Những điển hình tuổi cao, gương sáng

08:06, 11/06/2012
.

(QNg)- Phát huy vai trò của người cao tuổi hiện nay, nhiều lão niên không "lão giả an chi", các cụ không những không nghỉ ngơi mà còn phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, nguồn vốn, năng lực, sức khoẻ... góp phần phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình và xã hội.  

Chúng tôi đến thăm cơ sở thu mua  túi nilon của bà Nguyễn Thị Vớ, ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), mới thấy hết ý chí tự vươn lên của bà. Dù đã bước sang tuổi 66, nhưng hàng ngày bà Vớ vẫn cùng con cháu miệt mài bên những túi nilon cũ kỹ, mà đối với bà như duyên nợ.

Bà Vớ phân loại túi nilon để bán cho các cơ sở tái chế nhựa.
Bà Vớ phân loại túi nilon để bán cho các cơ sở tái chế nhựa.


Trước đây cuộc sống gia đình bà rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Bà quê ở Hà Nam, theo chồng (là bộ đội tập kết ra Bắc) về quê Quảng Ngãi. Hai vợ chồng bà đều là viên chức nghèo, lam lũ mưu sinh nuôi ba người con. Năm 1989, vì bệnh tật cũng như vết thương chiến tranh hành hạ, chồng bà đã mất, để lại cho bà gánh nặng con thơ đang tuổi ăn, học. Bà làm thuê, cuốc mướn nuôi con nên người. Vì cuộc sống thiếu trước hụt sau, nên bà không có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Thế nên bà luôn nung nấu quyết tâm vươn lên, không cam chịu đói nghèo.

Ban đầu với ý tưởng nhặt giấy, bao nilon, rác… về phân loại, thứ sử dụng được, bà tranh thủ giặt sạch, phơi khô cho vào bao tải để bán, với suy nghĩ: "Trước là làm sạch môi trường, sau là bán được đồng nào tốt đồng đó đỡ lãng phí". Sau đó bà Vớ bàn bạc với người con trai,  mở cơ sở thu mua lại túi nilon từ các hàng quán, chợ… để tận dụng nguồn phế liệu sau đó ép thành khối để bán cho các cơ sở tái chế nhựa ở phía bắc. Nhờ sự giúp sức của hội, đoàn thể, bà vay mượn được ít vốn để đầu tư mua máy móc. Vốn sẵn tính cần cù chịu khó, bà Vớ và con trai đã gầy dựng cơ sở ngày càng làm ăn hiệu quả, không những thoát nghèo, mà các con của bà có công ăn việc làm ổn định. Bên cạnh đó, cơ sở của bà còn giải quyết 4 lao động thường xuyên ở địa phương, với thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm cơ sở này cho thu nhập cả trăm triệu đồng, giúp gia đình bà có điều kiện sống tốt hơn, các con không phải tha phương nơi đất khách quê người kiếm sống.

Rời gia đình bà Vớ, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ của ông Cao Lộ, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh). Năm nay đã bước sang tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh và hoạt bát trong việc điều hành cơ sở sản xuất của gia đình. Từ chỗ xẻ gỗ gia công, xay xát gạo, đến nay ông đã là chủ của một cơ sở sản xuất đồ trang trí nội thất, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Các sản phẩm đồ gỗ trang trí nội thất của gia đình ông đã được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông còn giúp đỡ, hướng dẫn con cháu trong gia đình, dòng họ, những người nghèo khó làm ăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và tích cực tham gia công tác từ thiện nhân đạo do các cấp phát động.

Một điển hình tuổi cao gương sáng khác rất giàu nghị lực đó là ông Trần Đốc, ở phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi. Dù đã bước qua tuổi nghỉ hưu, ông vẫn không cho phép mình có thời gian nhàn rỗi. Với kinh nghiệm tích luỹ được trong những năm còn làm tài xế ở Công ty Đường Quảng Ngãi, khi nghỉ hưu, ông mạnh dạn vay vốn mua 3 chiếc xe tải chạy thuê, với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Năm 2005, ông thành lập doanh nghiệp vận tải Quốc Cường. Đến nay, cơ sở của ông có hàng chục xe tải lớn nhỏ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động.

Có thể nói, những điển hình tuổi cao,  gương sáng trên đại diện cho hàng nghìn người cao tuổi trong tỉnh đang ngày ngày tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương. Họ xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho người cao tuổi "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", góp phần tích cực vào công tác xóa đói - giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay.


   Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.