(QNĐT)- Theo quy định của Bộ Lao động -TB&XH, các trung tâm tham gia hoạt động đào tạo, dạy nghề ngoài việc phải có tư cách pháp nhân, cơ sở vật chất dạy nghề thì một yếu tố không thể thiếu là phải có giáo viên cơ hữu. Thế nhưng... Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng và Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh lại không tuân thủ đúng những quy định này.
* Dạy nghề không đủ chuẩn
Thực tế, cả hai Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng và Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh đều không có giáo viên cơ hữu, nhưng những năm qua 2 đơn vị này đều tham gia mở lớp dạy nghề.
Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng được thành lập và bắt đầu hoạt động đầu năm 2010. Hiện nay có 6 cán bộ viên chức và lao động hợp đồng, nhưng chưa có trụ sở làm việc. Toàn bộ vật tư, tài sản, thiết bị phục vụ dạy nghề khi có mở lớp đều thuê mướn, kể cả phòng học.
Trong 2 năm (2010-2011), Trung tâm được Sở LĐ-TB&XH và UBND huyện Trà Bồng cấp gần 1,3 tỷ đồng để đào tạo nghề cho 622 lao người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn và người nghèo trên địa bàn huyện.
Điều đáng nói là, có 9/12 giáo viên được Trung tâm hợp đồng thực hiện dạy nghề trong 2 năm (2010-2011) đều không đảm bảo trình độ chuẩn của giáo viên dạy nghề. Không những thế, Trung tâm còn hợp đồng với một giáo viên tốt nghiệp Đại học lâm nghiệp để dạy lớp sơ cấp nghề thú y. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo nghề.
Trung tâm Giáo dục - Lao động động xã hội là đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh nhưng cũng không nắm được những văn bản quy định về hoạt động dạy nghề của Bộ LĐ-TB&XH.
Trong 5 năm (2006-2010), Trung tâm đã đào tạo nghề may cho 69 học viên do Trung tâm quản lý. Trung tâm đã hợp đồng với bà Trương Thị Ngộ và ông Nguyễn Thanh Sơn dạy lớp nghề may ngắn hạn cho 26 học viên cũng không đảm bảo trình độ chuẩn của giáo viên dạy nghề được quy định tại điểm a, d khoản 3 Điều 58 Luật Dạy nghề ngày 29/11/2006. Trong 2 năm (2010-2011), đơn vị không mở đầy đủ biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học trong đào tạo nghề theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH nhưng Sở LĐ-TB&XH cũng không có biện pháp xử lý. Ngoài ra, Sở cũng chưa hướng dẫn cả hai Trung tâm thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về các hoạt động của đơn vị theo quy định của UBND tỉnh.
* Sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản
Ngày 29/10/2010, Trung tâm dạy nghề huyện Trà Bồng ký hợp đồng thuê cơ sở vật chất của ông Nguyễn Nhất Sinh để mở lớp đào tạo nghề Nữ công gia chánh cho 70 học viên là lao động nông thôn với số tiền 16.420.000đ (có tiền thuê bảo vệ, vệ sinh 2 lớp học).
Tiếp đó, Trung tâm lại ký hợp đồng với 2 người khác để làm công tác bảo vệ, vệ sinh 02 lớp học với số tiền 2.400.000đ. Hay như lớp kỹ thuật trồng rừng cho 55 học viên ở xã Trà Bùi và Trà Hiệp, Trung tâm ký hợp đồng biên soạn chương trình, giáo trình dạy với ông Nguyễn Thanh Hiên ngày 29/10/2010 với số tiền 4.000.000đ. Nhưng đến ngày 30/10/2010, đơn vị lại ký tiếp với ông Võ Sĩ Phi cùng nội dung trên với số tiền 6.800.000đ.
Còn tại Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội được Sở LĐ-TB&XH phân bổ trên 431 triệu đồng để mua thiết bị phục vụ cho việc dạy nghề nhưng lại thực hiện không đúng quy định, nhiều thiết bị không phát huy được tác dụng. Trong số 15 bộ máy may đưa vào sử dụng năm 2006 thì có 5 bộ không phù hợp với hồ sơ.
Với thiết bị gò hàn được đầu tư từ năm 2009 với số tiền gần 20 triệu nhưng đang cất trong kho, không sử dụng vì không có học viên cũng như giáo viên dạy. Còn 15 bộ thiết bị trang bị phục vụ dạy nghề tin học trị giá trên 84 triệu nhưng Trung tâm đưa vào sử dụng cho bộ máy hành chính, một số cất vào trong kho.
Thực tế đó thể hiện sự lãng phí trong việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và đào tạo với tổng số tiền trên 125 triệu đồng. Trách nhiệm này là do Sở LĐ-TB&XH không làm tốt công tác điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu sử dụng thiết bị của Trung tâm.
Đức Nguyễn