*Phan Thanh Long - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh
(QNg)- Cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược kết thúc vào ngày 30/4/1975. Từ đây, đất nước độc lập thống nhất. Sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước đã và đang đem lại nhiều thành quả to lớn. Theo đó, nhiều nỗi đau của cuộc chiến tranh dần được hàn gắn, bù đắp. Nhưng còn một nỗi đau quái ác khó phai mờ và khó lường - đó là nỗi đau da cam. Nỗi đau dai dẳng do hậu quả của chất độc hoá học quân đội Mỹ sử dụng ở miền Nam Việt Nam từ tháng 8/1961 đến năm 1973 và chính quyền Sài Gòn tiếp tục sử dụng các kho hóa chất do quân đội Mỹ để lại kéo dài đến 30/4/1975.
* Thảm hoạ da cam - nỗi đau quặn lòng
Theo số liệu điều tra cơ bản năm 1999 của Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học, tại Quảng Ngãi có 170 lượt xã với 584 địa danh bị rải chất độc hóa học. Nhiều địa danh bị rải từ 10 đến 20 lần. Thực hiện đề tài nghiên cứu của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc hóa học Da cam/Dioxin và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Hội Nạn nhân CĐHH Da cam/Dioxin Quảng Ngãi đã điều tra lập hồ sơ tại 123/184 xã, phường trong toàn tỉnh. Qua việc lập hồ sơ đã xác định, có 1.837 cháu thế hệ thứ 3 bị khuyết tật, dị dạng do di chứng chất độc hóa học. Và, sau nhiều năm liên tục rà soát, phân loại đến tháng 7/2012, đã có 21.681 nạn nhân (trực tiếp 11.189 người, gián tiếp 10.492 người, dân thường 8.400 người). Trong số này, đã được hưởng chính sách theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP là 4.618 người, theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP là 1.019 người.
Có thể nói, huyện, xã nào trong tỉnh cũng có nạn nhân chất độc da cam. Hàng nghìn người đang vật lộn với bệnh hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con cháu các nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, dị dạng dị tật bẩm sinh... đã truyền sang thế hệ thứ ba và đã phát hiện xuất hiện ở thế hệ thứ tư. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 hộ có 2 đến 3 nạn nhân trở lên. Nhiều người sinh 4 đến 5 con đều bị dị tật như ông Đinh Ú ở huyện Minh Long, ông Đinh K'Luỹ ở Trà Thọ (Tây Trà) sinh 4 con bị dị tật. Nhiều cảnh thương tâm, xúc động như ông Thái Văn Thành ở Nhơn Phước (Phổ Nhơn, Đức Phổ), ông Trần Sướng ở Châu Hòa (Bình Khương, Bình Sơn), Phạm Tám ở Long Bình (Hành Tín Tây, Nghĩa Hành)… đều có 2 đến 3 con dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ. Ở tuổi lục tuần, thất tuần cần được nghỉ ngơi thì họ lại khổ nhọc về thể xác và đau đớn về tinh thần. Có người đã nói: "Đời tôi không có tương lai, hạnh phúc". Họ đang lo mình qua đời thì con cái không biết dựa vào đâu!
* Bảy năm đồng hành cùng nạn nhân
Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh Quảng Ngãi được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay. Là Hội xã hội đặc thù, là thành viên của Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh, đến nay hệ thống tổ chức của Hội đã thành lập ở 13/14 huyện, thành phố và 136/184 Hội xã, phường, thị trấn với 8.870 hội viên. Hội luôn được các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận TQVN, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, tạo nhiều thuận lợi cho Hội hoạt động. Đặc biệt Tỉnh uỷ sớm có Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 6/12/2007 về đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc hoá học và Công văn số 2061-CV/TU ngày 30/12/2009 về thực hiện Thông báo số 292-TB/TW ngày 18/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. UBND tỉnh cũng ra nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng tổ chức Hội và đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.
Những năm qua, Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã góp phần tích cực tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của dư luận, lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội được khơi dậy. Các cấp Hội đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực vận động các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh và 5 tổ chức phi chính phủ ủng hộ tiền, vật chất trị giá 13.360 triệu đồng. Hội đã làm 342 nhà cho nạn nhân, tặng trên 13.000 suất quà, 215 suất trợ cấp khó khăn, hỗ trợ sản xuất, cấp học bổng, xây dựng 2 Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho 10 - 20 nạn nhân ở Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) và thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ)... với tổng số tiền 12.560 triệu đồng. Kết quả đạt được trong hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam thời gian qua là đáng mừng. Nhờ sự giúp đỡ này, nhiều nạn nhân có cuộc sống ổn định hơn, có mặt vươn lên, giảm bớt buồn tủi, tự tin hòa nhập cộng đồng.
* Còn nhiều việc phải làm để xoa dịu nỗi đau da cam
Những năm qua, dù các cấp, ngành đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ nạn nhân da cam trong tỉnh, nhưng kết quả còn hạn chế. Trong đó có thể nói, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về hậu quả chất độc hóa học đối với con người và môi trường chưa thường xuyên, chưa có nhiều hình thức phối kết hợp phong phú. Một số cơ quan có trách nhiệm chưa nhận thức đầy đủ về Hội và nạn nhân chất độc da cam. Còn 40 xã chưa thành lập tổ chức Hội. Cán bộ Hội ở các huyện và xã nhiều nơi còn kiêm nhiệm, nên có ít thời gian chăm lo công tác Hội. Việc triển khai, thực hiện chính sách cho nạn nhân còn chậm. Hồ sơ thủ tục xét, giám định cho hưởng trợ cấp còn tồn đọng nhiều. Tỉ lệ người dân sinh sống trong vùng bị phun rải chất độc hóa học trước đây sinh con dị dạng, dị tật hưởng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP quá thấp. Bệnh hiểm nghèo chưa được hỗ trợ và thế hệ thứ 3 (cháu của nạn nhân là người tham gia kháng chiến) chưa có chế độ... Đó là những bất cập cần gấp rút tháo gỡ, giải quyết, để nạn nhân chất độc hóa học sớm được hưởng các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Quảng Ngãi là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhưng nhiều vùng còn khó khăn. Hàng năm có nhiều cấp, ngành, hội đoàn thể tổ chức nhiều cuộc vận động, quyên góp. Vì vậy, việc vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn còn hạn chế. Điều này rất cần sự chỉ đạo, hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền cùng với sự nỗ lực hơn nữa của Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin các cấp, sự phối kết hợp các hội, đoàn thể cùng vận động cộng đồng chung tay, góp sức giúp đỡ nạn nhân da cam.
Nhân ngày 10/8 - "Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam" cũng là ngày kỉ niệm 51 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh tha thiết kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hãy đến với nạn nhân nghèo khó, động viên, khích lệ, giúp đỡ họ, góp phần làm vơi bớt nỗi đau da cam./.