Người đứng đầu, ban cán sự đảng, cấp ủy đảng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về quyết định hoặc đề xuất của mình đối với công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động và luân chuyển công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý.
Ảnh minh họa |
Đó là nguyên tắc mới được bổ sung trong dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý để thay thế Quyết định 27/2003/QĐ-TTg, do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng vừa được công bố lấy ý kiến nhân dân.
Dự thảo này đã bổ sung các quy định về công tác quy hoạch cán bộ. Trước hết, về nguyên tắc quy hoạch, dự thảo quy định: người được xem xét để đưa vào quy hoạch phải có đủ tiêu chuẩn chung của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh.
Trường hợp xem xét để đưa vào quy hoạch giữ chức vụ cao hơn phải đủ tuổi để có thể công tác từ hai nhiệm kỳ trở lên hoặc ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ. Còn đối với công chức, viên chức được xem xét để đưa vào quy hoạch chức vụ hiện giữ phải có đủ độ tuổi để có thể công tác trọn một nhiệm kỳ…
Mỗi chức danh có thể quy hoạch từ 2 đến 3 người, mỗi người có thể quy hoạch từ 1 đến 3 chức danh, những người được trên 50% số phiếu tán thành thì được quyết định đưa vào quy hoạch. Sau đó, người đứng đầu cơ quan phải báo cáo cấp trên trực tiếp danh sách công chức, viên chức đề nghị quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của cấp mình để cấp trên xem xét phê duyệt.
Bổ nhiệm không trong thời hạn bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức
Dự thảo nêu rõ, công chức, viên chức được bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ. Trường hợp công chức, viên chức đã giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, nay do nhu cầu công tác mà được giao giữ chức vụ mới tương đương thì không tính tuổi bổ nhiệm lần đầu như quy định.
Việc bổ nhiệm không trong thời hạn bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách đến cách chức.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh lãnh đạo trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, số lượng và dự kiến phân công công tác đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm.
Cũng theo dự thảo, mục đích yêu cầu điều động và luân chuyển công chức lãnh đạo phải căn cứ theo quy hoạch nhằm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý; công chức lãnh đạo, quản lý được điều động và luân chuyển phải có trình độ năng lực và bảo đảm tiêu chuẩn của vị trí công tác được luân chuyển đến.
Theo VGP