80% hộ cận nghèo chưa mua được BHYT

09:08, 05/08/2012
.

(QNg)- Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã đi vào cuộc sống từ hơn 3 năm qua với mục tiêu là tạo điều kiện cho tất cả mọi người dân đỡ được gánh nặng về tài chính khi đau ốm và được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại. Tuy nhiên, hiện có tới 80% hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mua BHYT  và chưa tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mặc dù từ đầu năm 2012, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho đối tượng này tới 70% phí mua BHYT.  

Đã hơn nửa đời người nhưng bà Đinh Thị Yến ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) vẫn chưa có được tấm thẻ BHYT, mặc dù bà đau ốm, bệnh tật triền miên. Bà Yến không dám đi bệnh viện vì không có tiền. Mỗi lúc như thế, bà phải chạy khắp nơi vay mượn tiền để mua  thuốc chữa bệnh tại nhà. "Tôi chỉ mong muốn có được cái thẻ BHYT để xin thuốc để uống. Đau ốm cộng thêm lớn tuổi, bản thân không làm gì được để kiếm ra tiền. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn” bà Yến chia sẻ.

Ảnh minh hoạ- Internet
Ảnh minh hoạ- Internet


Tình trạng hộ cận nghèo chưa mua BHYT đang diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương trong cả nước. Riêng  Quảng Ngãi hiện có 80% trong tổng số 25 ngàn hộ cận nghèo chưa mua BHYT. Điều này có nghĩa là các hộ cận nghèo chưa được hưởng thụ các chính sách ưu đãi về chăm sóc sức khỏe. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng  theo đánh giá của các địa phương, nguyên nhân chính  là do các hộ cận nghèo còn quá  khó khăn về kinh tế, mặc dù từ năm 2012, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ tới 70% phí bảo hiểm. Với một hộ cận nghèo có từ 3 đến 4 khẩu, mặc dù chỉ phải đóng 30% phí nhưng cũng đã phải tốn sáu bảy trăm ngàn đồng. Số tiền này không nhỏ so với thu nhập của các hộ cận nghèo.

Xã Hành Đức (Nghĩa Hành) là một xã thuần nông, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 30%. Thế nhưng, hiện cả xã chỉ có 2% hộ cận nghèo mua BHYT. Theo ông Phan Ninh- Chủ tịch UBND xã Hành Đức "Hộ nghèo và hộ cận nghèo dường như gần với nhau. Sau một thời gian nỗ lực hộ nghèo vươn lên và trở thành hộ cận nghèo. Tuy nhiên, ở đây họ chủ yếu làm nghề nông, khi mất mùa xảy ra hay trong chăn nuôi bị dịch bệnh thì họ gặp khó khăn ngay và họ sẽ là hộ nghèo thôi. Chính vì vậy họ khó có thể tham gia BHYT”.

Có một thực tế đang diễn ra ở hầu hết các địa phương, đó là nhiều hộ không mua nổi BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình. Các hộ cận nghèo chọn cho mình phương án là khi nào có người đau ốm mới chạy đi mua BHYT tự nguyện, với mức phí 567.000 đồng/người. Mỗi năm Quảng Ngãi chỉ có khoảng chừng 100 người thuộc diện hộ cận nghèo mua BHYT thì đều rơi vào trường hợp ốm trước, mua sau. Với những thẻ BHYT mua mang tính "đối phó" như thế, khi có bệnh mới đi mua, không có tính liên tục, người bệnh chỉ có thể hưởng được những dịch vụ y tế thông thường. Vì theo luật định, người tham gia BHYT lần đầu hoặc đóng BHYT không liên tục thì thẻ có giá trị sử dụng sau 30 ngày nhưng chỉ được hưởng các dịch vụ y tế thông thường. Còn các  quyền lợi về dịch vụ kỹ thuật cao chỉ được hưởng khi thẻ có giá trị sử dụng sau 180 ngày. Vì vậy, ngay cả những hộ đã mua BHYT theo hình thức đối phó vẫn chưa được hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế.

Ông Trương Văn Nam - Phó Giám đốc BHXH Quảng Ngãi cho biết: "Để tất cả các hộ gia đình cận nghèo tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai giải pháp trợ giúp cho các hộ cận nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập để có tiền mua  BHYT, BHXH; tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng phương án phối kết hợp với các địa phương trong công tác tuyên truyền; đồng thời vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong việc hỗ trợ thêm một phần phí mua BHYT ngoài phần hỗ trợ 70% từ ngân sách để các hộ gia đình cận nghèo có đủ khả năng tài chính  mua BHYT.      


   Thu Thảo
 


.