Trung tâm điều dưỡng người có công: Nối tiếp chuyện "Đền ơn đáp nghĩa"

09:07, 31/07/2012
.

(QNg)- Trung tâm Điều dưỡng Người có công thành lập ngày 29/4/2008. Khuôn viên Trung tâm xây dựng trên diện tích hơn 9.000m2 ở thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh). Bốn năm qua, Trung tâm liên tục có những bước đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, điều dưỡng những người có công cách mạng.
 
Trong thời gian đầu mới thành lập, Trung tâm chỉ tổ chức ăn, nghỉ cho những người đến điều dưỡng. Đến nay, Trung tâm đã được trang bị đầy đủ hơn về các điều kiện, phương tiện phục vụ. Các hoạt động điều dưỡng của một đoàn tại Trung tâm được rải dài trên hầu hết các ngày trong tuần. Hoạt động điều dưỡng bao gồm: Đón tiếp đoàn điều dưỡng, khám sức khỏe ban đầu, tập vật lý trị liệu, các hoạt động văn nghệ, xem phim, tham quan, khám sức khỏe, liên hoan cuối đợt điều dưỡng...

Đánh cờ tướng giải trí tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công.
Đánh cờ tướng giải trí tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công.


Ngoài hệ thống nhà ăn hiện đại, các hoạt động vui chơi, giải trí phong phú, thì   khẩu phần ăn tại Trung tâm cũng được tăng lên. Về khẩu phần ăn, bà Lương Thị Hà Thanh - Cán bộ Phòng Hành chính của Trung tâm cho biết: "Năm 2011 Nhà nước cấp 1 triệu đồng/người/tuần tổ chức theo đoàn đến Trung tâm, còn năm nay là 1,5 triệu đồng/người. Vì  tăng 500 nghìn đồng, nên khẩu phần ăn uống cũng tăng lên đáng kể. Thay vì ăn 3 bữa/ngày như trước kia, thì đến nay trung tâm đã tăng thêm chế độ ăn khuya cho các bác đi điều dưỡng tại Trung tâm". Bà Lương Thị Hà Thanh cho biết thêm: "Chúng tôi sắp xếp các hoạt động trong 7 ngày, với hi vọng không để xảy ra khoảng thời gian trống gây nhàm chán cho các bác khi điều dưỡng tại Trung tâm. Chúng tôi luôn phấn đấu làm thế nào để các bác sống thoải mái, sống vui, sống khỏe...".

Bác Phạm Minh Cứ (Tịnh Giang - Sơn Tịnh) đang điều dưỡng tại Trung tâm, nói: "Đây là lần thứ hai tôi điều dưỡng tại Trung tâm. Cán bộ của Trung tâm rất nhiệt tình và chu đáo. Tôi thấy rất vui và sẽ tiếp tục điều dưỡng tại đây nếu có điều kiện".

Cũng nhờ điều dưỡng tại Trung tâm mà bà Trần Thị Búp (63 tuổi) tìm lại được người bạn từ thời còn con gái sau gần 45 năm mất liên lạc. Bà xúc động kể: "Hồi đó tôi và cô ấy là bạn bè công tác cùng một xã. Sau đó, cô ấy đi công tác xa rồi lấy chồng và ở luôn nơi đó. Còn tôi thì công tác ở Ban Tài chính của tỉnh… Chiến tranh mà, đâu có liên lạc được!". Bà Búp nghẹn ngào khi đi điều dưỡng thì gặp lại người bạn cũ xa cách gần 45 năm.

Có thể nói, Trung tâm Điều dưỡng đã mang lại những ngày thật ý nghĩa, làm sống lại những kỉ niệm một thời oanh liệt và đẹp nhất đối với những người có công với cách mạng. Trung tâm không chỉ là nơi tổ chức chăm sóc về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Nhân dịp 27/7 năm nay, Trung tâm sẽ tổ chức gặp mặt, giao lưu giữa các đoàn điều dưỡng với cán bộ nhân viên của đơn vị. Về chuyên môn, Trung tâm sẽ liên tục cập nhật và sưu tầm những bộ phim về thời chiến  như "Cuộc chiến mười nghìn ngày", "Cánh đồng hoang" phục vụ tại Trung tâm; nghiên cứu, tìm hiểu các di tích lịch sử, các địa danh để chuẩn bị cho chương trình tham quan trong và ngoài tỉnh.


Bài, ảnh: Huyền Trang
 


.