(QNĐT)- Mùa hè là dịp để trẻ em được vui chơi thỏa thích trước khi bước vào năm học mới. Riêng đối với trẻ em nghèo vùng ven sông Vực Hồng (xã Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa), những ngày hè lại là cơ hội để kiếm tiền, phụ giúp gia đình để theo đuổi giấc mơ con chữ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
* 9 tuổi đã lặn sông:
Bất chấp nắng trưa bỏng rát, những đứa bé đen nhẻm bặm môi lùa tay xuống dòng nước lạnh dùng sức nạy con hàu bám chặt vào những tảng đá dưới đáy sông rồi bỏ lên ghe. Cứ mỗi ngày như vậy, hàng chục đứa trẻ làng Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa lại bắt đầu công việc từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt.
Ở cái tuổi mà lẽ ra chỉ biết ăn, ngủ, học hành nhưng em Bùi Thị Mỹ Phượng (mới 9 tuổi) đã sớm bươn chải đỡ đần cha mẹ. Hằng ngày, cứ 7 giờ sáng, Phượng tự chèo ghe từ nhà ra khu vực khu du lịch bè nổi Bãi Dừa (Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa) để bán hàu và chuyên chở du khách dạo mát thăm thú quan cảnh.
Những đứa trẻ đang cắm sào đợi khách. |
Đôi tay gầy tong teo không đủ sức giữ chiếc ghe ngưng tròng trành trước con nước nhưng miệng vẫn không ngớt chào mời “cô ơi, chú ơi đi dạo mát đi chú, con chở đi, thú vị lắm. Con không lấy tiền đắt lắm đâu, cô chú thích cho bao nhiêu thì cho”.
Mới học lớp 5, Trường Tiểu học Phan Văn Đường (Nghĩa Hòa), nhưng Phượng đã có “thâm niên” mưu sinh tại Bãi Dừa. Kể về gia đình, em gượng cười: “Nhà đông anh em quá, thấy ba mẹ vất vả nên em mới ra đây kiếm thêm tiền phụ ba mẹ thôi. Chuẩn bị vô năm học mới rồi, biết bao nhiêu thứ tiền phải lo mà”.
Cùng “rong ruổi” với em còn có gần chục em khác cùng làng, cùng gia cảnh nghèo và tuổi đời đều không vượt quá 12. Mỗi ngày các em phải phơi nắng ngoài sông từ 7 giờ đến 12 giờ mới về nhà ăn vội bát cơm rồi lại chèo ghe ra Bãi Dừa mời du khách.
Cả ngày vất vả cũng chỉ kiếm được từ 40-60 nghìn đồng, nhiều hôm đông khách, các em gắng nán lại kiếm thêm vài nghìn nên về đến nhà cũng đã 9 giờ đêm.
“Lúc đầu mới làm, về đến nhà chỉ muốn lăn ra ngủ vì toàn thân mỏi nhừ, lại đói bụng nữa… Nhưng lâu dần rồi cũng quen tay, nên giờ thấy bình thường”- Lê Văn Phước Tường, học sinh lớp 5B tTrường tiểu học Phan Văn Đường hồn nhiên tâm sự.
Càng về chiều, khách đến Bãi Dừa ngày càng đông, lũ trẻ lại tản ra và ùa vào các bè nổi để mờikhách mua hàu, đồng thời tranh thủ mời mọc các vị khách muốn thưởng ngoạn phong cảnh trên ghe. Tiếng í ới mời khách, tiếng cười giòn tan khi được du khách thuê ghe của lũ trẻ hòa vào buổi chiều muộn.
* Chông chênh phận nghèo:
Tranh thủ lúc vãn khách, các em tựa đầu vào mạn ghe nghỉ ngơi, thỉnh thoảng vài ba em lại hồn nhiên rủ nhau chèo ghe đua để giết thời gian. Cậu học trò nghèo Phạm Văn Tây, học sinh lớp 6 Trường THCS Nghĩa Hòa tâm sự: “Chèo ghe hơn chục tiếng đồng hồ cùng lắm kiếm được vài chục nghìn… Gặp lúc bè nổi vắng khách, không ai thuê ghe thì đành chịu thôi. Nhưng dù sao tụi em cũng vui vì kiếm được tiền, chứ ngồi ở nhà thì không biết lấy đâu tiền để vào năm học mới…”.
Em Lê Thị Bé Lũy thì chia sẻ: “Nhìn thấy các bạn nhỏ được ba mẹ dẫn đi bè nổi dạo chơi em cũng mong lắm một ngày được ba mẹ dắt đi chơi như thế”. Giấc mơ tưởng chừng nhỏ bé nhưng đối với những đứa bé ngày đêm lặn ngụp bắt hàu nơi đây lại trở nên xa xỉ.
Em Phạm Văn Tây, học sinh lớp 6, Trường THCS Nghĩa Hòa đang kéo ghe đi bán hàu dạo quanh bè nổi. |
Sớm lao vào vòng mưu sinh khắc nghiệt, gương mặt những đứa trẻ ven sông Vực Hồng đứa nào cũng xạm đen, nhọc nhằn. Nhiều em đã học đến lớp 6 nhưng người nhỏ thó như trẻ lớp 1. Chìa đôi bàn tay bị nước ăn, em Phạm Văn Tây, ái ngại “ Lội hoài dưới nước nên tay chân em bị nước ăn hết. Lúc đầu đau rát khó chịu lắm, rồi dần dần quen luôn, sợ nhất là những khi lội xuống nước mà đạp phải chai lọ bị vỡ, máu cứ chảy ra không ngừng”.
Nặng gánh mưu sinh, các em phải đối mặt với nhiều mối họa tiềm ẩn. Anh Phạm Anh Phương (khách du lịch) chia sẻ: “Nhìn những đứa trẻ gồng mình lên chèo đò, lội bì bõm dưới nước mà lo ngại. Chẳng may sẩy chân vào chỗ nước sâu hay bị lật ghe thì người lớn còn trở tay không kịp huống hồ trẻ thơ”.
Lê la cả ngày ngoài sông nước để mong kiếm được tiền sắm sửa sách vở chuẩn bị bước vào năm học mới, những đứa trẻ như Lũy, Tây, Phượng… không hề quan tâm đến những hiểm nguy có thể rình rập mình bất cứ lúc nào. Điều lớn nhất mà các em suy nghĩ chỉ là gắng kiếm thêm ít tiền để có thể tiếp tục đi học mà thôi.
BÀI, ẢNH: Ý THU