(QNĐT)- Sau ba tháng nghỉ hè, các em học sinh lại nao nức bước vào năm học mới. Phía sau niềm vui của con trẻ là nỗi lo rất lớn của các bậc phụ huynh, bởi chi phí cho năm học mới thật sự là gánh nặng đối với những gia đình nghèo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bà Bùi Thị Nhung, ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh cho biết, mấy năm qua, năm nào vào năm học mới bà cũng chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền mới đủ chi phí lo cho 3 đứa con ăn học.
Đứa con đầu đi học Trung cấp ở TP. Hồ Chí Minh, vừa lo tiền học phí, vừa chi phí đi lại, ăn ở, tháng đầu tiên khi nhập học phải mất 5 triệu đồng. Hai đứa nhỏ, đứa học lớp 12, đứa học lớp 6, lo tiền trường, tiền quần áo, sách vở cũng mất đến vài triệu đồng. Chồng bà bị tai biến, một mình bà, ngoài làm 2 sào ruộng lúa, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, bà đi bán móc khóa kiếm tiền thêm lo cho con ăn học.
Đêm đêm chị Hân vẫn đẩy xe đi bán cá viên chiên dạo tại khu vực Quảng Trường tỉnh |
Nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ là mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Dẫu khó khăn vất vả nhưng mỗi gia đình đều sắm sửa cho con bộ quần áo mới, chiếc cặp sách mới để vào trường.
Mỗi thứ chi phí một ít, cộng lại thành nhiều, vậy là mùa tựu trường luôn oằn mình với những gia đình khốn khó.
Bà Trần Thị Quyên, ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh cho biết, năm học này hai con bà đều vào đại học. Đứa lớn vào năm 2 , đứa nhỏ cũng vừa thi đậu đại học Văn hóa ở TP. Hồ Chí Minh. Ở quê nếu chỉ làm vài sào ruộng lúa thì cũng chỉ đủ ăn qua ngày nói gì đến việc nuôi con ăn học. Do đó, mấy ngày qua, vợ chồng bà, mỗi người một xe gắn máy mua các mặt hàng như: dây nịt, bóp, ví đựng tiền, kính đeo mắt đi bán dạo. Mỗi ngày vợ chồng bà thu nhập từ nghề này cũng được hơn trăm nghìn đồng. Số tiền này bà sẽ tích góp để lo cho hai con đi học đại học ở TP. Hồ Chí Minhtrong năm học mới.
Bà Nhung hàng ngày vẫn mưu sinh bằng nghề đi bán móc khóa dạo |
Còn ông Vũ Đình Sáu, ở xã Tịnh Bình cảnh “gà trống” nuôi con còn khó khăn hơn. Để có tiền lo cho các con, hằng ngày ông phải chạy xe máy từ Tịnh Bình xuống các huyện lân cận như Bình Sơn, TP. Quảng Ngãi để ép dẻo các loại giấy tờ. Trừ chi phí đi lại, ăn uống mỗi ngày ông cũng kiếm được 50.000 -100.000 đồng. Số tiền tích góp được cũng đủ lo cho tiền học phí và quần áo, sách vở cho con khi năm học mới bắt đầu.
Cuộc mưu sinh của những người dân nghèo thường lắm gian truân vất vả. Nhiều người ban ngày phải làm việc đồng áng, ban đêm lại nghĩ cách buôn bán làm thêm mới đủ tiền nuôi con.
Trường hợp của gia đình chị Trương Thị Mỹ Hân, ở phường Nghĩa Chánh là một ví dụ. Chị Hân cho biết, mấy tháng nay, đêm nào chị cũng đẩy xe ra khu vực Quảng trường (đường Phạm Văn Đồng) để bán cá viên chiên dạo. 17 giờ chị đẩy xe đi bán, 22 giờ khi hết khách lại đẩy xe về. Chị bảo hai con chị, đứa lớn năm nay vào học lớp 10, đứa nhỏ cũng lên lớp 7, chồng chị thì không làm ra tiền nên chị phải đi làm thêm ban đêm kiếm tiền lo cho các con ăn học.
Người đàn ông này vẫn như con ong cần mẫn mỗi ngày bươn chãi để tìm kế sinh nhai. |
Trên mỗi tuyến đường từ làng quê đến góc phố đều có bước chân của những người nghèo ngược xuôi tìm kế sinh nhai. Cũng có những người khi nhận được giấy báo nhập học vào đại học của con trong năm học mới này, họ lại khăn gói vào nam theo con cùng đi “đại học”. Dường như mùa tựu trường năm nào cũng vậy, vẫn có hàng trăm người dân Quảng Ngãi vào TP. Hồ Chí Minh mưu sinh để các con được đến trường.
Mùa tựu trường đã đến. Các bậc phụ huynh đang phải tất bật lo toan để có đủ chi phí cho con trong năm học mới. Sau những tiếng cười rộn rã của các em trong mùa tựu trường là những cuộc mưu sinh đầy gian khó…
Xuân Từ