Duyên nợ với những mảnh đời lầm lỡ

08:07, 04/07/2012
.

(QNg)- "Nhìn những đứa trẻ mặt còn búng ra sữa nhưng lại dán chặt đời mình vào làn khói thuốc của ma túy, trở thành "nô lệ" của "nàng tiên nâu", quả thật tôi không đành lòng. Càng gần gũi, tôi càng thấy xót xa và thương chúng nhiều hơn. Và rồi chẳng biết từ lúc nào, tôi lại trở thành bạn thân của chúng nó", bà Võ Thị Kim Lý ở phường Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi) trải lòng.

Nhắc đến đối tượng nghiện ma túy, mắc bệnh HIV/AIDS hẳn nhiều người sẽ e dè, né tránh... Có lẽ vì vậy mà ngoài hội bạn cùng-sở-thích, thì đối tượng nghiện ma túy hay nhiễm HIV/AIDS thường sống lạc lõng giữa sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh. Trái với quan điểm ấy, bà Võ Thị Kim Lý ở phường Nguyễn Nghiêm đã khiến người ta phải giật mình, vì không chỉ làm bạn với đối tượng nghiện ma túy, chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS, mà bà còn dám bảo lãnh vay vốn cho không ít người từng "vào tù ra khám" vì tội buôn bán và tàng trữ trái phép ma túy!

Bà Lý (ở giữa) chuyện trò và thăm hỏi mẹ con chị Phạm Thị Bạch Phượng.
Bà Lý (ở giữa) chuyện trò và thăm hỏi mẹ con chị Phạm Thị Bạch Phượng.


Thiết nghĩ việc làm rất đơn giản ấy sẽ nhận được sự cảm thông và đồng thuận của nhiều người. Nhưng trái lại, họ cho đó là hành động "bất thường". Để rồi trong suốt một thời gian dài, không ít người đã ném cái nhìn tò mò, dò xét về phía người đàn bà có gương mặt phúc hậu và giọng nói trầm ấm Võ Thị Kim Lý. "Người nói tôi… dở hơi, người bảo tôi chơi nổi. Cũng có kẻ ác ý nói tôi lợi dụng những đối tượng này để trục lợi nhưng tôi chỉ biết... im lặng và cười trừ!", bà Lý bộc bạch.

Hít một hơi thật sâu như để sắp xếp lại những chuyện đã xảy ra, bà Lý chậm rãi kể lại nguyên căn đã khiến bà có những việc làm bị cho là "ngông" như thế. Đó là 3 năm trước, một học sinh ngoan ngoãn, học giỏi bỗng chốc trở thành "cục nợ" của gia đình, bị mọi người ghê sợ và xa lánh vì nhiễm HIV/AIDS. Dẫu biết việc cậu bé mắc bệnh là do sự cẩu thả của tên thợ xăm (dùng một kim để xăm- PV) nhưng mọi người vẫn bàn ra tán vào. Thậm chí họ chẳng dám đến thăm vì sợ bị... lây. Điều này càng khiến cháu bé nung nấu ý định trả thù đời với chiếc kim dính đầy máu, sẵn sàng đâm vào ai dám nói nó... hư hỏng! "Nhìn nó vật vã trong đau đớn và uất hận, tôi không cầm lòng được. Thế nên mỗi tối, tôi liều mang sữa đến thăm, cốt để động viên cháu", bà Lý nhớ lại. Và rồi không biết có phải vì cảm động trước tấm chân tình của bà, hay vì "ngấm" dần những lời khuyên trong câu chuyện hàng ngày bà vẫn kể mà chỉ một tuần sau, cậu bé đã đồng ý đến bệnh viện để điều trị, từ bỏ ý định trả thù và sống thanh thản đến lúc đi xa.  

Hay như chuyện chị Phạm Thị Bạch Phượng trở về nhà trong sự cô đơn, lạc lõng sau 8 năm thụ án "vận chuyển ma túy". "Buồn, chán vì bị hàng xóm ghẻ lạnh. Đi xin việc thì chẳng ai dám thuê vì ngại cái án tù. Nếu không nhờ má Lý rộng lòng giúp đỡ thì không biết đến giờ này, cuộc đời tôi trôi về đâu", vừa nói chị Phượng vừa xếp những mặt hàng khô lên kệ.

Nhìn con gái vui vẻ, luôn tay luôn chân bán hàng, rồi gội đầu cho khách mà mẹ chị, bà Nguyễn Thị Vui vẫn không dám tin đó là sự thật. Bởi lẽ, chỉ cách đây ít lâu thôi, nhà bà chẳng ai dám đến vì sợ "dính" ma túy. Thậm chí khi cô Lý bảo lãnh cho chị Phượng vay 7 triệu đồng để mở cửa hàng gội đầu, bán tạp hóa và sim card điện thoại thì cũng chẳng ai buồn mua vì cái án "buôn ma túy". Đã thế nhiều người còn cho rằng chị Phượng đang mượn cửa hàng để "che mắt" cho việc buôn bán ma túy của mình. "Lúc ấy, ngày nào cô Lý cũng tạt qua thăm mẹ con tôi.

Rồi đến nhà các hộ xung quanh để "tán" chuyện. Chẳng biết cô nói thế nào mà giờ họ chịu nắm tay, nói chuyện và ghé cửa hàng nhà tôi", bà Vui nhớ lại. Giờ đây, dù quán nhỏ đã đông khách nhưng ngày nào cô Lý cũng tìm cớ ghé qua. Khi thì mua vài bịch bim bim, lúc khác lại khuyến mãi ít cây kẹo mút cho đứa cháu ngoại. "Đó là cách để mình  động viên Phượng chí thú làm ăn, không lầm đường lạc lối lần nữa", cô Lý bộc bạch.

Ngoài hai trường hợp đáng nhớ trên, cô Lý cũng là "ân nhân" của nhiều đối tượng nghiện ma túy khi khiến họ phải dừng cuộc chơi, tự nguyện vào trung tâm cai nghiện để mong có cơ hội quay đầu hướng thiện. Để rồi, từ một phường dẫn đầu về số lượng người nghiện ma túy (14 đối tượng) vào cuối năm 2011, thì đến nay con số này ở Nguyễn Nghiêm chỉ còn 6 đối tượng. Trong đó có 2 đối tượng đã cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng.

Dẫu biết việc làm của mình tốn nhiều thời gian, công sức và cả sự hiểm nguy nhưng cô Lý bảo rằng: "Đó là niềm vui, và cũng là duyên nợ". Và vì cái duyên ấy mà ngày ngày, người dân phường Nguyễn Nghiêm vẫn bắt gặp hình ảnh bà Lý đạp chiếc xe cà tàng đến từng ngõ ngách của phường, hễ thấy chỗ nào có đám trẻ tụ tập chơi bời  hay nghi ngờ đứa nào hút, chích là bà lại tạt vào thăm hỏi, nói chuyện như những người thân quen.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.