Ẩn họa đò ngang

10:08, 22/08/2012
.

(QNg)- Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay có hàng trăm bến đò ngang hoạt động đưa người qua lại trên các sông, suối mỗi ngày. Tuy nhiên, ở nhiều bến đò các chủ phương tiện hành nghề đưa đò rất thờ ơ trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản người đi đò.

TIN LIÊN QUAN


Thờ ơ… với mạng sống

Tỉnh ta có 4 con sông lớn và hàng chục sông, suối nhỏ chia cách nhiều điểm khu dân cư nên từ lâu hình thành những bến đò ngang dân sinh tự phát đi lại bằng những chiếc ghe nhỏ, tuềnh toàng làm bằng tôn mỏng và chạy bằng… sức chèo của người chủ phương tiện. Cũng có nơi ghe chạy bằng máy. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ dường như ở những bến đò tự phát tình trạng mất an toàn giao thông luôn rình rập.

Học sinh và người dân ở một số thôn của xã Sơn Bao (Sơn Hà) đi lại qua sông Tang bằng chiếc bè tre tự tạo, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Học sinh và người dân ở một số thôn của xã Sơn Bao (Sơn Hà) đi lại qua sông Tang bằng chiếc bè tre tự tạo, tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Tại bến đò ngang thôn An Tây, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) mỗi ngày trung bình có từ 20 đến 50 người đi qua lại bằng chiếc ghe nhỏ chưa đến 4m2 qua xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh). Chị Nguyễn Thị Vân, người lái đò cho biết, chị hành nghề hơn chục năm qua dù có lúc nước sông Trà Khúc vào mùa mưa lũ dâng cao và chảy xiết. "Hơn mười năm rồi đưa khách sang sông có ai bị sao đâu. Biết là nguy hiểm nhưng chẳng còn cách nào khác vì nghèo mới hành nghề "gọi đò ơi". Mùa này nước sông cạn thì đi vậy, còn mùa mưa thì chồng hoặc con ra phụ giúp chứ nước sông chảy xiết lắm. Ngoài ra mình còn mua thêm mấy can nhựa 20 lít để hờ trên ghe làm… phao cứu hộ" - chị Vân nói.

Dọc theo sông Trà Khúc từ xã Nghĩa Lâm về đến cửa Đại có rất nhiều bến đò ngang cũng trong tình cảnh tương tự. Tại bến đò ngang thôn Ân Phú, xã Tịnh An (Sơn Tịnh) vào mùa nước cạn thì người và phương tiện qua lại trên chiếc cầu tre nhỏ được người dân tự làm lấy. Thế nhưng, vào mùa mưa nước dâng cao ngập cầu nên người dân buộc phải đi lại bằng đò ngang và chiếc ghe nhỏ mỗi ngày phải "gánh" cả trăm người qua lại.

Không chỉ ở các huyện đồng bằng mà ở các huyện miền núi, nhiều chủ phương tiện đưa khách sang sông, suối cũng rất thờ ơ với tính mạng người dân và cả bản thân chủ đò. Bến đò thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham (Sơn Hà)ø hoạt động quanh năm, do ông Đinh Văn Anh người dân tộc Hrê lái. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra, ông Anh không có giấy chứng nhận chuyên môn, đã bị Đoàn kiểm tra liên ngành đình chỉ hoạt động.

 Còn trên sông Tang, đoạn qua xã Sơn Bao (Sơn Hà) có hai bến đò được UBND xã Sơn Bao "bảo hộ" bằng việc thuê người có chứng chỉ hành nghề đưa khách. Tuy nhiên, đi trên những phương tiện này chúng tôi luôn trong tình trạng "vã mồ hôi" khi chiếc đò ra giữa sông chao đảo dữ dội do gặp phải điểm nước chảy xiết.

Để đưa nhóm học sinh Trường THCS Sơn Bao đến trường, lái đò Đinh Văn Bỉ kéo sợi thừng bắc ngang sông. Hiện có khoảng 230 hộ dân với trên 1.500 nhân khẩu của thôn 1 Nước Bao và một nửa thôn Nước Rinh, xã Sơn Bao hàng ngày qua lại trên dòng sông Tang bằng chiếc bè tre luôn chực chờ những hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Quyết liệt bảo vệ tính mạng người dân

 Trước thực trạng nói trên, đại diện các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm tìm ra những giải pháp để hạn chế tối đa tai nạn. Tuy nhiên, đã nhiều mùa mưa bão đi qua, những bến đò này vẫn tồn tại, dù đã nhiều lần bị "nhắc nhở".

Những chiếc ghe nhỏ tròng trành chở hàng trăm lượt người qua lại trên sông suối mỗi ngày dù rất nguy hiểm đến sinh mạng con người.
Những chiếc ghe nhỏ tròng trành chở hàng trăm lượt người qua lại trên sông suối mỗi ngày dù rất nguy hiểm đến sinh mạng con người.


 Theo các chủ phương tiện và cả người dân, nếu không đi lại bằng đò ngang thì họ chỉ còn biết đi đường vòng xa gấp nhiều lần. Như trường hợp của ông Đinh Văn Anh, dù đã bị ngành chức năng lập biên bản đình chỉ hoạt động, thế nhưng, hằng ngày ông phải đưa đò chở 41 học sinh trung học cơ sở và 450 hộ dân của 3 thôn Chàm Rao, Xà Nay và Xà Riêng (xã Sơn Nham) qua lại.

Ông Nguyễn Ngọc Khải - Trưởng Công an xã Sơn Nham cho biết: "Địa phương đã tìm mọi nguồn để hỗ trợ cho ông Anh, nhưng cũng chỉ được 6 triệu đồng/năm, tính xăng dầu cũng chưa đủ nửa năm, còn đâu cho sinh hoạt hàng ngày. Việc đưa đò là do ông Anh tự nguyện. Chúng tôi cũng lo lắm do hoạt động đò ngang luôn tiềm ẩn rủi ro cao nhưng biết làm sao được".

 Theo ông Phạm Tấn Dũng - Phó Thanh tra Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi, hầu hết phương tiện tham gia chở khách tại các bến đò ngang đều không đảm bảo an toàn kĩ thuật. Nhiều phương tiện đã quá cũ nát, nhưng chủ đò vẫn sử dụng trong việc vận tải khách, “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành đi kiểm tra đối với tất cả các bến đò ngang, những trường hợp phương tiện thủy nội địa không đạt yêu cầu phục vụ chuyên chở khách, đoàn kiểm tra kiên quyết lập biên bản đình chỉ, để phòng ngừa tai nạn" - ông Dũng nói.

Trong khi ngành chức năng đang loay hoay tìm giải pháp, thì hàng ngày những chiếc đò ngang vẫn phải hoạt động, dù khách đi lại và cả chủ đò đều biết: "Mạng sống như chỉ mành treo chuông" nhưng đành phải đi….  


                 Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
                                                                           


.