Chăm sóc người cao tuổi: Cần sự chung tay

12:08, 25/08/2012
.

(QNg)- Người cao tuổi (từ 80 tuổi trở lên) hầu như hết khả năng lao động vì sức khỏe suy kiệt. Do đó, nếu không được xã hội và gia đình quan tâm chăm sóc thì cuộc sống của họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn…

TIN LIÊN QUAN


Tỉnh ta hiện có hơn 143 nghìn người cao tuổi (NCT) chiếm 11% dân số. Trong đó, hơn 13 nghìn NCT là đồng bào dân tộc thiểu số; 42.800 NCT thuộc diện nghèo, cô đơn, già yếu, không có lương hưu và trợ cấp xã hội khác. Tính chung, hơn 70% NCT có cuộc sống dưới mức trung bình và đại đa số NCT ít có điều kiện tham gia vào các hoạt động văn hóa - xã hội ở địa phương.

Thui thủi tuổi già

Hì hục xách từng gàu nước để tưới vườn rau hẹ đang chuyển dần sang màu vàng úa, bà Nguyễn Thị Ấm (Nghĩa Hành) bảo:  “Phải chi có cái mô tơ bơm nước thì hẹ đâu đến nỗi này". Đưa tay lau mồ hôi rơi lã chã trên khuôn mặt già nua, khắc khổ, bà Ấm bảo rằng vườn hẹ này là "nguồn sống" của vợ chồng già nhưng giờ nó bị nắng thiêu cháy hết. "Coi thế chứ mỗi buổi chợ, chỉ cần 20 bó hẹ là cũng có được chục nghìn để mua mớ rau, chút cá. Chứ ở cái tuổi này, biết làm gì để có chừng ấy tiền hả cháu", bà Ấm than thở. Tôi hỏi sao ông bà không về sống chung với con cái? Ông Ấm không trả lời, chỉ lặng lẽ đi nhóm lửa để bắt nồi cơm trưa. Còn bà thì vội vén gấu áo để lau nước mắt. Mãi hồi lâu, bà Ấm mới trải lòng về lí do khiến ông bà đã qua cái tuổi 80 nhưng vẫn thui thủi trong căn nhà nhỏ vắng tiếng nói cười của con cháu. "Để kiếm cái mưu sinh, tụi nó phải ly hương tứ hướng để đi làm thuê làm mướn. Vậy mà cái nghèo vẫn đeo bám mãi nên dù muốn, chúng cũng chẳng đỡ đần được gì bố mẹ. Cũng may trời thương nên già ít bị đau ốm bệnh tật, chứ không thì…", bà Ấm nghẹn ngào.

 

Khám và chữa bệnh từ thiện cho người NCT nghèo ở xã Long Môn (Minh Long).
Khám và chữa bệnh từ thiện cho người NCT nghèo ở xã Long Môn (Minh Long).


Còn bà Đinh Thị Đay ở xã Long Môn (Minh Long) thì chẳng nhớ mình được bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng tháng nào cũng được nhận 180.000 đồng gọi là tiền của Nhà nước cho… người già! Bà đã bước qua cái tuổi 80 nhưng ngày ngày vẫn mang gùi, cầm rựa lên rẫy để đốn củi, bẻ chè hay kiếm mớ rau, vì không muốn phụ thuộc con cháu.

Bà Đay, ông Ấm không phải là những người già cá biệt có cuộc sống khó khăn trên địa bàn tỉnh ta hiện nay. Song họ vẫn còn may mắn vì tuy phải lăn lộn kiếm cái ăn nhưng lại có nhà để ở và ít ốm đau bệnh tật. Theo đánh giá của Ban đại diện Hội NCT tỉnh thì còn không ít người cao tuổi (NCT) phải sống lang thang, nhà cửa tạm bợ hoặc không có nhà. Ngoài ra, số NCT có mức sống trung bình khá trở lên chiếm chưa tới 30%, còn lại là dưới trung bình. "Hầu hết NCT ở khu vực nông thôn, miền núi có mức thu nhập rất thấp, lại khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như hoạt động văn hóa xã hội nên đời sống vật chất và tinh thần chưa được đảm bảo", ông Trần Văn Thường, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết.

Chăm sóc NCT:  Khó cũng phải làm

Hiện nay, tỉnh ta đang áp dụng mức trợ cấp 180.000 đồng/tháng cho NCT (từ 80 tuổi trở lên) nhưng xem ra mức hỗ trợ này vẫn còn quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho NCT trước tình trạng giá cả leo thang như hiện nay. Bởi  trong số hơn 143 nghìn NCT thì đã có đến phân nửa thuộc đối tượng là người dân tộc thiểu số, người nghèo, cô đơn, già yếu, không có lương hưu và trợ cấp xã hội khác. Điều này đồng nghĩa với việc mọi chi tiêu của họ chỉ được gói gọn trong khoản tiền ít ỏi trên, nếu không được con cháu hỗ trợ thêm.

 

Tính đến ngày 10/2/2012, cả nước hiện có 1.071.032 NCT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với mức thấp nhất là 180.000 đồng/tháng (tăng 1,32 lần so với năm 2010). Số NCT từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng là 948.111 người. Chỉ có 9% NCT là khỏe mạnh, không bệnh tật; còn lại NCT đều có bệnh hoặc mắc các bệnh nặng với chất lượng cuộc sống còn nhiều hạn chế. Và hiện 70% người cao tuổi Việt Nam đang phải sống trong nhà tạm.

Để cải thiện và đảm bảo đời sống vật chất cho NCT, theo ông Trần Văn Thường thì: "Nên hạ độ tuổi NCT được hưởng trợ cấp từ 80 xuống 75 và tăng mức hỗ trợ lên 270.000 đồng/tháng vì ở tuổi 75, NCT đã không còn khả năng lao động". Cũng theo ông Thường thì hiện nay, cuộc sống của không ít NCT là đối tượng hưu trí gặp rất nhiều khó khăn vì gia cảnh nghèo khổ, sức khỏe giảm sút do bệnh nghề nghiệp để lại. Nhưng những người này lại không được hưởng trợ cấp dành cho NCT là mất công bằng. Bởi "khoản hỗ trợ 180.000 đồng/người là chính sách Nhà nước dành chung cho NCT. Còn chuyện họ được hưởng lương hưu hay các chế độ xã hội là vì những cống hiến họ đã từng bỏ ra cho xã hội. Vì thế, chúng ta không nên đánh đồng hai chính sách này", ông Trần Văn Thường nói.

Nước ta đang bước vào thời kì dân số già, và tỉnh ta cũng không nằm ngoài xu hướng trên khi tỉ lệ NCT đã chiếm 11%. Đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác chăm sóc NCT bằng cách xây dựng các trung tâm, trạm dưỡng lão để nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT nghèo. Bởi lẽ, chăm sóc người già không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý, là chính sách nhân đạo đã tồn tại từ bao đời nay của nhân dân ta.   

             
  MỸ HOA

 


.