(QNĐT)- Bờ biển, bờ sông xâm thực vào tận nhà dân, các hồ chứa nước đang xuống cấp, hàng trăm hộ dân ở vùng sạt lở… đang thấp thỏm lo âu trước mùa mưa bão năm nay.
*Từ nỗi lo sạt lở
Đã 7 năm trôi qua, 26 hộ dân “sót lại” sau 2 đợt di dời ở cù lao xóm Lân, thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh) vẫn phải chung sống với những hiểm họa sạt lở luôn rình rập. Vào thời điểm mưa lũ, họ luôn phải sống trong cảnh lo lắng, cảnh giác cao độ vì nhà cửa, tài sản của họ có nguy cơ đổ sập cuốn trôi bất cứ lúc nào. Lại một mùa mưa bão nữa sắp đến gần nhưng họ vẫn chưa được tái định cư.
Đã 7 năm trôi qua, 26 hộ dân ở cù lao xóm Lân, thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh) phải sống trong những ngôi nhà đã cũ nát, xập xệ chờ địa phương chuyển về khu tái định cư. |
“Không lo sợ sao được khi chúng tôi đang sống giữa lòng sông mà nhà cửa lại xập xệ, cũ nát. Mỗi mùa mưa bão đi qua bờ sông lại lấn sâu vào đất liền trong khi cả xóm chỉ còn sót lại người già và trẻ con, đám trai trẻ trong làng đã bỏ đi làm ăn xa cả rồi. Chờ mãi chẳng biết bao giờ mới được chuyển về khu tái định cư?”- bà Trần Thị Đủ (78 tuổi) xót xa.
Nỗi lo của người dân ở xóm Lân cũng chính là nỗi lo thường trực của nhiều người dân đang sinh sống ở các vùng ven sông, ven biển khác ở tỉnh ta hiện nay.
Đợt mưa bão cuối năm 2011 vừa qua, triều cường đã đánh sập hoàn toàn 1 ngôi nhà, làm hư hỏng 48 nhà và đe dọa hàng chục ngôi nhà khác ở thôn An Cường, xã Bình Hải ( Bình Sơn) với chiều dài bờ biển bị sạt lở 1.000m và lấn mất 10 hecta đất.
Theo thống kê của Sở TN&MT, hiện nay tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra khá phức tạp, có khoảng 60 điểm có nguy cơ cao, tốc độ sạt lở bình quân từ 5-10m/năm, có những vùng lên đến 20m/năm với chiều dài các đoạn sạt lở là 65,25km bờ sông và 45,3km bờ biển.
Khu vực ảnh hưởng trên lưu vực 4 hệ thống sông lớn của Quảng Ngãi: Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu, Sông Vệ và khu vực ven biển thuộc địa bàn các huyện: Sơn Hà, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, TP. Quảng Ngãi, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và Ba Tơ. Đáng chú ý là hiện tượng sạt lở nghiêm trọng ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) và thôn An Cường, Phước Thiện xã Bình Hải (Bình Sơn)… Những điểm sạt lở này đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân.
Hiện nay tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra khá phức tạp, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân, nhất là các vùng ven sông, ven biển. |
Cùng với sự gia tăng nhanh chóng các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển còn có 75 điểm có nguy cơ sạt lở núi, trong đó có 21 điểm có nguy cơ sạt lở cao, phân bố ở các huyện: Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà, Minh Long, Sơn Hà và Sơn Tây.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 600 công trình thủy lợi, trong đó có 115 hồ chứa nước vừa và nhỏ, 382 đập dâng và 103 trạm bơm nước. Tuy nhiên, có hơn 75% các hồ chứa nước được xây dựng vào những năm 80 trong điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện thi công chưa đầy đủ; công tác quản lý chất lượng, vận hành khai thác công trình thủy lợi còn nhiều bất cập, diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn các công trình thủy lợi bị giảm dần.
Trong khi đó, tình hình mưa lũ diễn biến theo hướng ngày càng phức tạp với tần suất xuất hiện và cường độ ngày càng cao làm cho nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, nhất là những hồ chứa nước vừa và nhỏ.
*Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các khu tái định cư phục vụ di dời hàng nghìn hộ dân trong các vùng có nguy cơ sạt lở ven biển, bờ sông, nứt núi, thực hiện sắp xếp lại dân cư ở những vùng thiếu đất sản xuất và đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập.
Ông Nguyễn Thanh Lạc- Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và PCLB tỉnh cho biết, năm 2011, Quảng Ngãi đã triển khai đầu tư, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai như: hỗ trợ cho 100 hộ dân ở những vùng nguy cơ sạt lở cao đến những nơi ở mới an toàn, ổn định đời sống, sản xuất thuộc 5 huyện: Sơn Hà, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Bình Sơn và Sơn Tịnh.
Khu tái định cư Đồng Lau, xã Ba Lế (Ba Tơ) đang hoàn thiện để tái định cư cho 17 hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao về sạt lở núi, bờ suối; một số các công trình kè chống sạt lở ở các huyện Bình Sơn, TP. Quảng Ngãi, Sơn Tịnh và Trà Bồng.
Sửa chữa nâng cấp 7 hồ chứa nước, xây dựng 2 nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai tại 12 thôn: Phước Lộc, xã Đức Phú (Mộ Đức) và Châu Tử, xã Bình Nguyên (Bình Sơn). Đặc biệt, đầu tư xây dựng kiên cố Trường TH xã Hành Đức (Nghĩa Hành) và xã Đức Chánh (Mộ Đức) để kết hợp làm nơi sơ tán cho nhân dân phòng tránh thiên tai.
Quảng Ngãi hiện có tới 60/115 hồ chứa nước đang xuống cấp. |
Trong tổng số 115 hồ chứa nước có khoảng 60 hồ chứa nước đang xuống cấp. Trong đó có 30 hồ xuống cấp nghiêm trọng bởi tràn xả lũ chủ yếu là tràn tự nhiên, làm bằng đất nên thường xuyên bị xói lở. Phần lớn các cống làm bằng ống bê tông đúc sẵn hiện đang bị hư hỏng các khớp nối làm rò rỉ nước qua thân cống… khiến nguy cơ vỡ hồ, đập là rất lớn.
Huyện Sơn Tịnh hiện có 11 hồ chứa nước theo phân cấp quản lý. Hiện nhiều hạng mục của 5 công trình đang xuống cấp nghiêm trọng như: hồ Hố Hiểu (Tịnh Đông), Hóc Cơ (Tịnh Hiệp), Cây Bứa, Hố Môn xã (Tịnh Giang) và Đập Bà Tào (Tịnh Sơn).
Chi cục Phát triển nông thôn cũng đã khảo sát thực tế ở các địa phương và đã xây dựng kế hoạch di dời cho 300 hộ dân ở vùng sạt lở đất, núi, ven sông, ven biển thuộc 26 xã ở 9 huyện. Hiện nay, các đoàn công tác kiểm tra của tỉnh đã thực tế sạt lở trên toàn tuyến nhằm phân loại mức độ nguy hiểm để tìm giải pháp phù hợp.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi và các địa phương trong tỉnh, khẩn trương kiểm tra, rà soát hiện trạng toàn bộ các hạng mục công trình các hồ chứa nước, các điểm sạt lở, đánh giá phân loại các sự cố, hư hỏng để có hướng khắc phục, sửa chữa, nâng cấp đối với các hạng mục mất an toàn, bảo đảm công trình phát huy tác dụng, đủ năng lực phòng chống lũ trong mùa mưa bão 2012.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mậu Văn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT hiện công tác này còn nhiều bất cập và chưa phát huy hết hiệu quả là do nguồn kinh phí còn quá ít so với nhu cầu thực tế, nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng lại thiếu vốn đầu tư dẫn đến triển khai xây dựng chậm, không đồng bộ nên chưa phát huy hết hiệu quả. Ngay như một số điểm TÐC đã được tỉnh phê duyệt từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng.
Về lâu về dài, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như xây kè chắn sóng và trồng rừng ven biển; hoàn thiện các khu tái định cư, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống ở những vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao, có định hướng đầu tư nâng cấp kiên cố toàn diện các hồ chứa nước theo thứ tự ưu tiên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Ái Kiều