số tiền trên 12,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số hơn 21.000 nạn nhân da cam của tỉnh Quảng Ngãi thì hiện chỉ có 4.495 đối tượng được giám định, công nhận là nạn nhân chất độc da cam và được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 54/NĐ-CP. Các đối tượng còn lại  vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi nào.

Chăm lo đến nạn nhân chất độc dacam/dioxin không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ. Chính vì vậy, trong thời gian đến, Sở LĐ - TB&XH, cần tiếp tục xem xét giải quyết chế độ cho nạn nhân da cam và các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong tỉnh cần tiếp tục chung tay, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

 

M.Toàn
 

 


.